Giải pháp đăng ký giảm vốn phát hành thêm của công ty cổ phần
Từ bất cập trong phương án xử lý vốn góp theo tỷ lệ vốn thực góp của Luật Doanh nghiệp 2005

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, cổ đông sáng lập phải góp đủ số vốn đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ khi công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Quá thời hạn 90 ngày mà các cổ đông sáng lập không thanh toán đủ số vốn đăng ký mua và số vốn chưa được thanh toán không thể được xử lý theo các phương án nêu tại Khoản 3 Điều 84 thì Doanh nghiệp chỉ có thể xử lý phần vốn đó theo Khoản 4 Điều 84 như sau: "Trường hợp các cổ đông sáng lập không đăng ký mua hết số cổ phần được quyền chào bán thì số cổ phần còn lại phải được chào bán và bán hết trong thời hạn ba năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh".
 
Nói theo cách khác, Luật Doanh nghiệp 2005 không cho phép Công ty cổ phần, trong vòng 03 năm kể từ ngày thành lập, được đăng ký điều chỉnh giảm vốn điều lệ nếu như các cổ đông và công ty không thể thanh toán đủ số vốn đã đăng ký mua, ngay cả khi đã dùng mọi biện pháp theo quy định tại Khoản 3 Điều 84 mà không thể thanh toán đủ vốn đăng ký. Tuy nhiên, thực tiễn chứng minh không ít doanh nghiệp có lí do chính đáng để điều chỉnh giảm vốn điều lệ mà không có cơ sở pháp lý để thực hiện. Ví dụ đơn cử các trường hợp như sau:

- Các cổ đông chưa góp đủ trong thời hạn 03 năm, nhưng Doanh nghiệp sau một thời gian hoạt động cũng không còn nhu cầu vốn như tại thời điểm đăng ký thành lập, muốn đăng ký điều chỉnh giảm vốn mà không có cơ chế để thực hiện; hay

- Các cổ đông không đủ năng lực tài chính để góp đủ vốn đã cam kết hoặc đơn phương muốn từ bỏ quyền góp vốn thành lập doanh nghiệp mà các cổ đông còn lại không còn khả năng và nhu cầu đăng ký mua số vốn chưa góp; hoặc Công ty đã kêu gọi, huy động người ngoài nhận góp đủ số vốn đăng ký mua mà không khả thi;...

Trong các trường hợp đơn cử nêu trên, việc thiếu quy định về phương pháp xử lý, giải quyết phần vốn chưa góp đủ của luật Doanh nghiệp 2005 vô hình chung trở thành rào cản khiến Doanh nghiệp không thể ghi nhận đúng giá trị thực góp của các cổ đông, chấp nhận tiếp tục duy trì “vốn ảo” ngay cả khi có nhu cầu chính đáng trong việc giảm vốn điều lệ, khiến tình trạng kê khai vốn không thể kiểm soát và không đảm bảo minh bạch.

...Đến kỳ vọng xoá bỏ rào cản của Luật Doanh nghiệp 2014 và câu chuyện "vẫn thiếu hướng dẫn thi hành"

Khắc phục bất cập trên, Luật doanh nghiệp 2014 có quy định mới về phương án ghi nhận tỷ lệ vốn thực góp và phương án xử lý phần vốn chưa góp đủ theo tỷ lệ đăng ký mua tại Điều 112 như sau: 
Điểm d Khoản 3 Điều 112: "Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua...";
 
Thậm chí, vi phạm quy định trên, Doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 21 Nghị định 155/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Kể từ ngày 16/07/2016, mức phạt này sẽ tăng lên từ 1.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng tùy thuộc vào thời gian quá hạn đăng ký thay đổi theo quy định tại Điều 25 Nghị định 60/2016/NĐ-CP, thay thế cho Nghị định 155/2013/NĐ-CP. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đăng ký thay đổi các nội dung đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

Các quy định trên thể hiện nỗ lực của cơ quan lập pháp trong việc tạo hành lang pháp lý để Doanh nghiệp ghi nhận đúng giá trị vốn góp, hạn chế tình trạng kê khai và sử dụng "vốn ảo" của hàng loạt các công ty cổ phần. Tuy nhiên, nỗ lực trên có vẻ chưa thực sự chạm đích vì mặc dù đã có hàng lang pháp lý, doanh nghiệp vẫn không thể thực hiện thủ tục điều chỉnh giảm vốn điều lệ do "vẫn thiếu hướng dẫn chi tiết".

Thực tiễn ở các Phòng đăng ký kinh doanh các tỉnh, thành và địa phương là cán bộ thường xuyên trả hồ sơ đăng ký điều chỉnh giảm vốn đăng ký phát hành thêm lại cho các Công ty cổ phần với lí do: Điều 112 chỉ áp dụng cá biệt đối với trường hợp các cổ đông không góp đủ vốn đã cam kết mua tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 111; còn trường hợp Công ty đã đăng ký phát hành thêm cổ phần mà cổ đông không thanh toán đủ số vốn đăng ký mua, không thể điều chỉnh giảm vốn Điều lệ theo Điều 112 vì chưa có quy định hướng dẫn chi tiết. Trong khi đó, Doanh nghiệp nếu không điều chỉnh giảm vốn theo đúng giá trị thực góp lại có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 155/2013/NĐ-CP và đồng thời bị buộc phải đăng ký thay đổi các nội dung đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

Giải pháp gỡ rối cho doanh nghiệp 

Nhu cầu giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần, bất kể trong trường hợp không góp đủ vốn đăng ký mua lần đầu hay không thanh toán đủ số vốn đăng ký phát hành thêm, nếu chính đáng thì đều cần phải có cơ chế để thực thi, đảm bảo tính  minh bạch, công bằng trong môi trường kinh doanh và đảm bảo trật tự xã hội.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn công nhận và cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh giảm vốn điều lệ theo đúng giá trị thực góp, bất kể là vốn điều lệ tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp hay vốn đăng ký phát hành thêm. Do đó, để đảm bảo nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp, trường hợp Công ty cổ phần muốn giảm vốn phát hành thêm theo đúng giá trị vốn thực góp, Doanh nghiệp vẫn có thể viện dẫn các cơ sở pháp lý tại Điều 112 để đề nghị Cơ quan đăng ký kinh doanh chấp thuận điều chỉnh giảm vốn. Theo đó, quy định về việc "thanh toán cổ phần đã đăng ký mua khi đăng ký doanh nghiệp" phải được hiểu là bao gồm cả thanh toán cổ phần đã "đăng ký thành lập mới" và "đăng ký điều chỉnh" nội dung đăng ký kinh doanh.

Chuyên gia trong tư vấn xử lý vốn góp tại Doanh nghiệp, TS., Luật sư Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink chia sẻ: “Việc Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép công ty cổ phần được giảm vốn theo giá trị vốn thực góp là phù hợp với thực tiễn và cũng đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong môi trường kinh doanh. Để gỡ rối cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai hướng dẫn cụ thể từng trường hợp giảm vốn điều lệ của Doanh nghiệp, làm cơ sở để cơ quan đăng ký kinh doanh có thể tiếp nhận và giải quyết yêu cầu chính đáng của Doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn cần thêm quy định về trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp và các cổ đông tương ứng với tỷ lệ vốn đăng ký phát hành thêm kể từ khi đăng ký tăng vốn cho đến khi điều chỉnh giảm vốn phát hành thêm, để tránh những hậu quả đáng tiếc cho xã hội và các bên thứ ba…".

Nhu cầu giảm vốn của công ty cổ phần là nhu cầu thực tế và chính đáng của Doanh nghiệp phát sinh trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Với kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp và hỗ trợ thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, Vietthink sẵn sàng tư vấn và đồng hành cùng Doanh nghiệp trong việc giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến vốn góp tại Doanh nghiệp.

Ngọc Quang - Thanh Hà