Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ Luật dân sự 2015 về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
Trước đây, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự được quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006/NĐ-CP quy định về giao dịch bảo đảm để hướng dẫn thi hành các quy định về nghĩa vụ bảo đảm trong Bộ Luật dân sự 2005 (“Nghị định cũ”). Tuy nhiên, khi Bộ Luật dân sự 2015 (“BLDS 2015”) có hiệu lực từ 01/01/2017, thay thế cho Bộ Luật dân sự 2005, đã có một số quy định về tài sản và các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự mới được thay đổi, bổ sung, nhưng Chính phủ chưa ban hành Nghị định để hướng dẫn chi tiết những quy định này, dẫn đến tình trạng việc thực thi quy định mới trong BLDS 2015 còn bấp cập, chưa thống nhất. Do đó, ngày 19/3/2021, Chính Phủ đã ban hành Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ Luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bao gồm tài sản bảo đảm, xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và xử lý tài sản bảo đảm (“Nghị định 21”) để sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với BLDS 2015 và cụ thể hóa các quy định còn vướng mắc trong BLDS 2015 về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.


Nguồn: Internet

Những điểm mới của Nghị định 21 so với các quy định trước đây:
So với các quy định cũ, Nghị định 21 có một số điểm mới đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, Nghị định 21 đã có những giải thích đối với một số khái niệm mà trong Nghị định trước chưa được làm rõ như “Tài sản gắn liền với đất”, “Hợp đồng bảo đảm”, “Giấy chứng nhận”, hay “Thời hạn hợp lý”, v.v vốn là những khái niệm do không được giải thích cụ thể trong Nghị định cũ nên đã có sự lung túng hoặc không rõ ràng trong thực tế áp dụng.

Thứ hai, nếu như trước đó những tài sản được dùng để thực hiện nghĩa vụ chưa được đề cập cụ thể trong Nghị định cũ và các Thông tư, Thông tư liên tịch, thì nay đã được quy định rõ trong Nghị định 21, chẳng hạn như: Tài sản được tạo lập từ quyền bề mặt, quyền hưởng dụng; dự án đầu tư, tài sản thuộc dự án đầu tư, chủ đầu tư có thể dùng toàn bộ dự án đầu tư mà pháp luật không cấm chuyển nhượng, quyền tài sản của mình về khai thác, quản lý dự án đầu tư để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; hay đối với trường hợp đầu tư vào tài sản thế chấp làm cho giá trị của tài sản thế chấp tăng lên thì phần giá trị đầu tư tăng thêm thuộc tài sản thế chấp;… Đây là những điểm hoàn toàn mới so với Nghị định cũ, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng hơn cho các chủ thể, đặc biệt là các doanh nghiệp và ngân hàng có thể sử dụng các tài sản này làm tài sản bảo đảm cho việc huy động vốn và cấp tín dụng.

Thứ ba, liên quan đến quy định về việc xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm bằng tài sản chung của vợ chồng, đây là một điểm mới được đưa vào Nghị định 21, theo đó, trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên dùng tài sản chung để góp vốn vào một tổ chức kinh tế thì bên đó được tự mình xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm liên quan đến tài sản chung, hoặc mặc dù trên thực tế hai vợ chồng không có sự thỏa thuận về việc dùng tài sản chung vào việc góp vốn nhưng có sự việc một bên vợ hoặc chồng dùng tài sản chung để góp vốn và xác lập, thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm liên quan đến tài sản chung mà người còn lại biết được nhưng không phản đối thì vẫn được coi như là đã có thỏa thuận của hai vợ chồng. Trong trường hợp này, nếu xảy ra sự kiện ly hôn giữa hai vợ chồng thì người đã xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm vẫn được tiếp tục thực hiện hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm, trừ trường hợp có phán quyết khác của cơ quan tài phán.

Thứ tư, về quyền truy đòi tài sản bảo đảm, Nghị định 21 đã bổ sung quy định này so với Nghị định cũ. Theo đó, Quyền của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm trong biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba không thay đổi hoặc không chấm dứt trong trường hợp tài sản bảo đảm bị chuyển giao cho người khác do mua bán, tặng cho, trao đổi, chuyển nhượng, chuyển giao khác về quyền sở hữu; chiếm hữu, sử dụng hoặc được lợi về tài sản bảo đảm không có căn cứ pháp luật. Tuy nhiên, Quyền truy đòi của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm không áp dụng đối với tài sản sau đây: (1) Tài sản bảo đảm đã được bán, được chuyển nhượng hoặc đã được chuyển giao khác về quyền sở hữu do có sự đồng ý của bên nhận bảo đảm và không được tiếp tục dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận; (2) Tài sản thế chấp được bán, được thay thế hoặc được trao đổi; (3) Tài sản bảo đảm không còn hoặc bị thay thế bằng tài sản khác và các trường hợp khác theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan. Ngoài ra, trường hợp bên bảo đảm là cá nhân chết, pháp nhân chấm dứt tồn tại thì quyền truy đòi tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm không chấm dứt nhưng thực hiện theo quy định tại Điều 658 của Bộ luật Dân sự và quy định khác về thừa kế của Bộ luật Dân sự trong trường hợp bên bảo đảm là cá nhân chết hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể pháp nhân, phá sản trong trường hợp bên bảo đảm là pháp nhân bị giải thể, bị tuyên bố phá sản.
• Thứ năm, về chế định Xử lý tài sản bảo đảm, khác với Nghị định cũ, Nghị định 21 đã sử dụng cụm từ “Xử lý tài sản bảo đảm” thay vì “Xử lý tài sản bảo đảm trong cầm cố, thế chấp” để thấy rằng những quy định trong chế định này được áp dụng cho tất cả các biện pháp bảo đảm mà không chỉ quy định cho riêng biện pháp bảo đảm bằng cầm cố và thế chấp như Nghị định trước.

Những quy định trong Nghị định 21 giúp cụ thể hóa, làm rõ vướng mắc trong Bộ Luật Dân sự 2015
BLDS 2015 có một số quy định mới, đã được quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tại Nghị định 21 như sau:

Thứ nhất, Nghị định 21 quy định cụ thể về nguyên tắc áp dụng pháp luật và thỏa thuận về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Do bản chất Nghị định 21 hướng dẫn Bộ luật Dân sự 2015 là quy định khung áp dụng cho các quan hệ pháp luật dân sự nên đối với các quan hệ pháp luật đặc thù như: đất đai, nhà ở, đầu tư, doanh nghiệp, chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, sở hữu trí tuệ, tài nguyên thiên nhiên, thủy sản, lâm nghiệp, hàng hải, hàng không, phá sản, v.v. nếu có quy định về tài sản bảo đảm thì sẽ áp dụng theo các quy định pháp luật đặc thù của từng ngành luật đó. Trường hợp các bên trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thỏa thuận khác với quy định tại Nghị định 21 mà phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, không vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, không vi phạm giới hạn việc thực hiện quyền dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên. Trường hợp chủ sở hữu tài sản và bên nhận bảo đảm thỏa thuận dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác thì áp dụng quy định về cầm cố tài sản, thế chấp tài sản. Đối với trường hợp không xác định rõ hoặc không chính xác tên biện pháp bảo đảm mà nội dung thỏa thuận phù hợp với biện pháp bản đảm quy định tại BLDS thì áp dụng quy định về biện pháp bảo đảm tương ứng với nội dung thỏa thuận đó. 

Thứ hai, Nghị định 21 cho phép một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều biện pháp bảo đảm. Trường hợp nghĩa vụ này bị vi phạm mà bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm không có thỏa thuận về việc lựa chọn áp dụng biện pháp bảo đảm thì bên nhận bảo đảm lựa chọn biện pháp bảo đảm để áp dụng hoặc áp dụng tất cả các biện pháp bảo đảm. Một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều tài sản. Phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ từng tài sản trong số các tài sản bảo đảm được xác định theo thỏa thuận của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Trường hợp không có thỏa thuận thì bất kỳ tài sản nào trong số đó đều được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

Thứ ba, về xử lý tài sản bảo đảm, Nghị định 21 khẳng định việc xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm mà không cần giấy ủy quyền hoặc văn bản đồng ý của bên bảo đảm, điều này giúp cho các tổ chức tín dụng đẩy nhanh được tiến độ xử lý tài sản bảo đảm và thu hồi được nợ xấu tốt hơn.

Thứ tư, Nghị định 21 cũng quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình. Theo đó, tài sản thuộc giao dịch dân sự vô hiệu được dùng để thế chấp mà đã được chuyển giao cho bên nhận thế chấp ngay tình thì hợp đồng thế chấp không bị vô hiệu. Chuyển giao tài sản thế chấp được xác định là việc chuyển giao giấy chứng nhận về tài sản thế chấp theo thỏa thuận hoặc đã thực hiện biện pháp thực tế khác để bên thế chấp không vi phạm nghĩa vụ mà không cần phải có sự chuyển giao tài sản.

Thứ năm, Nghị định 21 quy định cụ thể về hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm với người thứ ba. Theo đó, biện pháp bảo đảm chỉ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba trong trường hợp hợp đồng bảo đảm đã có hiệu lực pháp luật. Trường hợp biện pháp bảo đảm phải đăng ký theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan hoặc được đăng ký theo thỏa thuận hoặc được đăng ký theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm thì thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan là thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba; trường hợp biện pháp bảo đảm không được đăng ký thì hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp cầm cố tài sản, đặt cọc, ký cược phát sinh từ thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ tài sản bảo đảm; Hiệu lực đối kháng của biện pháp ký quỹ với người thứ ba phát sinh từ thời điểm tài sản ký quỹ được gửi vào tài khoản phong tỏa tại tổ chức tín dụng nơi ký qũy. 

Nhìn chung, Nghị định 21 đã giúp hoàn thiện những thiếu sót chưa được quy định trong Nghị định cũ, cũng như cụ thể hóa các quy định còn vướng mắc trong Bộ Luật Dân sự 2015, tạo khung pháp lý thuận lợi hơn cho các bên tham gia giao dịch bảo đảm thực hiện đúng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, đặc biệt là tháo gỡ được nhiều bấp cập, vướng mắc trong hoạt động của các tổ chức tín dụng trong quá trình thực thi về giao dịch bảo đảm.

Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ Luật dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có hiệu lực từ ngày 15/5/2021, thay thế cho Nghị định 163/2006/NĐ-CP và Nghị định 11/2012/NĐ-CP. Hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm được xác lập, thực hiện trước ngày Nghị định 21 có hiệu lực thì áp dụng theo các Nghị định cũ. Hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện có nội dung khác với quy định của Nghị định 21 thì các bên có thể thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm để áp dụng quy định của Nghị định 21. 
Trợ lý Luật sư Cao Thị Hải
Công ty Luật TNHH Vietthink./.