Đáng lẽ Luật Đầu tư chỉ điều chỉnh việc cấp giấy chứng nhận đầu tư nhằm xác nhận ưu đãi mà dự án được hưởng, nhưng trên thực tế lại lấn sang cả việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp bằng một quy định: giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Như vậy, theo ông Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K & Cộng sự, Luật Đầu tư đã điều chỉnh cả việc thành lập một doanh nghiệp, lấn sân Luật Doanh nghiệp gây ra những vướng mắc rất khó giải quyết.
"Chẳng hạn như một doanh nghiệp có giấy chứng nhận đầu tư có thay đổi đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh được hay không? Đây là một câu hỏi rất khó trả lời vì trong con mắt của Luật Doanh nghiệp thì những doanh nghiệp trên chưa được cấp giấy chứng đăng ký kinh doanh", ông Khoát nói thêm.
Không chỉ Luật Đầu tư, theo ông Khoát, hiện nay có rất nhiều luật "lấn sân" Luật Doanh nghiệp bằng cách gắn giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào một giấy phép hoạt động, như Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán.
Ông lấy ví dụ: Điều 65 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, giấy phép thành lập và hoạt động đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Khoản 2 điều 59 Luật Chứng khoán quy định: Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Giấy phép này đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Theo ông Khoát, các luật chỉ cần thêm hai từ “đồng thời” là coi như hoàn thành việc vô hiệu lực từng phần Luật Doanh nghiệp để giành lấy quyền đăng ký kinh doanh cho ngành mình, làm cho Luật Doanh nghiệp đang bị "gặm nhấm".
Hệ quả tất yếu của việc này, theo ông Khoát, là sự rối loạn, không thống nhất trong việc quản lý các doanh nghiệp ở tầm vĩ mô. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì quản lý các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Bộ Tài chính thì quản lý các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm. Mỗi bộ chuyên ngành giành quyền quản lý các doanh nghiệp mà mình cấp giấy phép hoạt động bằng quy định giấy phép hoạt động đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
"Đáng lẽ ra nhiệm vụ chủ yếu của các bộ chuyên ngành này là chỉ nên dừng lại ở việc cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp, còn quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là của cơ quan đăng ký kinh doanh, phục vụ lợi ích chung cho nhà đầu tư", ông Khoát bức xúc nhấn mạnh thêm.
Theo ông Vũ Quốc Tuấn, chuyên gia kinh tế, việc chồng chéo, không tương thích giữa các luật là điều khó tránh khỏi do việc soạn thảo lại thường được tiến hành riêng rẽ. Thông thường các bộ, ngành chủ quản trực tiếp soạn thảo nên khó tránh khỏi khuynh hướng "thu dễ cho mình, đẩy khó khăn cho doanh nghiệp". Thêm vào đó, việc lấy ý kiến của doanh nghiệp, của các hiệp hội, chuyên gia... đôi khi còn mang tính hình thức.
Giấy phép con vẫn không kiểm soát nổi
Hơn một năm kể từ ngày Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có hiệu lực (ngày 1/7/2006), số lượng giấy phép con được bãi bỏ còn quá ít trong khi số giấy phép không cần thiết lại tăng thêm nhiều.
Theo báo cáo 6 tháng thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2005, tổ công tác thi hành hai luật trên đã rà soát các quy định của gần 300 loại giấy phép, kiến nghị bãi bỏ 33 giấy phép (ban đầu kiến nghị bãi bỏ 122 giấy phép, sau bớt dần), chuyển sang chế độ thông báo 9 giấy phép. Thế nhưng khi lấy ý kiến các bộ, ngành, trong số giấy phép được kiến nghị bãi bỏ, số được nhất trí chỉ chiếm gần 3%, lý do là những giấy phép đó vẫn cần thiết cho công việc quản lý của bộ, ngành đó.
Theo ông Tuấn, nếu cứ làm theo cách hỏi ý kiến các bộ, ngành như hiện nay, thì chắc chắn các bộ, ngành vẫn có đủ lý do để giữ các giấy phép lại. Trong thực tế, đã có nhiều chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành và ủy ban hành chính địa phương tự rà soát các giấy phép không cần thiết, nhưng kết quả không như mong đợi bởi nhiều lý do, như về tầm nhìn, trình độ, cũng có thể do lợi ích, "không ai tự đập vỡ niêu cơm của mình".
Hà Vy