Lựa chọn nhãn hiệu để bảo hộ và sử dụng ở các Quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu
Việc sử dụng nhãn hiệu trên thực tế bởi chủ sở hữu đôi khi lại khác với nhãn hiệu đã được bảo hộ tại quốc gia sử dụng vì với mỗi thị trường khác nhau, cách sử dụng đôi khi khác nhau để thích ứng với ngôn ngữ, văn hóa và tập quán của khách hàng tại mỗi quốc gia. Vậy, các chủ sở hữu cần lưu ý những gì để có thể lựa chọn nhãn hiệu phù hợp nhất để bảo hộ khi sử dụng nhãn hiệu tại các quốc gia Châu Âu?


(Ảnh: Nguồn Internet)

Tổng quan về phương thức bảo hộ nhãn hiệu tại Châu Âu (EU)

Để đăng ký nhãn hiệu tại EU, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể có các lựa chọn sau:
  • Lựa chọn 01: Đăng ký nhãn hiệu trực tiếp tại từng cơ quan nhãn hiệu của từng quốc gia thuộc Cộng đồng chung Châu Âu để bảo hộ nhãn hiệu của mình tại các quốc gia này. Với lựa chọn này, chủ sở hữu phải nộp từng đơn khác nhau tại từng quốc gia để bảo hộ nhãn hiệu của mình tại các quốc gia, theo quy định tài liệu và phí tại từng quốc gia. Khi được bảo hộ, nhãn hiệu sẽ được bảo hộ tại tất cả các quốc gia thành viên Châu Âu hiện tại và kể cả các quốc gia thuộc cộng đồng chung Châu Âu sau này mới gia nhập cộng đồng chung; Riêng đối với các quốc gia là Bỉ, Hà Lan và Luxembourgh, nếu cùng một lúc muốn bảo hộ chỉ tại 03 quốc gia này, chủ sở hữu có thêm lựa chọn là chỉ cần đăng ký qua Văn phòng SHTT Benelux (BOIP) là được đăng ký một lúc tại 03 quốc gia này mà không cần phải đăng ký lần lượt tại từng quốc gia;
  • Lựa chọn 02: Đăng ký nhãn hiệu qua Cơ quan SHTT Châu Âu (EUIPO). Với lựa chọn này, chủ sở hữu chỉ cần nộp 01 đơn nhãn hiệu và nếu được bảo hộ sẽ được bảo hộ tại 27 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu (không bao gồm Vương Quốc Anh);
  • Lựa chọn 03: Đăng ký nhãn hiệu qua Cơ quan SHTT Thế giới, dựa vào đơn gốc đã nộp tại 01 quốc gia là thành viên của Hệ thống Madrid chỉ định Liên minh Châu Âu (EM) và Vương Quốc Anh (GB) để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình tại Châu Âu. Với lựa chọn này, chủ sở hữu chỉ cần nộp 01 đơn nhãn hiệu và nếu được bảo hộ sẽ được bảo hộ tại 27 quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu và Vương Quốc Anh.

(Ảnh: Nguồn Internet)

Các giai đoạn thẩm định nhãn hiệu

Việc thẩm định đơn nhãn hiệu tại EU qua Lựa chọn 02 thông thường sẽ được thực hiện theo quy trình tóm lược như sau:




Tại giai đoạn thẩm định:

Việc thẩm định trong giai đoạn này bao gồm thẩm định về phân nhóm, hình thức đơn, đánh giá khả năng phân biệt tự thân của nhãn hiệu, dịch thuật sang ngôn ngữ quy định của các quốc gia EU, tra cứu khả năng tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu khác đã được nộp đơn/bảo hộ trước. 
Việc tra cứu có thể được thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu tại thời điểm nộp đơn. Nếu chủ sở hữu yêu cầu tra cứu, thông báo về việc tìm thấy nhãn hiệu đối chứng, ngoài việc được gửi tới các chủ nhãn hiệu đối chứng tìm thấy, EUIPO sẽ gửi thêm cho chủ sở hữu nhãn hiệu xin đăng ký với mục đích để tham khảo.

Tại giai đoạn công bố: 
Nhãn hiệu nếu đáp ứng về mặt hình thức sẽ được công bố trên công báo SHTT của EUIPO. Cũng tai giai đoạn này, trong giai đoạn thẩm định, nếu EUIPO tìm thấy nhãn hiệu xin đăng ký tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã được bảo hộ trước đó, EUIPO sẽ trực tiếp thông báo cho chủ sở hữu của các nhãn hiệu này để họ có ý kiến phản đối (nếu có). Nếu có phản đối, EUIPO sẽ xem xét phản đối theo quy trình riêng. Nếu không có phản đối, nhãn hiệu sẽ được chuyển sang giai đoạn đăng ký.

Tại giai đoạn đăng ký: 
Nhãn hiệu sau khi thẩm định và công bố sẽ được chính thức ghi nhận được bảo hộ tại EUIPO. EUIPO không phát hành Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bản giấy in mà chỉ phát hành bản điện tử, là bản mà có thể được tải về sau 02 ngày kể từ ngày đơn nhãn hiệu được chính thức ghi nhận bảo hộ tại EUIPO.

Lựa chọn nhãn hiệu khi bảo hộ tại EU thế nào?


(Ảnh: Nguồn Internet)

Các hình thức sử dụng nhãn hiệu
Nhãn hiệu khi được lựa chọn sử dụng, chủ sở hữu thường có nhiều cách lựa chọn cho việc sử dụng nhãn hiệu này, ví dụ như sử dụng nhãn hiệu ở định dạng đen trắng hoặc/và sử dụng nhãn hiệu dưới dạng màu sắc và lựa chọn màu sắc sử dụng là một phần tạo nên khả năng phân biệt tự thân của nhãn hiệu, gây ấn tượng thị giác để phân biệt với các nhãn hiệu cho sản phẩm/dịch vụ cùng loại trên thị trường hoặc/và sử dụng nhãn hiệu tùy thuộc vào từng trường hợp, có thể sử dụng nhãn hiệu theo nhiều màu sắc khác nhau tùy thuộc bố cục/thiết kế tổng thể của sự kiện khi nhãn hiệu xuất hiện trước công chúng… Đó là lý do dẫn đến việc nhãn hiệu trên thực tế sử dụng và nhãn hiệu được bảo hộ đôi khi lại không trùng với nhau. 

Nhãn hiệu được sử dụng thường được chia làm 03 loại như sau:

Nhãn hiệu đen trắng

Nhãn hiệu đen trắng là nhãn hiệu được thể hiện dưới màu đen và trắng cơ bản. 

Nhãn hiệu ở dạng ghi xám (greyscale)

Nhãn hiệu dạng ghi xám là nhãn hiệu được thể hiện dưới màu đen, đen nhạt (hay còn gọi là các tone đậm nhạt của màu đen) và trắng.

Nhãn hiệu màu sắc

Nhãn hiệu màu sắc là nhãn hiệu được thể hiện dưới dạng màu sắc, có thể bao gồm hoặc không bao gồm đen, các tone màu đen & trắng.

Ví dụ thực tế cho việc sử dụng nhãn hiệu:



Quy định về thực tế đánh giá nhãn hiệu đen trắng & nhãn hiệu màu sắc theo EUIPO
Tại Việt Nam hiện nay, quy định bảo hộ nhãn hiệu và một số văn bản hướng dẫn chưa có quy định cụ thể về phạm vi bảo hộ nhãn hiệu đen & trắng và nhãn hiệu màu. Tuy nhiên, trên thực tế bảo hộ và xử lý xâm phạm cũng như một số vấn đề liên quan khác tại Việt Nam, khi một nhãn hiệu được đăng ký dưới dạng đen & trắng, nó có thể được cho phép sử dụng ở các dạng màu sắc khác nhau và việc sử dụng màu sắc này phải giữ nguyên các nội dung chữ hoặc hình hoặc sự kết hợp tổng thể giữa phần chữ và phần hình như đã đăng ký nhãn hiệu dưới dạng đen & trắng. Tức là, việc sử dụng thực tế nhãn hiệu màu sắc như vậy được coi là việc sử dụng nhãn hiệu đen & trắng đã đăng ký. Hay nói cách khác, ở một số trường hợp, việc đăng ký nhãn hiệu đen & trắng sẽ cho phạm vi bảo hộ nhãn hiệu là rộng nhất. 

Tại Châu Âu, trước đây, một thực tế dễ thấy nhất đó là quan điểm khác nhau của các cơ quan SHTT trong các quốc gia Châu Âu về phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đen trắng và nhãn hiệu màu sắc, cụ thể là một vài quốc gia thừa nhận việc bảo hộ nhãn hiệu đen trắng là bảo hộ rộng nhất, bao trùm phạm vi bảo hộ nhãn hiệu đó khi thể hiện dưới các loại màu sắc khác nhau hoặc sự kết hợp màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, một số quốc gia quan điểm rằng nhãn hiệu khi được bảo hộ như thế nào thì phạm vi bảo hộ chỉ giới hạn như vậy, tức là nhãn hiệu khi được bảo hộ dưới dạng đen trắng thì phạm vi bảo hộ chỉ giới hạn trong nhãn hiệu đen trắng hay nhãn hiệu được bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu màu thì phạm vi bảo hộ chỉ giới hạn ở việc sử dụng nhãn hiệu dưới dạng màu sắc đã đăng ký…

Trước thực tế này, các cơ quan SHTT các quốc gia trong Liên minh Châu Âu nhận thấy cần phải có sự hài hòa liên quan đến phạm vi bảo hộ giữa nhãn hiệu đen trắng và nhãn hiệu màu sắc và cần phải có thông lệ chung giữa các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu để thiết lập mạng lưới liên kết giữa các quốc gia Châu Âu, góp phần tạo nên một môi trường SHTT thống nhất giữa các quốc gia, đồng thời rõ ràng, chắc chắn về mặt pháp lý, có chất lượng cao và có khả năng đảm bảo công bằng và lợi ích cao nhất giữa chủ đơn đăng ký nhãn hiệu và cơ quan bảo hộ nhãn hiệu tại mỗi quốc gia.

Cũng chính vì lý do nêu trên, Dự án Chương trình Hội tụ (Convergence Programme) đã được hình thành từ tháng 6/2011 để thực hiện mục tiêu này. Việc thống nhất về phạm vi bảo hộ nhãn hiệu đen trắng và nhãn hiệu màu sắc tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (Ms IPOs) là một nội dung trong các dự án này và sẽ được áp dụng chung cho các Ms IPOs, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Mục tiêu của nội dung này trong dự án có thể tóm tắt như sau:



Các bước đánh giá về việc sử dụng nhãn hiệu trên thực tế (có biến thể) có thể coi là sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký hay không?
  • Bước 1: Đánh giá các dấu hiệu như đã được bảo hộ: Là đánh giá các thành phần tạo khả năng phân biệt tự thân (distinctiveness) của nhãn hiệu và các yếu tố chính dùng để phân biệt với các nhãn hiệu khác (distinguishability) đối với các sản phẩm/dịch vụ cùng loại;
  • Bước 2: Đánh giá về sự khác biệt giữa các nhãn hiệu được sử dụng trên thực tế và ảnh hưởng của sự thay đổi so với nhãn hiệu đã được bảo hộ: Đặt nhãn hiệu sử dụng trên thực tế và nhãn hiệu đã được bảo hộ cạnh nhau (side by side examination) để xác định các thành phần tạo nên khả năng phân biệt tự thân và phân biệt giữa các nhãn hiệu như đã xác định ở bước 1 có hiện diện như thế nào và các thành phần cấu thành nhãn hiệu sử dụng thực tế ra sao để đưa ra nhận định.
Tức là, để đánh giá về việc nhãn hiệu sử dụng trên thực tế có được coi là nhãn hiệu đã được đăng ký hay không phụ thuộc vào từng trường hợp, dựa trên các Bước 1 và 2 như đã đề cập ở trên. 

Dưới đây là các ví dụ để giúp đưa ra nhận định dễ dàng hơn:



Các ví dụ nêu trên đã phần nào có thể được sử dụng để trả lời cho một số câu hỏi được đặt ra như sau cho việc đăng ký và sử dụng nhãn hiệu ở Châu Âu:
  • Việc sử dụng nhãn hiệu đen trắng và/hoặc ghi xám đã được bảo hộ có được coi là trùng với việc sử dụng nhãn hiệu trùng nhưng được thể hiện dưới dạng màu sắc không?
  • Việc sử dụng nhãn hiệu màu sắc đã được bảo hộ có được coi là trùng với việc sử dụng nhãn hiệu trùng nhưng được thể hiện dưới dạng đen trắng không?
  • Việc sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ như thế nào thì được coi là hợp pháp và đúng quy định của pháp luật?
  • Có được sử dụng biến thể nhãn hiệu đã được bảo hộ trên thực tế hay không?
Thực tế áp dụng quy định chung về nhãn hiệu đen trắng & màu sắc tại các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu

1. Tính ưu tiên (Priority claims)



2. Khả năng tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu khác (Relative grounds for refusal)



3. Nhãn hiệu gốc sử dụng trên thực tế (Genuine use)



Nói tóm lại, khi lựa chọn nhãn hiệu để sử dụng và đăng ký tại Châu Âu, chủ sở hữu cần phải cân nhắc và tính toán kĩ lưỡng sao cho việc bảo hộ nhãn hiệu có phạm vi rộng nhất và bao trùm các biến thể nhãn hiệu sử dụng trên thực tế. Khi đưa ra một lựa chọn khôn ngoan, dựa trên cân nhắc theo các hiểu biết đã nêu ở bài viết, tác giả tin rằng việc bảo hộ nhãn hiệu sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho chủ sở hữu, không chỉ đảm bảo được phạm vi rộng nhất mà còn tiết kiệm chi phí, tránh các rủi ro không đáng có thi phát triển kinh doanh tại thị trường Châu Âu.

Tài liệu tham khảo:

- Guidelines for trademark examination in EU (công bố trên website https://euipo.europa.eu/ohimportal/en/home);
- Common Communication on the Common Practice of the Scope of Protection of Black and White (“B&W”) Marks (công bố trên website https://euipo.europa.eu/ohimportal/en/home);
- https://www.tmdn.org/#/practices 

Dương Thị Vân Anh - Công ty Luật TNHH Vietthink