Thành viên độc lập Hội đồng quản trị: Đã đảm bảo “độc lập”?
Với vai trò là cơ quan quản lý cao nhất của công ty, các quyết định Hội đồng quản trị ("HĐQT") cần được xem xét, đánh giá và thông qua một cách cẩn trọng, công khai và đảm bảo lợi ích lâu dài của công ty. Để đạt được mục tiêu đó, hoạt động của HĐQT phải đảm bảo tính khách quan, độc lập và minh bạch, không chỉ căn cứ trên lợi ích của một hoặc một nhóm cổ đông. Việc quy định và thực thi chức năng của thành viên độc lập HĐQT thời gian qua xuất phát từ nhu cầu nói trên, từng bước tiệm cận với thông lệ quản trị tốt trên thế giới. Mặc dù còn nhiều rào cản, việc thực thi vai trò của thành viên độc lập HĐQT ngày càng được đánh giá cao và đi vào thực chất.

Khái niệm Thành viên độc lập Hội đồng quản trị?

Ý tưởng về thành viên độc lập HĐQT đã được đặt ra từ khi ban hành Luật Doanh nghiệp (LDN) 2005, nhưng phải đến khi Quyết định 12/2007/QĐ-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 13/3/2007 thì khái niệm về “Thành viên độc lập HĐQT” mới chính thức được đưa vào các văn bản pháp lý trong lĩnh vực doanh nghiệp, chứng khoán. Hiện tại các quy định về thành viên độc lập HĐQT đã đưa vào LDN 2020, Luật Chứng khoán (LCK) 2019, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

LDN 2020, LCK 2019 đều không đưa ra định nghĩa mà chỉ quy định điều kiện và tiêu chuẩn cần đáp ứng đối với thành viên độc lập HĐQT. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 155 LDN 2020, thành viên độc lập HĐQT phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau: 
  • Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó;
  • Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định;
  • Không phải là người có vợ hoặc chồng, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty;
  • Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty;
  • Không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó, trừ trường hợp được bổ nhiệm liên tục 02 nhiệm kỳ.
Các dấu hiệu nhận diện quan trọng nhất của thành viên độc lập HĐQT chính là sự “độc lập” trong quan hệ với (i) ĐHĐCĐ, HĐQT, Ban Kiểm soát, người quản lý công ty; và (ii) Không có mối quan hệ nhân thân với các vị trí quản lý, cổ đông lớn và có quyền kiểm soát. Từ sự “độc lập” về tiêu chuẩn, sẽ đảm bảo sự khách quan, minh bạch trong quá trình thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của thành viên độc lập HĐQT.

Vai trò của thành viên độc lập Hội đồng quản trị

Theo Điều 134 LDN 2014, Điều 137 LDN 2020, Công ty cổ phần được quyền lựa chọn một trong hai mô hình tổ chức như sau:
(i) Mô hình quản trị hai cấp (two tier board) bao gồm: ĐHĐCĐ, HĐQT, Ban Kiểm soát (BKS) và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. 
(ii) Mô hình quản trị một cấp (one tier board) bao gồm: ĐHĐCĐ, HĐQT và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trong thành phần của HĐQT, phải có thêm thành viên độc lập. 

Ngoài mô hình quản trị hai cấp có sự kiểm soát của BKS, thực tiễn quản trị tại công ty cổ phần cho thấy, các cổ đông lớn không chỉ chi phối các quyết định của ĐHĐCĐ mà còn tác động toàn diện trong quá trình chỉ đạo, giám sát điều hành của HĐQT. Đòi hỏi tính minh bạch, khách quan trong hoạt động của HĐQT, bản thân HĐQT phải có thành viên độc lập HĐQT giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty, cụ thể:

Thứ nhất, thành viên độc lập HĐQT là những người không có quan hệ lợi ích với công ty (ngoài thù lao). Các ý kiến của họ sẽ đảm bảo tính khách quan, công bằng, minh bạch nhằm vào lợi ích tổng thể của công ty chứ không nhằm vào lợi ích riêng của một hoặc một số cổ đông lớn. Nhờ tiếng nói khách quan này, HĐQT tránh được những quyết định mang tính chất tư lợi, có thể gây xung đột lợi ích trong cổ đông, hoặc ngay trong HĐQT.

Thứ hai, với góc nhìn của người ngoài công ty, thành viên độc lập HĐQT có thể có nhiều thông tin hơn về thị trường, môi trường kinh doanh để đưa ra những phân tích, nhận định sáng suốt hơn, giúp cho HĐQT có thêm góc nhìn để đưa ra các quyết định đúng đắn mà không bị lệ thuộc vào tiền lệ công ty;

Thứ ba, thành viên độc lập HĐQT sẽ đóng góp ý kiến phản biện trong các quyết sách của HĐQT từ chính kiến thức, kinh nghiệm tổng hợp của mình, để đảm bảo tính đa chiều, đa diện của HĐQT, thúc đẩy sự công bằng, minh bạch trong hoạt động quản trị của công ty.

Số lượng, nhiệm kỳ và quyền hạn của Thành viên độc lập Hội đồng quản trị

Về số lượng: Theo điểm b khoản 1 Điều 137 LDN 2020, công ty phải có ít nhất 20% số thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập. Riêng với công ty đại chúng, theo khoản 4 Điều 276 Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn LCK 2019 thì số lượng thành viên độc lập HĐQT phải đảm bảo quy định sau: (i) Có tối thiểu 01 thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên HĐQT từ 03 đến 05 thành viên; (ii) Có tối thiểu 02 thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên HĐQT từ 06 đến 08 thành viên; (iii) Có tối thiểu 03 thành viên độc lập trong trường hợp công ty có số thành viên HĐQT từ 09 đến 11 thành viên.

Về nhiệm kỳ: Theo khoản 2 Điều 154 LDN 2020, một cá nhân chỉ được bầu làm thành viên độc lập HĐQT của một công ty không quá 2 nhiệm kỳ liên tục. Đây là điểm mới so với LDN 2014, việc giới hạn nhiệm kỳ để bảo đảm tính độc lập, khách quan của thành viên độc lập HĐQT. Hạn chế tình trạng sau một thời gian tham gia sâu vào quản trị, bản thân họ cũng phát sinh các trách nhiệm liên quan, hoặc phát sinh các lợi ích liên quan với các thành viên HĐQT, cổ đông khác.

Quyền hạn của thành viên độc lập HĐQT: Hiện LDN 2020 không có sự tách bạch khi quy định quyền hạn và nghĩa vụ của các thành viên độc lập HĐQT so với thành viên HĐQT khác. Điều này có thể lý giải do HĐQT làm việc theo nguyên tắc tập thể nên các thành viên đều có quyền hạn và nghĩa vụ như nhau. Tuy nhiên, xuất phát từ chức năng của thành viên độc lập HĐQT, cách tiếp cận này chưa phù hợp với thực tiễn. Do đó, tùy thuộc vào tình hình quản trị của từng công ty mà cần có những quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các thành viên này tại Điều lệ, Quy chế quản lý nội bộ.


Nguồn ảnh: Internet

Thành viên độc lập Hội đồng quản trị đã thực sự “độc lập”?

Mặc dù việc quy định về thành viên độc lập HĐQT là cần thiết, mang lại những lợi ích bền vững cho chính doanh nghiệp và các cổ đông. Thậm chí, đối với công ty đại chúng, đây không đơn thuần là quy định khuyến khích mà doanh nghiệp sẽ phải chịu chế tài1  nếu không đảm bảo tối thiểu số lượng thành viên độc lập HĐQT. 

Thực tế thi hành trong thời gian qua, việc tuân thủ quy định về thành viên độc lập HĐQT còn nhiều rào cản. Hoặc là doanh nghiệp không tìm được các nhân sự có đủ điều kiện; hoặc có đủ điều kiện nhưng chưa am hiểu sâu sắc về doanh nghiệp; hoặc thành viên độc lập HĐQT hoạt động còn mang tính hình thức, chưa thực sự “độc lập” để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, cổ đông. Điều này có thể lý giải bởi các nguyên nhân: 

Thứ nhất, hiện theo LDN 2020, cơ chế bầu thành viên độc lập HĐQT cũng tương tự như các thành viên HĐQT khác, đó là được giới thiệu, đề cử bởi các cổ đông trong công ty. Điều này tiềm ẩn rủi ro là trên thực tế, bản thân cổ đông sẽ có sự “gài cắm” các lợi ích, chi phối việc giới thiệu, bầu thành viên độc lập HĐQT và qua đó kiểm soát, chi phối quyết định của thành viên độc lập HĐQT sau khi đã được bầu. Do có ràng buộc về lợi ích, những thành viên độc lập HĐQT này khó có thể thực hiện công việc giám sát hoạt động của HĐQT một cách độc lập khách quan.

Thứ hai, trong quá trình tham gia vào các hoạt động của HĐQT dễ hình thành nên các mối quan hệ thân thiết nhất định với thành viên khác trong HĐQT hoặc với cổ đông. Mối quan hệ này có thể là yếu tố gây cản trở việc thành viên độc lập HĐQT đưa ra các ý kiến khách quan nếu có vi phạm của thành viên HĐQT khác. 

Thứ ba, hiện chưa hình thành “thị trường lao động” riêng cho các thành viên độc lập HĐQT, số lượng thành viên độc lập HĐQT còn ít và chưa có cơ sở đào tạo chuyên nghiệp cho các đối tượng này. Do đó, vẫn còn tình trạng thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng.

Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả của thành viên độc lập Hội đồng quản trị

Với kinh nghiệm tư vấn quản trị cho các công ty cổ phần, nhất là các công ty đại chúng niêm yết thời gian qua, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi của thành viên độc lập HĐQT:

Thứ nhất, cần có những quy định riêng cho việc bầu cử thành viên độc lập HĐQT. Việc “độc lập” trong công tác đề cử, bầu thành viên độc lập HĐQT sẽ là nhân tố quan trọng để đảm bảo tính “độc lập” trong chức năng của thành viên độc lập HĐQT về sau. Việc đề cử, bầu thành viên độc lập HĐQT phải đảm bảo có sự tham gia ý kiến của các cổ đông thiểu số trong công ty.

Thứ hai, cần xây dựng khung tiêu chuẩn của thành viên độc lập HĐQT. Với vai trò đại diện trách nhiệm và bảo vệ quyền lợi cho cổ đông thiểu số thì thành viên này cần có chuyên môn cao trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp. Thời gian vừa qua, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán đã đề xuất Uỷ ban chứng khoán nhà nước nghiên cứu thêm việc quản lý hành nghề đối với đối tượng này như một giải pháp hoàn thiện. 

Thứ ba, pháp luật chỉ quy định các nguyên tắc chung, các điều kiện hay tiêu chuẩn cơ bản của thành viên độc lập HĐQT. Bản thân mỗi doanh nghiệp phải chủ động chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên độc lập HĐQT trong Điều lệ hoặc Quy chế nội bộ của mình phù hợp với đặc thù công ty.

*******
Chú thích:
(1) Khoản 5 Điều 15 Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán: Trường hợp công ty đại chúng thực hiện hành vi vi phạm về không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập theo quy định thì sẽ phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng.

Ths.Ls. Lê Văn Tiến – Trợ lý luật sư Nguyễn Thị Hiên
Công ty Luật TNHH Vietthink