TNV – Bộ luật dân sự năm 2015 đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.
Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng, áp dụng điều luật cũng còn có một số khó khăn, vướng mắc về nhận thức, cụ thể: Theo Khoản 1 Điều 23 quy định về Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi như sau: “Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ”.. Như vậy, quy định trong trường hợp nào được hiểu là do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì điều luật chưa quy định rõ ràng, dẫn đến gây nhầm lẫn trong quá trình áp dụng.
(Bộ luật Dân sự 2015 đã được Quốc hội thông qua tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình thực thi pháp luât) Theo Khoản 1 Điều 22 quy định rõ về trường hợp Mất năng lực hành vi dân sự như sau: “khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần”. Như vậy, để xác định người mất năng lực hành vi dân sự thì người đó phải là người có dấu hiệu về bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức được hành vi của mình, còn đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là những người sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích khác dẫn đến không kiểm soát được hành vi của mình. Nhưng đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì xác định rất khó vì người đó là người không nhận thức và làm chủ hành vi của mình nhưng lại không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, quy định không cụ thể như vậy rất khó có thể phân biệt những trường hợp nào là trường hợp mất năng lực hành vi dân sự và người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, căn cứ để xác định đối với cả hai trường hợp trên là dựa vào kết luận giám định pháp y về tâm thần.
Ví dụ thực tế đã xảy ra trường hợp như anh Nguyễn Văn Đ và chị Nguyễn Thị L kết hôn được 20 năm, mặc dù trước khi kết hôn chị L vẫn biết anh Đ bị mắc bệnh tâm thần phân liệt, thỉnh thoảng có những ngày lên cơn bệnh anh chửi bới vợ con nhưng trong quá trình chung sống anh Đ vẫn có những hành vi, cử chỉ đối xử tốt với vợ con. Khi chị L gửi đơn xin ly hôn ra Tòa án, anh Đ xuất trình bệnh án và Tòa ra quyết định yêu cầu giám định tâm thần đối với anh Đ. Sau đó Hội đồng giám định đã ra kết luận anh Đ mắc bệnh tâm thần phân liệt, căn cứ vào kết luận giám định trên Tòa án ra quyết định Mất năng lực hành vi đối với anh Đ và chỉ định con trai anh Đ là người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp này xảy ra 2 khả năng, xác định anh Đ là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc xác định anh Đ là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng người đã thành niên ở trong tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự là những người liệt toàn thân nhưng trí óc vẫn còn nhận thức được, người khiếm thính, khiếm thị hoặc không có khả năng nói được, tuy nhiên những người thuộc trường hợp trên họ không phải là người mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự và cũng không phải là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Bởi vì, nếu hiểu theo quy định trên thì những người này là người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Vì vậy, khi tham gia các giao dịch dân sự phải thông qua người giám hộ, người đại diện theo pháp luật. Còn đối với người khiếm thính, khiếm thị, không có khả năng nói họ vẫn nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, họ thực hiện các giao dịch dân sự qua ngôn ngữ, ký hiệu, chữ giành riêng cho người khuyết tật.
Điều 20 Bộ luật tố tụng dân sự có quy định về việc người khuyết tật nghe, nói, nhìn khi tham gia tố tụng dân sự, những người này vẫn tham gia tố tụng như những đương sự bình thường thông qua người có khả năng biết được ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại. Như vậy, người khuyết tật về nghe, nói, nhìn vẫn có thể trực tiếp tham gia các giao dịch dân sự bình thường mà không cần người giám hộ hay người đại diện theo pháp luật.
Như vậy, cần xác định rõ đối với các trường hợp nêu trên để khi thực hiên giao dịch dân sự vì đối với người mất năng lực hành vi dân sự thì mọi giao dịch phải thông qua người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo pháp luật chỉ tiến hành giao dịch dân sự trong phạm vi được đại diện, họ nhân danh quyền và lợi ích của người khác và thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện, còn đối với người Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì thông qua người giám hộ, đối với người giám hộ họ đồng thời là người đại diện trong các giao dịch dân sự trừ một số trường hợp pháp luật có quy định khác. Ngoài ra, họ có quyền sử dụng tài sản của người được giám hộ để chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ. Từ ví dụ nêu trên nếu Tòa án tuyên anh Đ là người mất năng lực hành vi dân sự thì mọi giao dịch dân sự của anh Đ sẽ phải thông qua người đại diện theo pháp luật, trong trường hợp tòa án tuyên anh Đ là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì khi tham gia giao dịch dân sự của anh Đ đều thông qua người giám hộ và người giám hộ chỉ thực hiện giao dịch dân sự cho anh Đ trong phạm vi đã được xác định trong Quyết định của cơ quan tòa án như vậy người giám hộ không hoàn toàn quyết định các giao dịch dân sự của anh Đ mà chỉ được tham gia thực hiện những giao dịch được xác định trong quyết định của tòa án .
Nhằm việc áp dụng, thực thi pháp luật được chính xác, đồng thời quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự khi tham gia tố tụng không bị hạn chế, Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, có quy định cụ thể trong các trường hợp thế nào là người có tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự.
ThS. Phạm Thị Ngọc – Công ty Luật TNHH Viethink và Nhóm Tác giả
Trích Báo Thanh Niên Việt (http://thanhnienviet.vn/vuong-mac-ve-nguoi-co-kho-khan-trong-nhan-thuc-lam-chu-hanh-vi-theo-bo-luat-dan-su-2015-va-kien-nghi-hoan-thien/)