"Chặt hơn” các quy định về lao động nước ngoài làm việc Tại Việt Nam
Ngày 01/4/2016 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 03/2/2016 đã có hiệu lực thi hành. Sau hơn một tuần triển khai thực hiện, Nghị định đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi tích cực về những quy định khá chi tiết, rõ ràng và chặt chẽ, “gỡ rối” được những bất cập trước đây.

Nghị định 11/2016/NĐ-CP đã xác định lại đối tượng áp dụng, đã mở rộng bao quát và cũng cụ thể hơn, theo đó người lao động nước ngoài là người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, tình nguyện viên, chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành và lao động kỹ thuật, đồng thời xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài; Xác định việc sử dụng người lao động nước ngoài của các nhà thầu và mở rộng các quy định đối với trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
  
Lao động nước ngoài tại Việt Nam (ảnh minh họa).
Nghị định 11/2016/NĐ-CP áp dụng với lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo các hình thức rất đa dạng: Thực hiện hợp đồng lao động; Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; Thực hiện các loại hợp đồng hoặc thỏa thuận về kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học kỹ thuật, văn hóa, thể thao, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và y tế; Nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng; Chào bán dịch vụ; Làm việc cho tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam được phép hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tình nguyện viên; Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại; Nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật tham gia thực hiện các gói thầu, dự án tại Việt Nam. Người sử dụng lao động nước ngoài bao gồm: Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hoặc theo điều ước Quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Nhà thầu nước ngoài hoặc trong nước tham dự thầu, thực hiện hợp đồng; văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập; Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp; Tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Tổ chức sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật; Văn phòng của dự án nước ngoài hoặc của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc của nhà thầu nước ngoài được đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật; Các tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã; hội, hiệp hội được thành lập theo quy định của pháp luật; Hộ kinh doanh, cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật. 

Về thời hạn của giấy phép lao động, Nghị định 11/2016/NĐ-CP nêu rõ: Thời hạn của giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của các trường hợp lao động nhưng không quá 2 năm.

Cũng theo nội dung Nghị định số 11/2016/NĐ-CP, sẽ xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động; trình tự cấp phép, cấp lại giấy phép cho lao động và thời hạn của giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của các trường hợp được quy định cụ thể trong nghị định. Đồng thời, Nghị định cũng quy định giấy phép lao động hết hiệu lực theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 7 và 8 Điều 174 Bộ luật Lao động và trục xuất người lao động nước ngoài. Theo đó, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động, hoặc không có văn bản xác nhận không thuộc  diện cấp giấy phép lao động tức là trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị trục xuất theo quy định.

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và xã hội, tính đến tháng 12-2014, Việt Nam có 76.309 lao động nước ngoài đang làm việc. Trong đó, số lao động không thuộc diện cấp phép lao động là 5.610 người, chiếm 7,35%. Lao động nước ngoài đến từ 74 quốc gia (người có quốc tịch châu Á chiếm 58%, quốc tịch châu Âu chiếm 28,5%). Vì vậy, việc tăng cường sự quản lý nhà nước đối với các đối tượng này là rất cần thiết, tận dụng được trí tuệ cũng như công nghệ của đa quốc gia vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời gián tiếp thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác phát triển như đầu tư, tài chính,…

Sự rõ ràng trong các quy định về Người lao động nước ngoài tại Việt Nam như trên đã khắc phục được những hạn chế và những “hiểu nhầm”, “hiểu sai” luật trong thời gian qua, tạo nên những thuận lợi nhất định và khuyến khích người lao động sang làm việc tại Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Thị Phương – Công ty Luật Vietthink