Những quy định sửa đổi, bổ sung về việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2019/NĐ-CP
Nghị định 10/2019/NĐ-CP ngày 30/1/2019 của Chính phủ về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước (“Nghị định 10/2019”) được ban hành nhằm triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư, sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp 2014. Về cơ bản, Nghị định 10/2019 đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các cơ chế được ban hành đã tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước. Nghị định này đã góp phần phân định, làm rõ chức năng quyền hạn của đại diện chủ sở hữu nhà nước, đại diện của chủ sở hữu doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đã đầu tư tại Doanh nghiệp Nhà nước (“DNNN”); xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định 10/2019 vẫn còn một số vấn đề phát sinh liên quan đến việc thực hiện chức năng đại diện của chủ sở hữu Nhà nước. Sau quá trình đánh giá kết quả thực thi Nghị định 10/2019/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2019/NĐ-CP. Qua bài viết này, chúng tôi xin cập nhật những điểm sửa đổi, bổ sung nổi bật được ghi nhận tại Dự thảo này như sau:
1. Sửa đổi quy định về trách nhiệm phê duyệt khoản vay nước ngoài theo hình thức tự vay tự trả của doanh nghiệp
Hiện tại, nội dung quy định về trách nhiệm phê duyệt khoản vay nước ngoài theo hình thức tự vay tự trả của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 11 Nghị định 10/2019 như sau:
“Điều 11. Tổ chức thực hiện quyền và trách nhiệm về hoạt động tài chính và đầu tư của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Cơ quan đại diện chủ sở hữu:
3. Xem xét, phê duyệt theo đề nghị của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty đối với những nội dung sau đây:
b) Phương án huy động vốn của tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Đối với khoản vay nước ngoài theo phương thức doanh nghiệp tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ, trừ khoản vay vốn nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm, cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt chủ trương vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp và đề nghị Bộ Tài chính thẩm định, chấp thuận. Đối với các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Với quy định trên đặt ra trách nhiệm cho Bộ Tài chính phải thẩm định, chấp thuận chủ trương đối với tất cả các khoản vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước.
Từ đóng góp của Bộ Tài chính, Dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi quy định trên như sau: “Đối với khoản vay nước ngoài theo phương thức doanh nghiệp tự vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ, trừ khoản vay vốn nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm, cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt chủ trương vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp. Đối với các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
2. Sửa đổi nội dung về trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Khoản 11 Điều 11 Nghị định 10/2019/NĐ-CP quy định:
“Điều 11. Tổ chức thực hiện quyền và trách nhiệm về hoạt động tài chính và đầu tư của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Cơ quan đại diện chủ sở hữu:
11. Phê duyệt chủ trương để Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân hàng.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương để Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.”
Trong thực tế, nhiều Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế,… có nhu cầu thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện để thuận lợi trong quá trình kinh doanh. Tuy nhiên thực hiện theo Nghị định 10/2019, các Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế sẽ phải báo cáo xin chủ trương chấp thuận của Thủ tướng chính phủ. Quy trình này làm kéo dài thời gian thực hiện và không tạo được tính chủ động cho doanh nghiệp.
Thấy được bất cập này, Dự thảo sửa đổi xây dựng theo hướng giao cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt chủ trương để Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh,… theo quy định của pháp luật, kể cả doanh nghiệp do Thủ tướng chính phủ quyết định thành lập. Và trường hợp việc thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp thì Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định theo thẩm quyền. Cụ thể, Dự thảo sửa đổi nội dung khoản 11 Điều 11 Nghị định 10/2019/NĐ-CP như sau:
“4. Sửa đổi khoản 11 Điều 11 như sau:
Cơ quan đại diện chủ sở hữu:
….
11. Phê duyệt chủ trương để Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương tại Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định theo thẩm quyền.
Việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân hàng”.
3. Sửa đổi nội dung về việc thành lập công ty con là công ty TNHH MTV của công ty mẹ do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Tại khoản 6 Điều 14 Nghị định số 10/2019/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Hội đồng thành viên công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư vốn nhà nước để thành lập theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014: “Đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập mới công ty con 100% vốn của doanh nghiệp. Quyết định thành lập công ty con 100% vốn sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương”.
Tuy nhiên, hiện tại Nghị định 23/2022/NĐ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ về việc thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cũng có những nội dung liên quan điều chỉnh về vấn đề này. Cụ thể tại khoản 3 Điều 54 Nghị định số 23/2022/NĐ-CP quy định: “Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty mẹ là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quyết định việc thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương tại Đề án cơ cấu lại công ty mẹ. Trường hợp chưa được quy định tại Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp thì phải trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Đề án. Công ty mẹ được áp dụng các quy định tại Nghị định này để thực hiện việc thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên”
Dự thảo dự kiến sửa đổi theo hướng góp phần đảm bảo sự thống nhất trong quá trình triển khai áp dụng các quy định khác nhau về cùng một vấn đề như sau:
“6. Sửa đổi khoản 6 Điều 14 như sau:
Đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập mới công ty con 100% vốn của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Nghị định số 23/2022/NĐ-CP ngày 05 tháng 04 năm 2022 của Chính phủ về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.”
Ngoài ra, Dự thảo cũng bổ sung một số quy định mới so với Nghị định 10/2019 như các quy định về vận dụng Nghị định đối với các DNNN thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; quy định về ưu tiên thực hiện pháp luật chuyên ngành trong trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định.
Dự thảo hiện vẫn đang trong quá trình thẩm định, khi có hiệu lực thi hành dự kiến sẽ tháo gỡ được các khó khăn vướng mắc còn tồn tại trong Nghị định 10/2019/NĐ-CP cũng như tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho DNNN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp kịp thời đưa ra các quyết định phù hợp với yêu cầu của thực tiễn hoạt động. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô lớn do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
Nhóm tư vấn của Vietthink sẽ tiếp tục theo dõi, đưa tin về dự thảo này.
Nguyễn Thị Hương - Công ty Luật TNHH Vietthink.