Quy định pháp luật xử lý vi phạm về PCCC và mọi người dân cần làm gì trong công tác PCCC?
Phòng cháy chữa cháy (PCCC) là vấn đề luôn được Chính phủ, các Cơ quan Nhà nước và báo, đài thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo từng cá nhân, cơ quan, tổ chức nghiêm chỉnh và nâng cao trách nhiệm trong công tác PCCC. Thời gian vừa qua, trước những thông tin và diễn biến phức tạp về các vụ cháy, nổ đáng tiếc xảy ra như vụ cháy căn chung cư mini 9 tầng xảy ra đêm ngày 12/9/2023 tại quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội khiến 56 người chết, 37 người bị thương. Liên tiếp sau đó là các vụ cháy tại TP. Hà Nội như Trung tâm Tiêm chủng chất lượng cao tại thị trấn Quốc Oai ngày 15/9, vụ cháy Chung cư tại Khu đô thị Đặng Xá trên địa bàn quận Gia Lâm, hay vụ cháy cửa hàng xe máy tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương khiến cho hơn 100 chiếc xe máy bị thiêu rụi toàn bộ. Trước đó vào năm 2022, còn có 02 vụ cháy quán karaoke lớn xảy ra tại Bình Dương và Hà Nội khiến cho 32 người chết, 03 chiến sĩ hy sinh và nhiều người bị thương. Những vụ việc thương tâm này đã để lại trong nhiều người không chỉ sự thương tiếc, mà đây còn là hồi chuông cảnh tỉnh lớn cho mọi người dân về nâng cao ý thức và trách nhiệm trong công tác PCCC nhằm tự bảo vệ tài sản, tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Hậu quả của những vụ hỏa hoạn, cháy nổ hầu hết là cực kỳ nghiêm trọng và gây tổn thất rất lớn đến tài sản, sức khỏe và tính mạng của người dân. Hầu hết phần lớn nguyên nhân cháy là do những vi phạm trong các công tác về PCCC của một số các cá nhân, tổ chức không đảm bảo được đúng quy định của pháp luật về PCCC, một số hộ kinh doanh, tổ chức hoạt động kinh doanh khi không đạt đủ điều kiện về PCCC đối với những ngành nghề kinh doanh bắt buộc phải xin cấp phép PCCC; hoặc trong sinh hoạt hàng ngày, một số người dân còn bất cẩn, thiếu trách nhiệm trong việc bảo đảm phòng cháy ví dụ như dùng máy cắt, hàn điện không che chắn cẩn thận làm tia lửa điện bắn vào những vật dễ bốc cháy, sử dụng đồ dùng điện để nấu ăn, cắm nước, sạc điện thoại, máy tính nhưng quên tắt thiết bị dẫn đến chạm chập cháy, nổ, hoặc đốt vàng mã khiến tàn bay vào những vật dễ bén cháy,…vv.



Ảnh: Vietthink

Luật Phòng cháy và chữa cháy hiện hành quy định người nào có hành vi vi phạm các quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Vậy những hành vi vi phạm này được pháp luật xử lý như thế nào?

1. Về xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử lý hành vi vi phạm trong việc để xảy ra cháy, nổ như sau:

  • Hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20 triệu đồng thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng.
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 20 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
  • Trường hợp gây thiệt hại một trong các hậu quả: (i) Thiệt hại về tài sản trên 100 triệu đồng; (ii) Gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%; (iii) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổn tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. 
  • Ngoài ra, người vi phạm còn phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các trường hợp gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của người khác để khắc phục hậu quả. 

Đối với những hành vi vi phạm về an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra hậu quả gây tổn thất và thiệt hại nặng nề hơn thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. 

2. Về trách nhiệm hình sự

Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau: 

  • Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm khi thuộc các trường hợp sau:
- Làm chết người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

  • Phạt tù từ 05 năm đến 08 năm khi thuộc các trường hợp sau:
- Làm chết 02 người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng.

  • Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm khi thuộc các trường hợp sau:
- Làm chết 03 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.

Đối với trường hợp vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả được nêu trên nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Ngoài các hình phạt nêu trên thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên thực tế, cơ quan tiến hành tố tụng đã giải quyết rất nhiều vụ vi phạm về PCCC. Ví dụ gần đây nhất, ngày 07/8/2023, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử vụ án “vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy” liên quan đến vụ cháy quán karaoke ISIS ở phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy vào ngày 01/8/2022 khiến 3 chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hy sinh. Do bị cáo Phạm Duy Hùng – chủ cơ sở quán karaoke ISIS đã có những vi phạm về phòng cháy chữa cháy như kinh doanh khi chưa được cấp phép về PCCC, hậu quả của vụ cháy xảy ra khiến 3 chiến sĩ hy sinh, do đó Viện kiểm sát đề nghị truy tố theo khoản 3 Điều 313 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 7 đến 12 năm tù. Kết quả cuối phiên, Hội đồng xét xử tuyên Bị cáo lãnh mức án 10 năm tù về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Về trách nhiệm dân sự, Bị cáo Hùng phải bồi thường thiệt hại mỗi gia đình của 3 chiến sĩ 230 triệu đồng, phải cấp dưỡng cho mẹ và các con của một trong 3 chiến sĩ hàng tháng. 

Đây là một ví dụ cụ thể về trách nhiệm pháp lý của người vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Trên thực tế còn rất nhiều những vụ khác thương tâm, người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm nặng nề hơn rất nhiều. 

3. Trách nhiệm của người dân, các cá nhân, cơ quan và tổ chức

Công tác PCCC không phải của riêng ai, mà là trách nhiệm và nhiệm vụ của toàn dân. Do đó, để hạn chế những hậu quả đáng tiếc xảy ra, mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan cần có trách nhiệm nâng cao tinh thần chủ động phòng cháy, chữa cháy như:

  • Cơ quan có thẩm quyền thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy cho người dân và các cơ quan, tổ chức. 
  • Chủ động tìm hiểu các quy định về phòng cháy và chữa cháy; học hỏi kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tích cực tham gia các buổi tuyên truyền, huấn luyện về phòng cháy chữa cháy do cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, địa phương tổ chức.
  • Thường xuyên tự kiểm tra để kịp thời phát hiện và khắc phục ngay những nguyên nhân, nguy cơ gây cháy, nổ trong phạm vi quản lý của mình; trang bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại chỗ.
  • Phổ biến, đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình, người lao động và mọi người xung quanh thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC.
  • Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện: đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã,…; phải ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng; sử dụng vật chống cháy che chắn khi thực hiện các công việc như hàn, cắt; không đốt vàng mã ở trong nhà, cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, vỉa hè, nơi tập trung đông người và phương tiện tham gia giao thông qua lại, nên sử dụng các dụng cụ chất liệu không cháy như kim loại, sành sứ, có nắp đạy kín để tránh tàn lửa bay ra và phải chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy tro để lửa tắt hoàn toàn. 
  • Thực hiện nghiêm chỉnh các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

4. Một số kỹ năng cơ bản cần thiết để xử lý khi có cháy nổ

Hiện nay, các cơ quan chức năng, báo, đài, vô tuyến cũng thường xuyên có những video, bài viết hướng dẫn người dân các kỹ năng phòng cháy chữa cháy cần thiết, ví dụ như:

  • Tìm cách dập lửa, báo cháy và hỏa hoạn: Nếu đám cháy nhỏ cần tìm cách chữa cháy bằng nước, bình chữa cháy, cát, chăn ướt. Nếu cháy quá lớn không thể dập lửa phải nhanh chóng tìm cách thoát hiểm, hô hoán cho mọi người biết cùng thoát hiểm và gọi điện thoại lập tức đến số điện thoại 114.
  • Nhanh chóng xác định lối thoát hiểm hoặc trú ẩn an toàn: Trước hết phải xác định được lối ra an toàn khỏi căn nhà đang cháy và sử dụng các thiết bị hỗ trợ như: thang, thang cây, dây tự cứu hạ chậm. Tuyệt đối không sử dụng thang máy khi xảy ra hoả hoạn. 
  • Hạn chế tối đa tiếp xúc với lửa hoặc khí độc: Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh, hạ thấp cơ thể và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc bằng cách lấy khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng.

Như vậy, để hạn chế sự cố cháy nổ xảy ra, mọi người dân đều nâng cao tinh thần và trách nhiệm trong công tác PCCC nhằm tự bảo vệ tài sản, tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội và tránh vi phạm những quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy để không phải gánh chịu những trách nhiệm nặng nề như đã nêu ở trên. 


Cao Thị Hải - Công ty Luật TNHH Vietthink