Vietthink tham dự Hội thảo Nâng cao nhận thức về bảo hộ Giống cây trồng và giới thiêu E-PVP Asia
Sáng ngày 25/9/2023, tại Hà Nội, Được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp & PTNT, Cục Trồng trọt phối hợp với Hiệp hội Đổi mới sáng tạo nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản (JATAFF) tổ chức Hội thảo “Nâng cao nhận thức về Bảo hộ giống cây trồng và giới thiệu hệ thống e- PVP Asia”. Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục trồng trọt, Ông Peter Button, Phó Tổng thư ký Hiệp Hội Quốc tế về bảo hộ Giống cây trồng (UPOV), các đại diện của cơ quan liên quan của UPOV, Nhật Bản, Myanmar, Malaysia, Lào và các tổ chức đại diện quyền đối với giống cây trồng khu vực phía Bắc. Vietthink tham dự hội thảo theo Giấy mời của Cục trồng trọt với tư cách là tổ chức đại diện quyền đối với giống cây trồng.

Ảnh: Vietthink
Khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục trồng trọt phát biểu và đã đề cập đến tình hình chung của việc bảo hộ giống cây trồng tại Việt Nam trong bối cảnh bảo hộ chung cùng các quốc gia trên Thế giới. Với mục tiêu năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong việc bảo hộ giống cây trồng tại Đông Nam Á, ông Cường tin rằng mong muốn này không còn xa nữa và hoàn toàn có thể thực hiện được.


Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục trồng trọt
Tiếp lời Ông Nguyễn Như Cường, Ông Peter Button, Phó Tổng thư ký Hiệp Hội Quốc tế về bảo hộ Giống cây trồng (UPOV), nhấn mạnh về nội dung của buổi hội thảo là để chia sẻ kinh nghiệm việc bảo hộ giống cây trồng giữa Nhật, Myanmar và Việt Nam. Ông Peter cũng đã chia sẻ thêm về các hoạt động mà UPOV đã hỗ trợ Việt Nam và cũng hỗ trợ nhiều các quốc gia khác. Đồng thời, ông Peter cũng đồng tình rằng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong việc bảo hộ giống cây trồng tại Đông Nam Á vì cho đến thời điểm này Việt Nam đã, đang và làm rất tốt và là một chuyên gia trong lĩnh vực trong khu vực.


Ông Peter Button - Phó Tổng thư ký Hiệp Hội Quốc tế về bảo hộ Giống cây trồng (UPOV)

Bắt đầu Hội thảo, Ông Manabu Suzuki đã trình bày về Lợi ích của hệ thống Bảo hộ giống cây trồng với sự phát triển nông nghiệp. Ông Manubu trình bày về các cách khuyến khích tham gia UPOV và những lợi ích của UPOV cho phát triển nông nghiệp, các tác động tích cực của Việt Nam khi tham gia UPOV và một số quốc gia khác như Kenya, đặc biệt là sản phẩm hoa xuất khẩu đã tác động to lớn tới nền kinh tế quốc gia này. Ông Manabu cũng trình bày chi tiết hơn về hệ thống nộp đơn điện tử UPOV e-PVP, cách thức hoạt động, các lợi ích từ việc áp dụng UPOV e-PVP tại các quốc gia có sử dung hệ thống e-PVP và sự ra mắt của UPOV e-PVP tại Việt Nam vào ngày 23/9/2023. Trong bài trình bày của mình, ông Manabu cũng giới thiệu 04 clips ngắn do ông đã đi xuyên suốt Việt Nam để thực hiện để mô tả về những câu chuyện nông nghiệp tại Việt Nam đang được công bố trên website của UPOV.

Bà Trần Thị Hoà, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt giới thiệu về Luật SHTT 2022 và các văn bản hướng dẫn luật đang có hiệu lực tại Việt Nam liên quan đến giống cây trồng, cụ thể là Nghị định 88/2010/NĐ-CP ban hành ngày 16/8/2010, Nghị định 65/2023/NĐ-CP ban hành ngày 23/8/2023, Nghị định số 31/2023/NĐ-CP ban hành ngày 9/6/2023.


Bà Trần Thị Hòa - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt 

Để làm rõ thêm các vấn đề đã được trình bày ở trên, bà Cẩn Thị Hằng trình bày về tình hình bảo hộ giống cây trồng ở Việt Nam, tình hình hợp tác quốc tế của Cục trồng trọt Việt Nam. Theo đó, Cục trồng trọt đã tạo lập được một số tổ chức khảo nghiệm (DUS) được công nhận tại Văn Lâm, Bà Rịa, Quảng Ngãi và Từ Liêm; ngoà ra có các phương án khảo nghiệm tác giả cũng như hợp tác với các quốc gia mà Việt Nam đã ký kết hợp tác chấp nhận báo cáo khảo nghiệm DUS như Nhật Bản (2007), Pháp (2011), Hà Lan (2011), Liên minh Châu Âu (2011), Singapore (2016), Hàn Quốc (2017), Đài Loan (2020), Lào (). Lượng đơn và văn bằng bảo hộ giống cây trồng đã được nộp/bảo hộ tại Việt Nam từ năm 2004 đến nay là 2151 trong đó các đơn được nộp dưới tên chủ đơn Việt Nam là 1502 và chủ đơn nước ngoài là 605; trong đó lúa là loài được đăng ký nhiều nhất tại Việt Nam.

Tiếp theo, Hệ thống bảo hộ giống cây trồng Nhật Bản và Hệ thống bảo hộ giống cây trồng Myanmar đã lần lượt được trình bày bởi Ông Yoshiro Nishimura – Trưởng phòng SHTT – Tổng Cục Quốc tế và xuất khẩu – Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản và bà Pa Pa Win – Trưởng phòng Bảo hộ giống cây trồng, Cục Nghiên cứu Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp, chăn nuôi và thuỷ lợi Myanmar.

Cuối chương trình, bà Trần Thị Thu Trang – Hiệp hội Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản giới thiệu hệ thống e-PVP Asia đã bắt đầu được áp dụng tại Việt Nam.


Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam vừa áp dụng quy định sửa đổi bổ sung theo luật SHTT sửa đổi bổ sung năm 2022 và Việt Nam chính thức áp dụng hệ thống nộp đơn UPOV e-PVP, hội thảo này thật sự có ý nghĩa đối với cho các chủ sở hữu giống cây trồng, tác giả giống cây trồng, các tổ chức đại diện quyền đối với giống cây trồng và các chủ thể có liên quan./.

Vietthink News