Tòa án nhân dân Tối cao công bố 02 Án lệ mới, áp dụng xét xử từ ngày 15/6/2024
Việc công bố các án lệ có ý nghĩa quan trọng trong công tác xét xử, án lệ giúp cho việc giải quyết được thống nhất, bởi thực tế một số văn bản quy phạm pháp luật chưa cụ thể, rõ ràng và việc tiếp cận gây ra nhiều cách hiểu, nhiều quan điểm khác nhau. Tính đến ngày 01/10/2023, đã có 70 án lệ được áp dụng trong quá trình xét xử. Mới đây, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 119A/QĐ-CA ngày 15/05/2024 về việc công bố công bố 02 án lệ mới có nội dung chính như sau: 


(Nguồn: Vietthink)

1. Án lệ số 71/2024/AL hướng dẫn về việc đình chỉ giải quyết vụ án với lý do sự việc đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không thuộc thẩm quyền của Tòa án. 

Án lệ 71 được khai thác từ Quyết định giám đốc thẩm số 14/2022/DS-GĐT ngày 28/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy quyết định giải quyết khiếu nại của Ủy ban nhân dân” giữa nguyên đơn là bà Đặng Thị Thu H với bị đơn là bà Nguyễn Thị C; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 04 người.

Tình huống án lệ: Tranh chấp quyền sử dụng đất đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nguyên đơn tiếp tục khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất đó và yêu cầu hủy quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nguyên đơn không đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tranh chấp.

Nội dung vụ án:

Cha mẹ của ông Nguyễn Tấn T (chồng của nguyên đơn – Đặng Thị Thu H) có hơn 40.000ha đất cao su, năm 1975 đã đăng ký kê khai sử dụng toàn bộ diện tích đất trên với chính quyền địa phương. Khi cha mẹ chết, ông T đăng ký, kê khai ruộng đất, được UBND xã Q, huyện N, tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“GCNQSDĐ”) ngày 11/7/1992 và quản lý, sử dụng ổn định. Ngày 08/12/1987, gia đình bà Nguyễn Thị C khó khăn nên ông T cho bà C tạm thời canh tác trên diện tích khoảng 2,5 sào để làm kinh tế, viết “Giấy xác nhận” cho bà C diện tích đất nêu trên. Bà C đã lấn chiếm thêm đất, xây dựng nhà trên đất mượn. Năm 1993, bà C kê khai nộp thuế, đến năm 1995, ông T đã có tranh chấp với bà C. Ngày 09/10/1998, bà C làm đơn xin cấp GCNQSDĐ.  Năm 2000, gia đình ông T tiếp tục kiện gia đình bà C đòi lại đất. Ngày 21/11/2000, Ủy ban nhân dân huyện N và ngày 19/12/2001 Ủy ban nhân dân tỉnh Đ đã có quyết định bác đơn khiếu nại của ông T về việc tranh chấp diện tích đất, vì đã cho gia đình bà C từ năm 1987. Ngày 09/8/2002, Ủy ban nhân dân huyện N cấp GCNQSDĐ cho bà C với diện tích 2.526m2. Ngày 21/12/2006, Ủy ban nhân dân huyện N cấp lại GCNQSDĐ cho bà C với diện tích 1.962m2 đất.

Bà H đề nghị Tòa án buộc bà C trả diện tích đất nêu trên, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự (“Quyết định đình chỉ”): Đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự này. 

Không đồng ý, bà H kháng cáo Quyết định đình chỉ trên. Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (“TANDCC tại TP.HCM”) ra quyết định giải quyết việc kháng cáo đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án (“Quyết định giải quyết kháng cáo đối với Quyết định đình chỉ”): Chấp nhận kháng cáo của bà H, hủy Quyết định đình chỉ trên và chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai tiếp tục giải quyết. 

Không đồng ý với quan điểm của TANDCC tại TP.HCM, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: Đề nghị kháng nghị Quyết định giải quyết kháng cáo đối với Quyết định đình chỉ theo thủ tục giám đốc thẩm. 
Đồng ý với kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai, tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (“HĐTP TANDTC”) xét xử giám đốc thẩm, hủy Quyết định giải quyết kháng cáo đối với Quyết định đình chỉ của TANDCC tại TPHCM và giữ nguyên Quyết định đình chỉ của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Sau khi xem xét Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, HĐTP TANDTC có nhận định như sau: Ủy ban nhân dân huyện N đã có Quyết định giải quyết khiếu nại, bác đơn khiếu nại của ông T về việc đòi lại diện tích đất đã viết giấy cho bà C ngày 08/12/1987. Sau đó, ông T tiếp tục khiếu nại, Ủy ban nhân dân tỉnh Đ đã có quyết định giải quyết khiếu nại: Công nhận quyết định của Ủy ban nhân dân huyện N là đúng quy định pháp luật và bác đơn khiếu nại của ông T. Như vậy, đã được giải quyết tại quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Đ và có hiệu lực thi hành.

Do đó, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai ra Quyết định đình chỉ là đúng theo quy định pháp luật, bởi tại điểm c khoản 1 Điều 92 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 quy định trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện: “1. Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây: ...c) Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền,…”, và tại điểm g khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 quy định Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự: “1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây: ...g) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý”. 

Như vậy, sự việc đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Tòa án phải đình chỉ giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định pháp luật.

2. Án lệ số 72/2024/AL hướng dẫn về xác định di sản thừa kế là quyền sử dụng đất trong trường hợp di chúc không thể hiện diện tích đất cụ thể. 

Án lệ 72 được khai thác từ Quyết định giám đốc thẩm số 60/2022/DS-GĐT ngày 19/12/2022 của HĐTP TANDTC về vụ án dân sự “Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị G với bị đơn là ông Nguyễn Văn U; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 19 người.

Tình huống án lệ: Di sản thừa kế là quyền sử dụng đất được định đoạt theo di chúc hợp pháp, nội dung di chúc có xác định tứ cận nhưng không thể hiện diện tích đất cụ thể và không có tranh chấp về tứ cận.

Nội dung vụ án: 

Cha, mẹ là cụ Nguyễn Văn M (chết năm 1998) và cụ Nguyễn Thị B (chết năm 2010); 02 cụ có 08 người con. Di sản thừa kế hai cụ để lại là phần đất có diện tích 32.500m2 thuộc tờ bản đồ số 10D, thửa số 809 và 810 tại ấp N, xã T, huyện C (nay là huyện P), tỉnh Cà Mau.

Nguồn gốc đất tranh chấp là từ đời trước để lại cho cụ M, cụ B quản lý và sử dụng. Năm 1983, ông U là con trai út chung sống, chăm sóc cha mẹ và trực tiếp quản lý, sử dụng đất. Năm 1993, ông U xây dựng nhà trên đất từ tiền gia đình và cụ M đi kê khai vào sổ mục kê địa chính, được Ủy ban nhân dân huyện C cấp GCNQSDĐ. Năm 1994, ông U ra ở riêng, bà G ở với cha mẹ từ nhỏ và quản lý, sử dụng phần đất 32.500m2 đến nay. Ngày 16/5/1998, cụ M (còn minh mẫn) lập di chúc có chữ ký của các con và chính quyền địa phương xác nhận, để lại cho bà G phần đất 15 công tầm cấy (không ghi diện tích đất cụ thể), còn 10 công thì ai thờ cúng ông bà sẽ được hưởng. Năm 2000, ông U giả chữ ký cụ M làm thủ tục và được Ủy ban nhân dân huyện C cấp GCNQSDĐ đứng tên ông U. Sau khi cụ M chết, Biên bản họp gia đình ngày 15/06/2004 có chữ ký của các con (không có ông U) có chính quyền địa phương xác nhận, cụ B họp các con, thống nhất cho bà G toàn bộ 32.500m2 đất quản lý và thờ cúng. Năm 2006, cụ B tiếp tục lập di chúc cho bà G toàn bộ phần đất nêu trên. Sau khi cụ B chết, bà G vẫn quản lý và sử dụng đất cho đến nay. Ông U cho rằng không biết việc cha mẹ lập di chúc và họp gia đình cho bà G đất, khẳng định đất này ông U đã được cha, mẹ cho. 

Bà G khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy GCNQSDĐ đứng tên ông U, yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất cho bà theo di chúc đối với phần đất có diện tích 32.500m2 (đo đạc thực tế là 35.180,7m2) và căn nhà trên đất.

Tại đơn phản tố, ông U yêu cầu Tòa án buộc bà G trả lại cho ông toàn bộ diện tích phần đất tranh chấp và căn nhà cấp 4 trên đất.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau quyết định: (1) Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà G; (2) Bà G được hưởng thừa kế đối với phần di sản cụ M, cụ B để lại gồm phần đất diện tích 35.180,7m2 (có nêu tứ cận) và tài sản gắn liền trên đất gồm 01 nhà chính diện tích 58,29m2, 01 nhà phụ diện tích 242,82 m2, 01 cây nước khoan và cây trồng trên đất; (3) Hủy GCNQSDĐ đứng tên ông Nguyễn Văn U; (4) Không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông U.

Ông U có đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm, tại Bản án phúc thẩm TANDCC tại TP.HCM quyết định: Không chấp nhận kháng cáo của ông U, giữ nguyên Bản án sơ thẩm trên.

Không đồng ý với Quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Quyết định kháng nghị Bản án phúc thẩm, đề nghị hủy Bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm lại.

Sau khi xem xét Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát, HĐTP TANDTC có nhận định như sau: khi giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm căn cứ vào nội dung của di chúc không có diện tích đất cụ thể nhưng có ghi tứ cận và hiện không tranh chấp về tứ cận, biên bản họp gia đình, lời khai của các con và quá trình quản lý, sử dụng đất liên tục từ năm 1998 của bà G và việc kê khai, đăng ký đất. Từ đó, có căn cứ công nhận bà G được hưởng thừa kế đối với phần đất là di sản của cụ M, cụ B và Tòa án phải xác định di sản thừa kế theo diện tích đất đo đạc thực tế theo tứ cận thể hiện trong di chúc.

Như vậy, di chúc hợp pháp chỉ xác định diện tích đất theo tứ cận, không thể hiện diện tích đất cụ thể, hiện không có tranh chấp về tứ cận thì giải quyết theo hướng xác định lại diện tích đất đo đạc thực tế theo tứ cận đã thể hiện trong di chúc.

Án lệ là một trong những nguồn luật của Pháp luật Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc vận dụng, áp dụng các tình tiết tương tự để xét xử các vụ án mà pháp luật chưa quy định cụ thể. Tính đến thời điểm hiện nay, số án lệ được công bố là 72 án lệ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hình sự. 

02 án lệ mới này được áp dụng từ ngày 15/06/2024. 

Ma Thùy Linh – Công ty Luật TNHH Vietthink