Quy định mới về bảo lãnh ngân hàng
Kể từ ngày 01/4/2023, nhiều quy định mới liên quan đến hoạt động bảo lãnh ngân hàng tại Thông tư số 11/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (“Thông Tư 11/2022”) chính thức có hiệu lực thi hành. Việc ban hành Thông tư số 11/2022/TT-NHNN sẽ góp phần hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý về bảo lãnh ngân hàng nhằm phản ánh đầy đủ thực tế hoạt động bảo lãnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng an toàn, hiệu quả. 

Thông Tư 11/2022 sẽ thay thế cho Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/06/2015 và Thông tư số 13/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 07/2015/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng. 

Dưới đây là một số điểm mới đáng chú ý của Thông tư 11/2022:

Nguồn ảnh: Vietthink

1. Bổ sung phương thức bảo lãnh điện tử

Theo đó, tại Điều 9 Thông Tư 11/2022 cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được lựa chọn thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng qua việc sử dụng các phương tiện điện tử. Trước đây, tại Thông tư 07/2015/TT-NHNN không quy định về phương thức phát hành bảo lãnh điện tử, mà chỉ có trường hợp giao dịch thông qua mạng thông tin liên lạc quốc tế giữa các tổ chức tín dụng.

Việc bổ sung phương thức thực hiện hoạt động bảo lãnh tại Thông Tư 11/2022 nhằm đảm bảo tương thích và phù hợp với Luật Giao dịch điện tử 2005, Bộ Luật dân sự 2015, Điều 97 Luật các Tổ chức tín dụng 2010, Khoản 3 Điều 3 Nghị định 35/2007/NĐ-CP ngày 08/03/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, Nghị định 130/2018/NĐ-CP ngày 27/09/2018 quy định chi tiết Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Đồng thời, tạo sự đa dạng, linh động cho các tổ chức tín dụng áp dụng trên thực tế, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ hiện nay.

Theo đó, tại Khoản 2 Điều 9 Thông Tư 11/2022 quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử đối với toàn bộ hoặc từng khâu trong quy trình bảo lãnh, phải tự chịu rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:
    • Có giải pháp, công nghệ kỹ thuật đảm bảo tính chính xác, bảo mật, an toàn trong quá trình thu thập, sử dụng, kiểm tra thông tin, dữ liệu;
    • Có biện pháp kiểm tra, đối chiếu, cập nhật, xác minh thông tin, dữ liệu; có biện pháp ngăn chặn các hành vi giả mạo, can thiệp, chỉnh sửa làm sai lệch thông tin, dữ liệu;
    • Có biện pháp đánh giá, quản lý, kiểm soát rủi ro; phân công trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận, cá nhân có liên quan trong hoạt động bảo lãnh điện tử và trong việc quản lý, giám sát rủi ro;
    • Về giá trị của mỗi cam kết bảo lãnh điện tử: Trường hợp thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng qua phương tiện điện tử thì giá trị của mỗi cam kết bảo lãnh phát hành cho khách hàng cá nhân không quá 4.000.000.000 (bốn tỷ) đồng Việt Nam và đối với khách hàng tổ chức không được vượt quá 45.000.000.000 (bốn mươi lăm tỷ) đồng Việt Nam, trừ một số trường hợp ngoại lệ quy định tại Khoản 4 Điều 9 Thông tư 11/2022.
2. Quy định mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai:
    • Thứ nhất, Thông tư 11/2022 đã quy định chi tiết về điều kiện để ngân hàng thương mại (”NHTM”) được thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai tại khoản 1 Điều 13 như sau: 
(i) Trong giấy phép thành lập và hoạt động của NHTM có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng; 

(ii) Không bị cấm, hạn chế, đình chỉ, tạm đình chỉ thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (“NHNN”) sẽ công bố công khai danh sách NHTM có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong từng thời kỳ trên Cổng thông tin điện tử của NHNN.
    • Thứ hai, bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp chủ đầu tư được NHNN xem xét, quyết định cấp bảo lãnh tại khoản 3 Điều 13 Thông tư: 
(i) Chủ đầu tư đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại Điều 11 Thông Tư 11/2022 (trừ trường hợp NHTM bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng); và 

(ii) Dự án của chủ đầu tư đáp ứng đủ các điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản và quy định của pháp luật có liên quan.
    • Thứ ba, bổ  sung trình tự, thủ tục thực hiện việc bảo lãnh; thời hạn và hiệu lực của Hợp đồng bảo lãnh, thư bảo lãnh; số dư bảo lãnh.  
Quy định này của Thông Tư 11/2022 sẽ tạo ra một khung pháp lý chi tiết cho các chủ thể trong quan hệ bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, đồng thời vẫn đảm bảo được quyền lợi cho các NHTM và khách hàng mua nhà ở hình thành trong tương lai, hạn chế tình trạng bảo lãnh tràn lan cho nhiều dự án, nhiều nhà đầu tư yếu kém, không đáp ứng đủ điều kiện về năng lực tài chính và khả năng thực hiện dự án.   

3. Bổ sung quy định về các trường hợp không được bảo lãnh

So với trước đây, Khoản 2 Điều 11 Thông tư 11/2022 đã bổ sung thêm quy định về các trường hợp doanh nghiệp không được bảo lãnh của ngân hàng, đối với nghĩa vụ thanh toán trái phiếu của doanh nghiệp phát hành với mục đích: (i) Cơ cấu lại chính các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành; (ii) Góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; (iii) Tăng quy mô vốn hoạt động. 

Thông tư 11/2022/TT-NHNN sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/04/2023 và được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trên thực tế và phù hợp với nhu cầu của các tổ chức tín dụng, khách hàng hiện nay. 

Công Xuân Huy - Công ty Luật TNHH Vietthink