Theo quy định tại Thông tư số 20/2015/TT-NHNN ngày 28/10/2015 của Ngân hàng Nhà nước thì sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép, tổ chức kinh tế được mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài theo các nội dung quy định trong Giấy phép để đáp ứng các điều kiện xin cấp phép thành lập và hoạt động cho chi nhánh theo quy định của pháp luật nước sở tại, đồng thời để phục vụ cho hoạt động của chi nhánh ở nước ngoài.
Tuy nhiên, Thông tư số 20/2015/TT-NHNN chưa quy định rõ về việc sử dụng tài khoản ngoại tệ của chi nhánh doanh nghiệp ở nước ngoài nên dẫn đến có những quan điểm khác nhau về vấn đề này. Có quan điểm cho rằng chi nhánh doanh nghiệp ở nước ngoài chỉ được sử dụng tài khoản ngoại tệ cho mục đích tiếp nhận tiền từ trong nước chuyển ra để phục vụ hoạt động của chi nhánh mà không được thu tiền từ các giao dịch kinh doanh của doanh nghiệp tại nước ngoài. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, theo quy định của pháp luật thì chi nhánh doanh nghiệp cũng được thực hiện các hoạt động kinh doanh trong phạm vi các ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, cho nên chi nhánh có quyền thu các khoản tiền phát sinh từ các giao dịch kinh doanh của chi nhánh, thậm chí cả những giao dịch kinh doanh của doanh nghiệp ở nước ngoài.
(Nguồn ảnh: Internet)
Để làm rõ vấn đề trên đây, chúng ta cần tìm hiểu thêm về các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của chi nhánh doanh nghiệp.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020: “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp”. Như vậy, tuy là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp nhưng chi nhánh vừa thực hiện chức năng kinh doanh vừa thực hiện chức năng đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp. Hơn nữa, theo quy định tại khoản 12 Điều 8 Nghị định số 99/2016/NĐ-CP thì chi nhánh doanh nghiệp cũng được quyền sử dụng con dấu riêng. Cũng theo quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ thì chi nhánh doanh nghiệp còn được cấp mã số thuế của đơn vị phụ thuộc và thực hiện kê khai thuế theo quy định. Như vậy có thể thấy rằng các chi nhánh doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh độc lập và thực hiện các giao dịch thu chi tài chính phục vụ hoạt động kinh doanh thông qua tài khoản của mình.
Tuy nhiên, đối với các chi nhánh doanh nghiệp tại nước ngoài có hoạt động thu chi bằng ngoại tệ thì ngoài các quy định nêu trên còn phải tuân theo các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và các quy định khác có liên quan. Để ngăn chặn các hành vi rửa tiền, chuyển giá và hạn chế tình trạng chảy máu ngoại tệ, Pháp lệnh ngoại hối năm 2013 quy định các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ hoặc từ các nguồn thu vãng lai khác ở nước ngoài phải chuyển vào tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam. Có nghĩa là toàn bộ nguồn thu từ nước ngoài của doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển thẳng về Việt Nam mà không được phép thu qua tài khoản ngoại tệ của doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp ở nước ngoài, trừ một số ít trường hợp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cho giữ lại một phần hoặc toàn bộ nguồn thu ngoại tệ ở nước ngoài.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì ở Việt Nam hiện mới có duy nhất một trường hợp doanh nghiệp được giữ lại một phần nguồn thu ngoại tệ ở nước ngoài để phục vụ hoạt động của văn phòng chi nhánh ở nước ngoài nhưng phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước (như chứng minh ngày, giờ chuyển tiền, chứng từ thanh toán theo đúng thời hạn thanh toán của hợp đồng…).
Qua phân tích các quy định trên đây, chúng tôi nghiêng về quan điểm cho rằng chi nhánh doanh nghiệp ở nước ngoài không được thực hiện các hoạt động kinh doanh và không được phép dùng tài khoản ngoại tệ của mình để thu các khoản tiền phát sinh từ giao dịch kinh doanh của doanh nghiệp nhằm phục vụ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp ở nước ngoài. Điều đó có nghĩa rằng chi nhánh của doanh nghiệp ở nước ngoài chỉ được dùng tài khoản ngoại tệ để tiếp nhận các khoản tiền từ trong nước chuyển ra nhằm phục vụ cho mục đích xúc tiến thương mại, đầu tư, mở rộng thị trường như: trả tiền thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của văn phòng chi nhánh, trả tiền lương cho người lao động, thuê đơn vị quảng cáo/ tham gia hội chợ, triển lãm nhằm quảng bá hình ảnh theo ủy quyền của doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp muốn thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài, trực tiếp ký kết hợp đồng kinh tế và thu tiền từ đối tác thì doanh nghiệp phải lập dự án đầu tư ra nước ngoài và xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư. Khi đó, doanh nghiệp có thể sử dụng lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài để tái đầu tư, mở rộng quy mô kinh doanh hoặc chuyển lợi nhuận về Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan./.
Luật sư Bùi Thị Minh Thúy – Công ty Luật TNHH Vietthink