Thay đổi quan trọng tháo gỡ vướng mắc về đấu thầu và đặt hàng sản phẩm, dịch vụ công ích

Ngày 25/6/2025, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật đấu thầu, luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, luật hải quan, luật thuế giá trị gia tăng, luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, luật đầu tư, luật đầu tư công, luật quản lý; sử dụng tài sản công số 90/2025/QH15 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2025 (“Luật số 90”) để tháo gỡ những vấn đề nghiêm trọng đang tồn tại trong Luật Đấu thầu hiện hành, là nguyên nhân làm chậm tiến độ phát triển đất nước, lãng phí nguồn lực. Đồng thời, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (Nghị định 32/2019) hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng để được ban hành trong thời gian sắp tới. Đáng chú ý, Dự thảo này bao gồm một số sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến cơ chế đặt hàng sản phẩm, dịch vụ công ích sử dụng ngân sách nhà nước – một trong những vấn đề còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án điện rác trên toàn quốc thời gian qua. 

Một là, bổ sung Điều 29a Luật Đấu thầu về hình thức đặt hàng và giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.  

Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, khắc phục những vướng mắc trong việc tổ chức đấu thầu, đặt hàng sản phẩm, dịch vụ công ích đối với một số lĩnh vực đặc thù. 

Ba là, bổ sung quy trình đặt hàng để đảm bảo thuận lợi trong triển khai thực hiện theo ý kiến đề xuất của các Bộ, địa phương với quy trình đơn giản, chỉ cần lập, phê duyệt phương án đặt hàng, ký hợp đồng đặt hàng/phê duyệt quyết định đặt hàng sản phẩm, dịch vụ công ích. 

Bốn là, bổ sung về nguyên tắc lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công (bao gồm sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công) theo nguyên tắc phù hợp với Điều 29b Luật Đấu thầu. 

Năm là, dự thảo Nghị định chỉnh lý kỹ thuật một số quy định tại Nghị định 32/2019 nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các nội dung đã được sửa đổi tại Luật số 90. 


Ảnh: Quy trình đặt hàng cung cấp dịch vụ theo Dự thảo Nghị định thay thế/sửa đổi Nghị định số 24/2024/NĐ-CP 


Trong các sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị định nêu trên, nổi bật là quy định sửa đổi về điều kiện đặt hàng sản phẩm, dịch vụ công ích tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Nghị định, được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ các rào cản pháp lý hiện tại, qua đó thúc đẩy hiệu quả thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực đặc thù về môi trường, chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam hiện nay. 

Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 32/2019 về điều kiện đặt hàng, thì có đến 2 trên 3 điều kiện khó có thể áp dụng đối với một số dự án cần được đảm bảo tính dài hạn của việc cung ứng sản phẩm/dịch vụ công ích (ví dụ như các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện hiện nay như khó chứng minh được tính đặc thù liên quan đến sở hữu trí tuệ hoặc chỉ có một nhà cung cấp đăng ký thực hiện; hay vướng mắc về việc chỉ có thể đặt hàng khi đã có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Dự thảo Nghị định sửa đổi đã làm rõ tiêu chí xác định về điều kiện “chỉ có một nhà cung cấp đăng ký thực hiện” theo hướng quy định rõ nét hơn hoặc chỉ cần xác định có nhà cung cấp nhận đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đảm bảo đáp ứng được chất lượng, tiến độ và hiệu quả đặt hàng [2]. Ngoài ra, điều kiện “phải có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công do cơ quan có thẩm quyền ban hành làm cơ sở để đặt hàng” đã bị bãi bỏ và thay thế bằng “điều kiện đặt hàng khác theo quy định của pháp luật liên quan (nếu có)” để đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với quy định pháp luật chuyên ngành khác.  

Như vậy, mặc dù việc điều chỉnh trong dự thảo Nghị định đã phần nào tháo gỡ khó khăn, song các dự án điện rác vẫn chưa được giải quyết triệt để do thiếu hướng dẫn cụ thể cho đấu thầu và thiếu định mức kinh tế kỹ thuật cho loại hình này. Để tháo gỡ các rào cản pháp lý và nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án điện rác tại Việt Nam, chúng tôi cho rằng cần bổ sung các cơ chế đặc thù và văn bản quy phạm cho phép được áp dụng theo hình thức đặt hàng dịch vụ xử lý CTRSH đối với các dự án điện rác. Điều này sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả kinh tế và phù hợp với quy định về quản lý ngân sách Nhà nước. 

Ls. Hoàng Thị Phương Lan, Ls. TrầnTố Uyên, Nguyễn Tuấn Linh – Công ty Luật TNHH Vietthink 

#Luatbaovemoitruong #Luat90/2025/QH15 #Luatdauthau #Wastetoenergy #Dienrac #Dotracphatdien #Dauthau #Dathang