Khi đăng ký nhãn hiệu, một câu hỏi mà chủ sở hữu nào cũng phải suy nghĩ và cần phải đưa ra quyết định then chốt là lựa chọn màu sắc cho nhãn hiệu đăng ký, cụ thể là đăng ký nhãn hiệu dạng màu sắc như thiết kế hay dạng âm bản. Để đưa ra lựa chọn, chủ sở hữu cần phải hiểu bản chất của màu sắc đăng ký cũng như các ưu nhược điểm là gì. Sau khi tìm hiểu về các quy định và thực tế áp dụng, phụ thuộc chiến lược phát triển thương hiệu, mục tiêu kinh doanh dài hạn và thực tế sử dụng nhãn hiệu, chủ sở hữu đưa ra quyết định lựa chọn màu sắc nhãn hiệu khi đăng ký.
Để tìm hiểu về vấn đề này, chủ sở hữu có thể lần lượt đi qua các câu hỏi & trả lời như sau:
1) Điều gì xảy ra nếu chủ sở hữu lựa chọn đăng ký nhãn hiệu có màu sắc/màu sắc như thiết kế?
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 124 Luật SHTT hiện hành, sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau đây:
- Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;
- Bán, chào bán, quảng cáo để bán, trưng bày để bán, tàng trữ để bán, vận chuyển hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ;
- Nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.
Theo quy định tại Điều (5) C – (2) Công ước Paris mà Việt Nam là thành viên, việc chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu theo mẫu khác biệt về chi tiết, nhưng không làm thay đổi tính phân biệt của nhãn hiệu theo mẫu đã được đăng ký tại một nước thành viên bất kỳ của Liên minh sẽ không dẫn tới việc đình chỉ đăng ký và không thể hạn chế sự bảo hộ đã dành cho nhãn hiệu.
Ở Việt Nam hiện nay chưa có quy định chi tiết về việc sử dụng nhãn hiệu như thế nào được gọi là việc sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký. Tuy nhiên, nếu nhãn hiệu được bảo hộ dưới dạng màu sắc cụ thể, trên thực tế, chủ sở hữu cần phải sử dụng nhãn hiệu y hệt như màu sắc đã được bảo hộ thì mới được coi là sử dụng nhãn hiệu đó tại Việt Nam.
2) Điều gì xảy ra nếu chủ sở hữu lựa chọn đăng ký nhãn hiệu dạng âm bản (xám-đen-trắng)?
Như đã phân tích tại mục 1) ở trên, mặc dù Việt Nam chưa có quy định về việc sử dụng nhãn hiệu, thực tế cho thấy khi đăng ký nhãn hiệu dưới dạng âm bản, trong một số chừng mực nhất định, có thể cho chủ sở hữu một phạm vi bảo hộ rộng hơn, sử dụng linh hoạt hơn so với việc đăng ký nhãn hiệu màu sắc.
Cụ thể là, khi nhãn hiệu được bảo hộ dưới dạng màu âm bản, trên thực tế sử dụng, chủ sở hữu có thể linh hoạt sử dụng nhãn hiệu dưới một số màu sắc khác nhau theo ứng dụng sử dụng thực tế mà việc sử dụng này vẫn có thể được coi là sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ. Tuy nhiên, cũng như đã phân tích ở trên, vì chưa có quy định cụ thể, nếu có tranh chấp xảy ra, vẫn cần phải có đánh giá, xem xét, giám định và kết luận về việc sử dụng nhãn hiệu trên thực tế có được coi là sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ hay không. Cũng vì chưa có cở sở pháp lý rõ ràng, định đoạt/nhận định về sử dụng nhãn hiệu thực tế có thể được coi là sử dụng nhãn hiệu đã được bảo hộ hay không vẫn nhiều khi mang tính chủ quan.
3) Việc đăng ký nhãn hiệu màu sắc đem lại lợi ích gì?
Trong quy định về nhãn hiệu theo Khoản 1 Điều 72 Luật SHTT hiện hành, nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa. Tức là, màu sắc là một trong những dấu hiệu để nhận biết nhãn hiệu, để tăng khả năng tự phân biệt của nhãn hiệu. Và rõ ràng không thể phủ nhận rằng việc đăng ký nhãn hiệu dưới dạng màu sắc và sử dụng nhãn hiệu theo đúng màu sắc riêng biệt ấy đem lại ấn tượng đối với nhãn hiệu, tăng khả năng tự phân biệt, đặc biệt là khi so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường trong cùng ngành nghề kinh doanh. Nếu như chủ sở hữu xác định chỉ nhất định dùng một màu sắc đó cho nhãn hiệu trong bất kì ứng dụng nào, việc lựa chọn đăng ký nhãn hiệu màu sắc có thể là một lựa chọn tốt hơn.
Ví dụ như trường hợp nhãn hiệu “
” theo đăng ký số 451272 cho các dịch vụ Nhóm 35 và 43 liên quan đến mua bán lương thực, thực phẩm và nhà hàng ăn uống. Vì chủ sở hữu chỉ sử dụng một tông màu sắc nhất quán là trắng, đỏ và đen trên website https://garanfkt.vn/ và có thể chỉ sử dụng tông màu này trên các ứng dụng thực tế, nên đưa ra lựa chọn đăng ký nhãn hiệu màu sắc và có thể nhận biết màu sắc này đặc trưng cho sản phẩm/dịch vụ mà chủ sở hữu cung cấp. Việc lựa chọn màu sắc đăng ký này có thể được coi là một lựa chọn khá khôn ngoan bởi chủ sở hữu nắm bắt được xu hướng thị trường, các nhãn hiệu bán gà rán đã được nhận biết và sử dụng rộng rãi và nổi tiếng tại Việt Nam hiện nay như
(https://kfcvietnam.com.vn/),
(https://www.lotteria.vn/)… đều dùng tông chủ đạo là đỏ và trắng. Tức là, từ trước đến nay, sau một thời gian dài các “ông lớn” này phát triển thị trường, ấn tượng người tiêu dùng đối với các nhãn hiệu bán sản phẩm gà rán, đồ ăn nhanh là đỏ kết hợp trắng và đen, việc lựa chọn các màu sắc này khả năng cao sẽ tạo ấn tượng thị giác gần gũi đối với người tiêu dùng dựa trên thói quen của họ, từ đó, dễ dàng cảm thấy một sự quen thuộc, gần gũi và quyết định dễ dàng hơn khi tiếp cận và mua sản phẩm. Phải nói rằng, khi thiết kế và sử dụng nhãn hiệu “
”, chủ sở hữu đã có một tính toán kĩ càng, dựa trên hiểu biết phải nói là sâu về nhãn hiệu cũng như quyền sở hữu trí tuệ và có tính toán kĩ lưỡng, tỉ mỉ cho kế hoạch kinh doanh sản phẩm/dịch vụ của mình tại Việt Nam.
Hoặc, nhãn hiệu “
” hoặc “
” chuyên bán hoa quả nhập khẩu đã tạo ấn tượng thị giác với màu tím đậm nổi bật cùng các dấu hiệu tạo nên nhãn hiệu từ những năm 2019-2020. Đến nay, thương hiệu này đã tạo được dấu ấn trên thị trường nhờ chất lượng sản phẩm/dịch vụ và chính màu sắc này đã tạo cho họ một ấn tượng mạnh và tốt với người tiêu dùng.
Ví dụ tiếp theo như các nhãn hiệu “
” luôn dùng màu sắc đỏ và vàng làm màu sắc đặc trưng của mình cho sản phẩm/dịch vụ liên quan đến đồ ăn nhanh, hay “
” luôn là chữ trắng trên nền đỏ, “
” hay “
” với màu sắc đặc trưng của mình…
Đối với một số nhãn hiệu, màu sắc độc đáo là một phần không thể thiếu trong bản sắc và sự khác biệt của họ trên thị trường. Trong những trường hợp như vậy, việc đăng ký màu sắc cho nhãn hiệu có thể là cần thiết để bảo vệ sự khác biệt của thương hiệu và ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh sử dụng các kết hợp màu tương tự. Với các màu sắc đặc biệt ấy, các nhãn hiệu đã tự định vị mình trên thị trường và “gây thương nhớ” cho người tiêu dùng cũng bởi chính những màu sắc này, bên cạnh chất lượng sản phẩm/dịch vụ cùng chiến lược kinh doanh mà chủ sở hữu đặt ra và xây dựng.
4) Việc đăng ký nhãn hiệu dạng âm bản mang lại lợi ích gì?
Việc đăng ký nhãn hiệu âm bản có thể cho chủ sở hữu nhãn hiệu khả năng sử dụng nhãn hiệu một cách linh hoạt hơn. Cụ thể là, khi nhãn hiệu âm bản được đăng ký, chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu dưới nhiều màu sắc khác nhau và việc sử dụng màu sắc khác này không làm thay đổi tính phân biệt của nhãn hiệu thì vẫn có thể được coi là sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký.
Chủ sở hữu chọn phương án này nếu như có nhiều phương án sử dụng nhãn hiệu trên thực tế.
5) Nếu đã đăng ký nhãn hiệu ở dạng màu sắc thì có thể được tiến hành sửa đổi nhãn hiệu sang màu khác hay không trong quá trình sử dụng sau này?
Theo quy định và thực tế thẩm định nhãn hiệu hiện nay, nhãn hiệu khi đã được đăng ký dưới dạng màu sắc/âm bản thì sẽ không thể tiến hành sửa đổi nhãn hiệu thành màu sắc khác hoặc ngược lại. Nếu muốn đăng ký cho màu sắc khác, chủ sở hữu phải nộp đơn đăng ký mới cho nhãn hiệu với màu sắc khác và đơn nhãn hiệu được thẩm định lại từ đầu. Tuy vậy, khi nộp đơn mới, nếu nhãn hiệu màu sắc đã được bảo hộ thì khả năng cao nhãn hiệu âm bản nộp sau cũng sẽ tiếp tục được bảo hộ cho các sản phẩm/dịch vụ trùng/tương tự vì khi thẩm định khả năng đăng ký, màu sắc chỉ là một dấu hiệu tạo nên khả năng phân biệt của nhãn hiệu, không phải là tất cả. Các dấu hiệu khác như cấu trúc, phát âm, sự kết hợp giữa các yếu tố trong nhãn hiệu tạo nên một tổng thể phân biệt của nhãn hiệu.
6) Bàn luận từ các câu hỏi và trả lời đã nêu
- Trong khi nhãn hiệu màu sắc làm tăng khả năng nhận biết và tạo nên một bản sắc trực quan mạnh mẽ, nó cũng có hạn chế là phần nào thu hẹp phạm vi bảo hộ nhãn hiệu là chỉ dùng được màu sắc như đăng ký trên thực tế. Việc bảo hộ này đôi khi làm khó chủ sở hữu khi muốn mở rộng thêm màu sắc sử dụng hoặc khi định vị lại màu sắc sử dụng thực tế;
- Đăng ký nhãn hiệu dạng âm bản cho chủ sở hữu một sự linh hoạt hơn trong sử dụng nhãn hiệu trên thực tế về màu sắc, tuy nhiên, nếu cần mang một dấu ấn cho người tiêu dùng về ấn tượng màu sắc, việc đăng ký này lại không đạt được;
- Lựa chọn đăng ký nhãn hiệu âm bản hay nhãn hiệu màu sắc thực ra không phải lúc nào cũng dễ dàng, phụ thuộc phần nhiều vào chiến lược phát triển thương hiệu, mục tiêu kinh doanh dài hạn và thực tế sử dụng nhãn hiệu;
Đối với những doanh nghiệp mới khởi nghiệp, thời điểm cần tiết kiệm, tối ưu chi phí, việc đăng ký nhãn hiệu âm bản có thể nên được xem xét tới. Sau một thời gian doanh nghiệp vững vàng, chủ sở hữu hoàn toàn có thể cân nhắc thêm việc đăng ký thêm cho nhãn hiệu màu sắc nếu khi đó cần thiết lập một trạng thái mới cho doanh nghiệp vẫn chưa muộn.
Như các nhãn hiệu được nhận biết và sử dụng rộng rãi, ngoài những nhãn hiệu màu sắc mang tính “Signature”, các chủ sở hữu vẫn đăng ký cả các nhãn hiệu âm bản, ví dụ như “
”, “
”, “
”, “
”… và với việc bảo hộ tất cả các màu sắc như vậy, phạm vi bảo hộ là đảm bảo và chủ sở hữu hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng nhãn hiệu của mình với bất kì màu sắc nào.
Tóm lại, trước khi chuẩn bị nộp đơn đăng ký nhãn hiêu, chủ sở hữu cần cân nhắc xem màu sắc có phải là một yếu tố quan trọng chính của nhãn hiệu hay không, có nhất định phải có màu sắc nào đó hay không hay vẫn muốn màu sắc sẽ được linh hoạt trong suốt quá trình sử dụng nhãn hiệu và đưa nhãn hiệu vào thương mại. Như đã đề cập, việc lựa chọn nhãn hiệu, màu sắc nhãn hiệu đăng ký phụ thuộc vào chiến lược phát triển thương hiệu, mục tiêu kinh doanh dài hạn và thực tế sử dụng nhãn hiệu./.
LS.SHTT Dương Thị Vân Anh – Công ty Luật TNHH Vietthink
#nhanhieu #trademark #ip #mausacnhanhieu #trademarkcolor #