Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được xây dựng mang tính nhân đạo, góp phần giảm thiểu các rủi ro tài chính cho chủ phương tiện xe cơ giới và gia đình nạn nhân nếu không may có các sự kiện, tình huống tai nạn xảy ra. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của người tham gia.
Trên tinh thần đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, cắt giảm các điều kiện phức tạp trong quá trình thẩm định, chi trả bảo hiểm và khuyến khích mức chi trả bảo hiểm để khuyến khích người dân tham gia tự nguyện, Nghị định 67/2023/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 06/9/2023 có nhiều nội dung thay đổi đáng chú ý liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới so với Nghị định 03/2021/NĐ-CP.
Về chủ đề này, ThS., Ls. Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink đã có nội dung chia sẻ với kênh truyền hình O2TV, truyền hình cáp Việt Nam – Đài truyền hình Việt Nam về chủ đề những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 67/2023/NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
1. Điểm mới đáng chú ý về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới:
Nghị định 67 có một số điểm mới đáng chú ý về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới như sau:
(1) Mở rộng phạm vi bảo hiểm xe máy, ô tô bắt buộc:
Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại ngoài hợp đồng về sức khỏe, tính mạng và tài sản đối với người thứ ba do xe cơ giới gây ra. Đồng thời, theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đối với người điều khiển xe cơ giới có nồng độ cồn được áp dụng người điều khiển xe cơ giới có nồng độ vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế (theo các quy định trước đây thì nếu người điều khiển xe cơ giới trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đã thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm).
(2) Quy định tốt hơn về mức tạm ứng bồi thường trong trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường:
Theo khoản 3 Điều 12 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại, mức tạm ứng bồi thường được xác định như sau:
- 30% giới hạn trách nhiệm bảo hiểm theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp tử vong và ước tính tỷ lệ tổn thương từ 81% trở lên, trước đây, Nghị định 03/2021/NĐ-CP chỉ quy định 30%/người/vụ tử vong;
- 10% giới hạn trách nhiệm bảo hiểm theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp ước tính tỷ lệ tổn thương từ 31% đến dưới 81%, trước đây, tỉ lệ này được ghi nhận tại Nghị định 03/2021/NĐ-CP là 10%/người/vụ tổn thương được điều trị cấp cứu.
(3) Mức giới hạn bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản cũng được quy định cao hơn:
Theo Điều 6 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, giới hạn trách nhiệm bảo hiểm được quy định như sau:
- Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng/ người/ vụ tai nạn.
- Giới hạn trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản như sau:
(i) Do xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự là 50 triệu đồng/ vụ tai nạn;
(ii) Do xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo gây ra là 100 triệu đồng/ vụ tai nạn.
Theo các quy định trước đây tại Thông tư 126/2008/TT-BTC quy định mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại dao động từ 30 – 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn. Thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu/1 người/ 1 vụ; Thiệt hại về tài sản là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn do xe mô tô hai-ba bánh gây ra.
(4) Quy định chi tiết về thành phần hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tại Điều 13 Nghị định 67/2023/NĐ-CP cũng tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức chuẩn bị hồ sơ yêu cầu bảo hiểm.
2. Rào cản trong nhận thức và tiếp nhận quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và phương cách để đẩy mạnh ý thức tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện xe cơ giới
Theo ThS., Ls. Nguyễn Thanh Hà, mặc dù quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được xây dựng hướng đến mục đích ý nghĩa an sinh to lớn nhưng nhiều người dân vẫn lơ là, không quan tâm, đặc biệt là người sử dụng xe máy. Thực trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân:
(1) Thứ nhất, tâm lý của người dân lâu nay về bảo hiểm bắt buộc mang tính đối phó theo quy định, chứ không nhận thức rõ bảo hiểm cũng là quyền lợi của chính mình. Vì vậy người dân chưa có ý thức tìm hiểu và tham gia tự nguyện. Phần lớn khi xảy ra tai nạn, họ mới quan tâm về các quyền lợi và thủ tục có liên quan.
Việc mua bảo hiểm bắt buộc hay tự nguyện đối với chủ xe cơ giới là ô tô thường được quan tâm hơn bởi giá trị tài sản lớn hơn, mức độ rủi ro về tài sản và con người lớn hơn trong trường hợp bị tai nạn. Ngoài ra, thủ tục thẩm định và chi trả bảo hiểm đối với xe cơ giới là ô tô thường được quan tâm và ưu tiên hơn xe máy.
(2) Thứ hai, thực tế vẫn còn tình trạng “mua thì dễ, chi bồi thường thì khó” dẫn đến tâm lý miễn cưỡng, không mặn mà tham gia bảo hiểm của các chủ phương tiện. Theo các quy định trước thì việc thu thập tài liệu, chứng cứ để hoàn thiện hồ sơ bảo hiểm và thực hiện quy trình còn nhiều điểm phức tạp, chưa rõ ràng, nên người tham gia bảo hiểm còn tâm lý e ngại, không muốn tham gia.
(3) Sau khi gây ra tai nạn, người điều khiển phương tiện thường có tâm lý né tránh sai phạm, đây cũng là trở ngại rất lớn của việc xác định, thẩm định và chi trả bồi thường. Ví dụ: các quy định hiện hành như yêu cầu giữ nguyên hiện trường, không được đàm phán thương lượng đền bù thiệt hại cho bên thứ ba,… thường bị chủ xe máy vi phạm không tuân thủ, xuất phát từ tâm lý giải quyết nhanh và không muốn làm thủ tục phức tạp.
Do đó, để đẩy mạnh ý thức tham gia bảo hiểm bắt buộc của chủ phương tiện xe cơ giới, đặc biệt là xe máy trong thời gian tới, ThS., Ls. Nguyễn Thanh Hà cho rằng cần tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cho người dân, trong đó cần làm rõ bảo hiểm bắt buộc không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của người tham gia. Ngoài ra, cũng cần có sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan như: các cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp kinh doanh phương tiện xe cơ giới, các trường học, cơ sở đào tạo,…
Về phương diện xây dựng và cải cách quy định pháp luật, các quy định của Nhà nước và các quy định của chính các doanh nghiệp cũng rà soát để xây dựng theo hướng tối giản hóa thủ tục, giấy tờ, cắt giảm các điều kiện rườm rà và quá phức tạp trong thẩm định, chi trả bảo hiểm; và nên khuyến khích nâng mức chi trả bảo hiểm để khuyến khích sự tham gia tự nguyện của người dân. Để tối giản hóa thủ tục bảo hiểm, có thể ứng dụng công nghệ trong xây dựng hệ thống quản lý, thẩm định và chi trả bảo hiểm. Việc số hóa và ứng dụng công nghệ trong thủ tục bảo hiểm sẽ tạo sự thuận lợi, minh bạch trong việc mua bảo hiểm và chi trả bảo hiểm trong tâm lý của người dân và doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho công tác quản lý của Nhà nước.
Biên tập và tổng hợp nội dung: Ls. Nguyễn Chí Dũng, Ls. Nguyễn Thúy Hạnh, Ls. Nguyễn Thị Hương.