DẠY THÊM ĐÚNG QUY ĐỊNH TỪ NGÀY 14/02/2025

           Trong bối cảnh giáo dục ngày càng phát triển, dạy thêm, học thêm trở thành một phần quan trọng của hệ thống giáo dục, giúp học sinh nâng cao kiến thức do vậy, việc đổi mới trong hoạt động quản lý dạy thêm, học thêm cũng là một nhu cầu tất yếu. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư và tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và các nhà quản lý, chuyên gia, ý kiến của người dân qua các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm (“Thông tư 29”). 
            Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/02/2025 đưa ra nhiều quy định mới nhằm đẩy mạnh hiệu quả quản lý hoạt động dạy thêm, nhưng mặt khác cũng tạo ra nhiều nỗi lo cho các bậc phụ huynh, học sinh trong bối cảnh nhu cầu về học thêm, dạy thêm còn đang rất cao tại Việt Nam. Rất khẩn trương, ngày 11/02/2025, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội đã có Công văn số 362/SGDĐT-VP yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục phổ biến, tuyên truyền quy định mới và nêu rõ quan điểm siết chặt quản lý việc dạy thêm, học thêm đúng quy định.
            Cần phải hiểu rõ tinh thần của Thông tư 29 không cấm việc dạy thêm, học thêm mà việc dạy thêm cần đáp ứng đúng các yêu cầu, điều kiện, thủ tục của Thông tư. Bài viết này tổng hợp một số điểm cần lưu ý trong việc đăng ký, tổ chức hoạt động dạy thêm đúng quy định từ ngày 14/02/2024 như sau:
          Thứ nhất,  Thông tư làm rõ định nghĩa về hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng của chương trình học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành không do Nhà trường tổ chức thực hiện.
          Thứ hai, Thông tư đưa ra điều kiện bắt buộc về đăng ký kinh doanh và công khai thông tin như sau đối với cơ sở dạy thêm như sau:

- Cơ sở dạy thêm phải thành lập cơ sở kinh doanh, đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật. Hình thức thành lập cơ sở kinh doanh có thể là hộ kinh doanh cá thể hoặc công ty như doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần hoặc thành lập doanh nghiệp. Ngoài ra, chủ cơ sở cũng có thể thành lập “Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên” theo quy định tại Nghị định 125/2024/NĐ-CP tùy theo quy mô giảng dạy và định hướng giảng dạy của cơ sở thành lập.

- Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại trụ sở cơ sở dạy thêm các thông tin về: 

  • Các môn học, thời lượng từng môn học, theo từng khối lớp được dạy thêm;
  • Địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm;
  • Danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.


          Thứ ba, về mặt hoạt động, cơ sở kinh doanh đã được thành lập cần lưu ý đảm bảo một số điều kiện:

- Cơ sở kinh doanh phải có đăng ký hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ giáo dục. Đây không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và chủ cơ sở chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện về thành lập cơ sở kinh doanh theo quy định pháp luật hiện hành.

- Cơ sở kinh doanh phải đáp ứng được điều kiện về địa điểm, cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy như: 

  • Địa điểm để tổ chức dạy thêm, học thêm cần có đủ không gian, đáp ứng các quy định về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ  và phải đáp ứng đủ các điều kiện để đăng ký trụ sở kinh doanh theo loại hình kinh doanh mà chủ cơ sở đăng ký theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và quy định pháp luật liên quan. 
  • Cơ sở vật chất của cơ sở dạy thêm phải phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh. 
  • Chương trình giảng dạy không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội. Không cắt giảm nội dung dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm.


          Thứ tư, về chương trình, mục đích, thời gian dạy thêm, cơ sở kinh doanh nên xây dựng và hoàn thiện các biểu mẫu văn bản, báo cáo, đơn đăng ký, quy chế hoạt động đảm bảo đúng quy định của Thông tư 29 như sau: 

- Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. 

- Việc dạy thêm, học thêm phải góp phần phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; không làm ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường và việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên.

- Thời lượng, thời gian, địa điểm và hình thức tổ chức dạy thêm, học thêm phải phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh.

- Tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.

          Thứ năm, về điều kiện đối với chủ cơ sở cần lưu ý:

- Chủ cơ sở không được là giáo viên thuộc các trường công lập. 

- Đảm bảo có đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật và thực hiện việc công khai thông tin tại cổng thông tin điện tử hoặc tại trụ sở dạy thêm, học thêm.

- Chịu trách nhiệm trong việc quản lí và bảo đảm chất lượng dạy thêm, học thêm và quyền lợi của học sinh học thêm, người dạy thêm; quản lí, sử dụng tiền học thêm theo quy định. 

           Thứ sáu, về điều kiện đối với giáo viên dạy thêm, cần lưu ý: 

- Không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

- Không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

- Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.

- Có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.

- Phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường khi tham gia dạy thêm.


          Thứ bảy, cơ sở dạy thêm phải tuân thủ các quy định về báo cáo, quản lý theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý về hoạt động dạy thêm, học thêm tại địa phương.

            Có thể nói, Thông tư 29 sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong thói quen, tư duy về tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong thời gian tới và sẽ góp phần nâng cao hiệu quả về quản lý trong hoạt động dạy thêm, học thêm, tạo ra môi trường giáo dục, đào tạo công bằng, lành mạnh hơn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng như cầu học thêm là nhu cầu lớn của phụ huynh, học sinh, nên việc đăng ký, tổ chức hoạt động dạy thêm là cần thiết để đẩy mạnh chất lượng đào tạo. Do vậy, việc các trung tâm, cơ sở đào tạo, giáo viên, giảng viên tìm hiểu kỹ về các quy định của Thông tư 29 để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thực hiện đúng quy định là cần thiết. Để đảm bảo việc lựa chọn các mô hình cơ sở dạy thêm, tổ chức hoạt động dạy thêm được hiệu quả, nhanh chóng và đúng quy định, chúng tôi khuyến nghị các trung tâm, cơ sở đào tạo, giáo viên, giảng viên cũng có thể xin tư vấn, hỗ trợ của các đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm về pháp lý và thủ tục trong lĩnh vực này. 

[1]       [1]Điều 3 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT.
[2]Khoản 4 Điều 3 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT.


ThS., Ls. Nguyễn Thúy Hạnh – Nguyễn Thị Ngọc Ánh
Công ty Luật TNHH Vietthink
#vietthink #daythemhocthem #giaoduc #quydinhmoi  #daythem #hocthem #thongtu29