Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được 12 nước tham gia ký kết Lời văn xác thực tại Auckland, Niu Di-lân ngày 04 tháng 02 năm 2016. TPP tạo ra một sân chơi vô cùng “mở” cho các quốc gia thành viên. Không cần phải nhắc lại về những tác động của TPP đối với đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam nói riêng và của các quốc gia thành viên nói chung, TPP hứa hẹn sẽ mang lại sự khởi sắc cho toàn bộ nền kinh tế Việt Nam sau một thời gian khủng hoảng. Trong đó, ngành dịch vụ tài chính được kỳ vọng sẽ phát triển vượt trội trong những năm tới.
Mở cửa thị trường và minh bạch hóa công tác quản lý đối với ngành dịch vụ tài chính
Việc tăng cường tiếp cận thị trường tài chính, đặc biệt là mở cửa các loại hình dịch vụ tài chính - ngân hàng được chú trọng và là một điểm nhấn trong chương về dịch vụ tài chính của TPP. Các nước tham gia TPP có nghĩa vụ cam kết không phân biệt đối xử giữa nhà cung cấp dịch vụ tài chính trong nước và nước ngoài, cho phép các tổ chức tài chính nước ngoài cung cấp dịch vụ tài chính qua biên giới trên một số lĩnh vực, sản phẩm tài chính, bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài chính, và phải minh bạch hóa mọi công tác quản lý ngành dịch vụ tài chính….
Tại Việt Nam, dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới sẽ được mở cửa. Việt Nam dành đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài đối với một số dịch vụ như xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới; dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ qua biên giới liên quan tới giao dịch tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ mở cửa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới.
Rõ ràng, ngành dịch vụ tài chính sẽ có cơ hội thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đáp ứng nhu cầu đặc thù của ngành này về vốn, công nghệ và năng lực quản lý điều hành cao. Việc tham gia sâu rộng của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng hợp tác, nâng cao năng lực quản trị và tài chính cho các dịch vụ tài chính nội địa.
TPP được kì vọng sẽ mang lại sự phát triển cho ngành dịch vụ tài chính của Việt Nam. (Ảnh minh họa). Thành lập Ủy ban dịch vụ tài chính trong TPP
Để phối hợp giám sát việc thực thi các cam kết về dịch vụ tài chính trong TPP và xem xét các vấn đề liên quan đến dịch vụ tài chính mà một bên đưa ra, cũng như tham gia giải quyết các tranh chấp, các bên thống nhất thành lập một ủy ban gọi là Ủy ban dịch vụ tài chính, và mỗi bên cử một quan chức trong lĩnh vực dịch vụ tài chính làm thành viên tham gia Ủy ban này.
Tăng cường bảo hộ đầu tư
Không chỉ mở cửa thị trường dịch vụ tài chính, TPP còn tạo ra cơ chế bảo hộ đầu tư thông qua việc bổ sung các nghĩa vụ cam kết liên quan đến bảo hộ đầu tư như cơ chế giải quyết tranh chấp, nguyên tắc đối xử tối thiểu MST, bảo vệ nhà đầu tư trước nguy cơ bị trưng thu… Trong đó, cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định chi tiết theo các cấp độ: Nhà nước và Nhà nước, Nhà đầu tư và Nhà nước, đặc biệt cơ chế Nhà đầu tư với Nhà nước cho phép đảm bảo đầy đủ quyền lợi của các nhà đầu tư khi tham gia thị trường. Quy trình giải quyết tranh chấp được quy định rõ ràng, cụ thể đảm bảo tính minh bạch, có hiệu quả.
Theo dự báo, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt nam sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Đây là cơ hội để hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn ủy thác trên thế giới với chi phí thấp hơn do vị thế của Việt Nam sẽ cải thiện nhiều sau khi gia nhập TPP. Theo đó, ngành Ngân hàng “có dịp” lặp lại giai đoạn phát triển thần kỳ như năm 2006 khi Việt Nam gia nhập WTO, nhưng cường độ có thể thấp hơn [1].
Sự phát triển của nhiều ngành kinh tế sau khi gia nhập TPP cũng mở ra cơ hội cho các Ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính tại Việt Nam được đồng hành hỗ trợ vốn, dịch vụ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tương lai.
LS. Cao Thị Hòa - Công ty Luật Vietthink
________________________
[1]. Nguyễn Thị Hương Thanh, Viện Chiến lược Ngân hàng – Ngân hàng nhà nước Việt Nam, “Tác động của Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến ngành Ngân hàng Việt Nam”.