Quy định về nghiệp vụ phát hành thư tín dụng theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 21/2024/TT-NHNN ngày 28/6/2024 như sau: “1. Nghiệp vụ thư tín dụng là hình thức cấp tín dụng thông qua nghiệp vụ phát hành, xác nhận, thương lượng thanh toán, hoàn trả thư tín dụng để phục vụ cho hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ”.
Đây là một quy định mới sau khi Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực, định nghĩa nghiệp vụ thư tín dụng phục vụ cho các hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên thực tế hiện nay một số loại tài sản được các bên giao dịch thông dụng như quyền tài sản (như quyền khai thác, quyền sử dụng,…), cổ phần/phần vốn góp. Do đó, có thể còn nhiều ý kiến băn khoăn rằng khi các bên thực hiện giao dịch đối với các loại tài sản này thì có được xem là hàng hóa, dịch vụ để ngân hàng có thể phát hành thư tín dụng cho bên có nghĩa vụ thanh toán hay không?
Trong bài viết này, tác giả nêu quan điểm của mình dựa trên nghiên cứu về thuộc tính của hàng hóa và quyền tài sản dưới góc độ học thuật và luật thực định như sau. Theo Từ điển tiếng Việt, “hàng hóa” là một trong những phạm trù cơ bản của kinh tế chính trị. Theo nghĩa hẹp, hàng hóa là vật chất tồn tại có hình dạng xác định trong không gian và có thể trao đổi, mua bán được. Theo nghĩa rộng, hàng hóa là tất cả những gì có thể trao đổi, mua bán được. Còn theo Từ điển Luật học (trực tuyến) thì “hàng hóa” là sản phẩm được đưa vào thị trường, tiêu dùng thông qua trao đổi, mua bán, tiếp thị.
Dưới góc độ luật thực định, khái niệm “hàng hóa” hiện nay được định nghĩa tại nhiều văn bản pháp luật khác nhau, cụ thể:
- Theo khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005: “Hàng hóa bao gồm: a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; b) Những vật gắn liền với đất đai”.
- Theo Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015: “1. Bất động sản bao gồm: a) Đất đai; b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; c) Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; d) Tài sản khác theo quy định của pháp luật. 2. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản”.
- Theo khoản 1 Điều 4 Luật Giá năm 2023: “Hàng hóa là sản phẩm có thể trao đổi, mua, bán trên thị trường”.
Như vậy, dưới góc độ học thuật cũng như luật thực định thì khái niệm “hàng hóa” được định nghĩa dựa vào hai thuộc tính cơ bản là thuộc tính vật chất và thuộc tính thị trường của chúng. Dựa vào thuộc tính vật chất thì “hàng hóa” được định nghĩa bao gồm “vật”/“sản phẩm”/“tài sản” (động sản và những vật gắn liền với đất đai). Dựa vào thuộc tính thị trường thì “hàng hóa” được định nghĩa bao gồm tất cả những “vật”/“sản phẩm”/“tài sản” có thể được trao đổi, mua bán, tiếp thị trên thị trường.
Trong đó, thuộc tính thị trường đóng vai trò quan trọng, quyết định đến bản chất của hàng hóa. Vì nói đến hàng hóa là nói đến mối quan hệ giữa “vật”/“sản phẩm”/“tài sản” với thị trường, những gì không trao đổi được trên thị trường thì không phải là hàng hóa. Chính vì vậy mà trong kinh tế học, hàng hóa là một phạm trù gắn liền với nền kinh tế thị trường.
Qua nghiên cứu, tác giả nhận thấy trong thời gian gần đây pháp luật Việt Nam đã tiếp cận thuộc tính vật chất của hàng hóa theo hướng ngày càng mở rộng, thể hiện qua việc mở rộng nội hàm khái niệm “tài sản”, “quyền tài sản” trong các quy định pháp luật hiện hành, cụ thể:
- Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015: “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. 2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”;
- Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”;
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán năm 2019: “Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây: a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ; b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký; c) Chứng khoán phái sinh; d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định”;
Tương tự, thuộc tính thị trường của hàng hóa cũng được đề cao trong các quy định pháp luật cũng như trong thực tiễn thời gian qua. Thể hiện qua việc rất nhiều đối tượng tài sản, quyền tài sản khi được giao dịch trên thị trường thì đều được công nhận là hàng hóa và được pháp luật công nhận và bảo vệ. Chẳng hạn: cổ phần/cổ phiếu là một loại hàng hóa được giao dịch hợp pháp trên thị trường chứng khoán. Hay quyền khai thác/quyền sử dụng tài sản (bất động sản) là đối tượng trong các giao dịch bất động sản, giao dịch M&A, chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng dự án, v.v… (khoản 1 Điều 44 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023).
Ngoài ra, pháp luật cũng cho phép các bên sử dụng quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng như quyền đòi nợ, quyền khai thác, quản lý dự án đầu tư, quyền cho thuê, cho thuê lại,…trị giá được bằng tiền; quyền phát sinh với cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của mình với bên thứ ba (Điều 14, Điều 15 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021).
Từ các dẫn chiếu và phân tích trên đây, tác giả cho rằng đối với các loại tài sản hoặc quyền tài sản như quyền khai thác/quyền sử dụng bất động sản, cổ phần/phần vốn góp… nếu được hình thành hợp pháp, có thể trị giá được bằng tiền và được giao dịch trên thị trường thì cũng được xem là hàng hóa, đồng thời, ngân hàng có thể thực hiện các nghiệp vụ thư tín dụng cho bên có nghĩa vụ thanh toán theo quy định tại Thông tư 21/2024/TT-NHNN.
LS. Bùi Thị Minh Thuý - Công ty Luật TNHH Vietthink
#nganhang #thutindung #quyentaisan #hanghoa #thuongmai