Để tăng cường hơn nữa các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ, bên cạnh việc đề ra các chủ trương kế hoạch, chiến lược hành động cụ thể, đồng thời với tuyên truyền giao dục pháp luật về sở hữu trí tuệ và thiết chặt việc thực thi bằng các biện xử lý về dân sự, hình sự,… ngày 26/06/2015 Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 11/2015, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, có hiệu lực từ ngày 11/08/2015.
Theo đó, nếu có cơ sở xác định được các hành vi vi phạm quy định về quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp trong các lĩnh vực như: Hành vi vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Vi phạm quy định về đại diện sở hữu công nghiệp; Vi phạm quy định về giám định sở hữu công nghiệp; Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; Xâm phạm quyền đối với sáng chế; Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu; Xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, tem, nhãn, vật phẩm hoặc hành vi nhập khẩu song song hay hành vi cạnh tranh không lành mạnh như: Cố tình sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn; đăng ký chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền hoặc sử dụng bất kỳ phương tiện kinh doanh nào được gắn, chứa đựng đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ hoặc chỉ dẫn thương mại và được sử dụng nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh (ví dụ: trang thông tin điện tử, tài liệu giới thiệu, danh thiếp, phương tiện vận tải và các vật dụng, trang trí trong cơ sở kinh doanh).
Mọi hành vi vi phạm pháp luật sở hữu công nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. (Ảnh minh họa). Khi đã có kết luận chính xác về việc vi phạm, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định. Trước khi xử lý, hàng hóa, dịch vụ vi phạm sẽ được xác định giá trị. Việc xác định tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm tại thời điểm vi phạm hành chính được tính theo công thức sau:
Tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm bằng (=) số lượng hàng hóa, khối lượng dịch vụ vi phạm nhân (x) đơn giá hàng hóa, dịch vụ vi phạm tại thời điểm vi phạm hành chính.
Đồng thời với việc xác định giá trị hàng hóa, cơ quan có thẩm quyền còn tiến hành xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm để làm cơ sở xử lý.
Mức phạt tiền đối với cá nhân có hành vi vi phạm quy định về sở hữu công nghiệp tối đa là 250.000.000 đồng.
Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân và mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 500.000.000 đồng.
Ngoài ra, chủ thể có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Hình thức xử lý này cũng được áp trong trường hợp hàng hóa không xác định được người vi phạm hoặc trường hợp thấy cần thiết để đảm bảo tang vật, phương tiện vi phạm không bị tiêu hủy, tẩu tán, thay đổi hiện trạng hoặc ngăn ngừa khả năng dẫn đến hành vi vi phạm tiếp theo.Hàng hóa không xác định được người vi phạm.
Bên cạnh đó, chủ thể vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như :
- Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm được áp dụng đối với tang vật, phương tiện vi phạm là sản phẩm, hàng hóa, biển hiệu, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch gắn dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hoặc gắn chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn;
- Buộc thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền được áp dụng trong trường hợp bên yêu cầu xử lý vi phạm và bên bị yêu cầu xử lý vi phạm không đạt được thoả thuận và bên bị yêu cầu xử lý vi phạm không chấm dứt hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền vi phạm hoặc;
- Buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp được áp dụng khi bên bị yêu cầu xử lý vi phạm không chấm dứt hành vi sử dụng tên doanh nghiệp xâm phạm hoặc không tiến hành thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp xâm phạm theo thông báo của cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc theo thỏa thuận của của các bên.
Nếu hàng hóa không còn giá trị sử dụng; Hàng hóa gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; Hàng hóa mà yếu tố xâm phạm không thể loại bỏ ra khỏi hàng hóa hoặc việc loại bỏ không đảm bảo ngăn chặn triệt để hành vi vi phạm hoặc không thể áp dụng được các biện pháp xử lý khác hay trường hợp Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; tem nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo; tem, nhãn, vật phẩm mang yếu tố vi phạm thì hàng hóa đó bị buộc phải tiêu hủy theo quy định.
Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm có các hành vi nhằm loại bỏ những yếu tố vi phạm ra khỏi hàng hóa, tích cực khắc phục hậu quả vi phạm, cơ quan xử lý vi phạm có thể:
- Cho phép tổ chức, cá nhân vi phạm tận dụng hàng hóa, nguyên vật liệu để làm nguyên vật liệu sản xuất hàng hoá khác hoặc cho phép phân phối, sử dụng không nhằm thu lợi nhuận và không ảnh hưởng đến khả năng khai thác của chủ thể quyền, trong đó ưu tiên mục đích nhân đạo, từ thiện hoặc phục vụ lợi ích xã hội; hoặc
- Bán đấu giá để sung công quỹ hoặc các biện pháp khác theo đề nghị và thoả thuận của các bên liên quan phù hợp với quy định của pháp luật.
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính được áp dụng khi có hóa đơn, chứng từ, tài liệu hợp lệ chứng minh tổ chức, cá nhân đó đã thực hiện hành vi vi phạm (có số lượng, giá trị hàng hóa vi phạm kèm theo) và hàng hóa vi phạm đã được phát hiện đến thời điểm thanh tra, kiểm tra.
Số tiền thu lợi bất hợp pháp được nộp vào Kho bạc Nhà nước tương tự như thủ tục nộp tiền phạt theo quyết định xử phạt hành chính. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử phạt có tài khoản tạm thu mở tại Kho bạc Nhà nước thì tiền thu lợi nói trên được nộp vào tài khoản tạm thu của cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Định kỳ, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm có trách nhiệm nộp lại cho Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Cũng theo quy định tại thông tư này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải chịu mọi chi phí cho việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
LS. Nguyễn Thị Phương - Công ty Luật Vietthink