Kinh doanh trên đất tôn giáo, thay đổi chủ thể nhận quyền sử dụng đất tôn giáo: Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa giải quyết được vướng mắc thực tiễn
Những ngày gần đây, rất nhiều hội thảo, diễn đàn được tổ chức để lấy ý kiến đóng góp xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó các nội dung sửa đổi liên quan đến đất tôn giáo, tín ngưỡng là một đề tài thu hút sự quan tâm và rất nhiều ý kiến tham gia. Bởi thực trạng áp dụng Luật Đất đai 2013 trong lĩnh vực đất tôn giáo, tín ngưỡng đang tồn đọng rất nhiều vướng mắc, bất cập, đặc biệt là đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giao đất, quản lý tình hình sử dụng đất tôn giáo, tín ngưỡng. Truyền hình An Viên đã có buổi trao đổi, lấy ý kiến đóng góp của ThS., Ls. Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink về những nội dung liên quan.

Nguồn ảnh: Truyền hình An Viên

1. Thưa bà, những nội dung về đất tôn giáo trong Dự thảo Luật đất đai sửa đổi có những nội dung mới gì ạ?

Dự thảo Luật Đất đai đưa ra rất nhiều quy định mới về đất tôn giáo so với Luật Đất đai 2013 hiện nay, trong đó tôi chỉ nêu một số điểm mới quan trọng như:

(1) Thứ nhất, là thay đổi về chủ thể được nhận quyền sử dụng đất (“QSDĐ”) từ Cơ sở tôn giáo sang Tổ chức tôn giáo và Tổ chức tôn giáo trực thuộc (Điều 5 Dự thảo). Từ đó kéo theo nhiều quy định khác thay đổi theo như: 

  • Chủ thể được Nhà nước giao đất, cho thuê đất sẽ không còn là Cơ sở tôn giáo (Điều 59 Luật Đất đai 2013) mà sẽ là Tổ chức tôn giáo (Điều 123 Dự thảo);
  • Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc sử dụng đất sẽ là Người đại diện của Tổ chức tôn giáo (Điều 7 Dự thảo) thay vì Người đứng đầu cơ sở tôn giáo (Điều 7 Luật Đất đai 2013).
(2) Thứ hai, là thay đổi về quy định phân loại đất tôn giáo, tín ngưỡng. Theo đó đất tôn giáo, tín ngưỡng vẫn được xếp vào nhóm đất phi nông nghiệp, nhưng Dự thảo đưa ra định nghĩa rộng hơn về đất tôn giáo là “Đất sử dụng cho mục đích tôn giáo, tín ngưỡng” (Điều 10 Dự thảo), trong khi Luật Đất đai hiện nay chỉ quy định đất tôn giáo là “Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng” (Điều 10 Luật Đất đai 2013). Như vậy, cứ đất được sử dụng cho mục đích tôn giáo được xếp là đất phi nông nghiệp và là đất tôn giáo, chứ không bị giới hạn bởi đất cơ sở tôn giáo.

(3) Thứ ba, là bổ sung quy định về các trường hợp Nhà nước cho tổ chức tôn giáo thuê đất và bỏ quy định về giao đất không thu tiền SDĐ đối với tổ chức tôn giáo, cụ thể: 

  • Luật Đất đai hiện nay chỉ quy định về trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất (Điều 54 Luật Đất đai 2013) và công nhận quyền sử dụng đất sử dụng ổn định (Điều g và Điểm i Điều 169 Luật Đất đai 2013) đối với cơ sở tôn giáo; 
  • Dự thảo Luật hiện nay thì quy định thêm các trường hợp Nhà nước cho tổ chức tôn giáo thuê đất (Điểm b Khoản 1 Điều 123 Dự thảo); và bỏ quy định về việc giao đất không thu tiền sử dụng đất cho tổ chức tôn giáo (Điều 118 Dự thảo bỏ đất tôn giáo khỏi trường hợp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo Điều 54 của Luật Đất đai 2013). Tức là Người sử dụng đất tôn giáo có thể phải nộp tiền sử dụng đất theo hình thức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.

2. Trong dự thảo có nội dung Dự án xây dựng cơ sở tôn giáo được nằm trong danh sách dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Bà đánh giá gì về nội dung này ạ?


Thật ra tinh thần của Luật Đất đai 2013 đã phần nào công nhận Dự án xây dựng cơ sở tôn giáo là dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại điểm c khoản 3 Điều 62 nên đây không hoàn toàn là một điểm mới của Dự thảo Luật lần này. 

Điểm đáng nói nằm ở chỗ Dự thảo Luật quy định rõ ràng hơn Luật Đất đai 2013 ở việc phân nhóm các dự án phát triển kinh tế - xã hội tại Điều 78 Dự thảo; còn Luật Đất đai hiện này chỉ đang quy định Dự án xây dựng công trình của cơ sở tôn giáo do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận thuộc diện Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 62 Luật Đất đai 2013).

Tôi cho rằng quy định này phản ánh đúng bản chất của đất cho mục đích tôn giáo và đảm bảo được tính minh bạch, rõ ràng trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của các Dự án tôn giáo thuộc trường hợp Dự án do Nhà nước thu hồi. Như vậy tránh được hiện trạng khó giám sát và kiểm soát việc mua bán đất tự phát cho công trình, dự án tôn giáo trên thị trường thời gian qua.

3. Hiện ở nhiều địa phương, trong không gian văn hóa di tích hay các khu du lịch tâm linh, đất tôn giáo đang nằm xen kẽ với các loại hình đất khác như đất núi, đất rừng, cảnh quan. Tuy nhiên Dự thảo vẫn chưa phân định rõ các loại hình này trong các không gian văn hóa, di tích, khu du lịch tâm linh. Đây có phải là thiếu sót và sẽ gây những hệ lụy trong tương lai không thưa bà?

Có một thực tế hiện nay là rất nhiều dự án công trình tôn giáo gắn với khu du lịch, khu di tích văn hoá-lịch sử, danh lam thắng cảnh. Vì vậy, cần thiết phải có quy định về việc phân tách các loại đất trong cùng một quy hoạch dự án có nhiều chức năng: tôn giáo, di tích, du lịch, nghỉ dưỡng, … 

Đối với loại dự án có mục đích tôn giáo với gắn nhiều khu chức năng, cảnh quan khác, tôi thấy Dự thảo Luật hiện nay vẫn chưa giải quyết được vướng mắc, bất cập trong việc giao đất của Dự án trong thực tiễn áp dụng. 

Ví dụ cụ thể: Một công trình tôn giáo nằm trong ranh giới quy hoạch của một Dự án quần thể khu du lịch, thì Nhà nước không thể giao toàn bộ đất của Dự án quần thể khu du lịch cho Nhà đầu tư mà vẫn phải tách phần đất tôn giáo để giao cho tổ chức tôn giáo (hiện nay là giao cho cơ sở tôn giáo theo Điều 59 Luật Đất đai 2013). Trong khi đó, nhiều tổ chức tôn giáo hay cơ sở tôn giáo được giao đất lại không thực sự bỏ vốn đầu tư các công trình tôn giáo này, và cũng không tham gia vào việc vận hành, quản lý các công trình tôn giáo. Trong thực tế Nhà đầu tư của Dự án khu du lịch là đơn vị quản lý, vận hành và có hoạt động thu các loại phí dịch vụ tại công trình tôn giáo thuộc Dự án quần thể khu di tích. 

Thực trạng này dẫn đến nhiều bất cập và phản ánh sai về mục đích sử dụng đất của Nhà đầu tư trong khu vực đất tôn giáo: Nhà đầu tư có hoạt động kinh doanh, thu phí trên phần đất tôn giáo nhưng lại không phải chuyển đổi đất tôn giáo thành đất thương mại, dịch vụ và không phải nộp tiền thuê đất. Còn nếu Nhà đầu tư xin chuyển đổi toàn bộ diện tích đất tôn giáo hoặc xin nhận giao/cho thuê đất tôn giáo có trả tiền thuê đất thì Nhà nước cũng không thể giao/cho thuê đất cho doanh nghiệp bởi chủ thể duy nhất được công nhận, giao đất tôn giáo là tổ chức tôn giáo (mà hiện nay là cơ sở tôn giáo theo Điều 59 Luật Đất đai 2013).

Mặc dù Dự thảo Luật lần này có đưa thêm quy định về việc cho thuê đất tôn giáo, nhưng nếu không có các quy định rõ ràng về các trường hợp thuê đất tôn giáo, điều kiện thuê đất tôn giáo thì tôi e rằng cũng khó có thể áp dụng các quy định này trong thực tiễn.

4. Nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo Luật Đất đai đã khá toàn diện, phù hợp với bối cảnh mới của Việt Nam. Tuy nhiên theo bà, liệu còn những điều khoản nào gây khó khăn cho việc quản lý đất tôn giáo trong tương lai ạ? 

Tôi đánh giá rất cao sự quyết tâm rà soát, sửa đổi để hoàn thiện các quy định liên quan đến đất tôn giáo trong Dự thảo Luật lần này. Tuy nhiên, tôi thấy vẫn còn 2 điểm vướng mắc mấu chốt mà Dự thảo Luật vẫn chưa hoàn toàn giải quyết được:

Một là, vấn đề liên quan đến xác định các loại đất trong Dự án quần thể du lịch, Dự án phức hợp nhiều khu chức năng có công trình tôn giáo như đã trình bày nêu trên. Đây là vướng mắc chung của các tỉnh, thành phố và nhà đầu tư quan tâm đến các loại dự án này. Tôi cho rằng cần có các nhóm quy định phân tách rõ các loại đất trong dự án đa chức năng nêu trên. Ngoài ra, tôi cho rằng cũng không cần cứng nhắc quy định cứ đất tôn giáo cần phải giao cho tổ chức tôn giáo mà nên áp dụng linh hoạt các quy định khác của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, Luật Di sản, Luật Du lịch và các luật chuyên ngành khác.

Ví dụ: Trường hợp tổ chức tôn giáo thành lập pháp nhân phi thương mại thì pháp nhân này cũng có thể là chủ thể được nhận đất xây dựng công trình tôn giáo; hoặc Nhà đầu tư Dự án quần thể khu du lịch có thể được nhận đất của toàn bộ dự án (bao gồm cả phần đất tôn giáo), sau đó doanh nghiệp này có thể thoả thuận về cơ chế quản lý, vận hành và tổ chức hoạt động tôn giáo với Cơ sở tôn giáo phụ trách hoạt động tôn giáo trên công trình tôn giáo đó. 

Hai là, theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì Cơ sở tôn giáo không có tư cách pháp nhân mà chỉ có Tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc đáp ứng đủ điều kiện mới có tư cách pháp nhân và là pháp nhân phi thương mại. Trong khi đó, Điều 59 Luật Đất đai 2013 lại quy định đất tôn giáo chỉ được giao cho cơ sở tôn giáo. Để khắc phục bất cập này, Dự thảo Luật quy định Nhà nước công nhận hoặc giao hoặc cho tổ chức tôn giáo thuê đất cho mục đích tôn giáo. 

Nhưng điều này lại dẫn đến những vướng mắc khác ở chỗ: Thực tế tổ chức tôn giáo không thể đứng tên nhận giao đất/cho thuê đất đối với tất cả các dự án, công trình tôn giáo ở các tỉnh, thành trong cả nước. Chủ đầu tư thực tế các dự án công trình tôn giáo là các cơ sở tôn giáo tại địa phương. 

Nhà nước thì phải giao đất cho Tổ chức tôn giáo (cấp trung ương) hoặc tổ chức tôn giáo trực thuộc (cấp trung ương, cấp tỉnh), nhưng cơ sở tôn giáo cấp địa phương mới thực sự bỏ vốn trực tiếp đầu tư, xây dựng và quản lý vận hành dự án công trình tôn giáo. Thực trạng này không phản ánh đúng vai trò, thẩm quyền của người thực sự bỏ vốn đầu tư dự án công trình tôn giáo; đồng thời làm mất tính tự chủ của cơ sở tôn giáo trong hoạt động đầu tư, xây dựng và quản lý vận hành dự án công trình tôn giáo; cũng sẽ tạo ra nhiều vướng mắc tiềm ẩn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư các dự án công trình tôn giáo.

Muốn tháo gỡ vướng mắc này thì bản thân một mình Luật Đất đai sẽ không thể giải quyết hết được mà phải là sự giải quyết tổng hoà giữa các Luật gồm: Luật Đất đai, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Di sản, Luật Du lịch và các luật chuyên ngành khác. Theo đó, tôi có quan điểm cho rằng giải pháp mấu chốt nằm ở chỗ: Luật Đất đai cần mở rộng và linh hoạt hơn về chủ thể được quyền nhận đất cho mục đích tôn giáo, thay vì quy định bó buộc là chỉ có tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc mới được giao đất, cho thuê đất tôn giáo.

Vietthink News.