Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Ép buộc vợ, người yêu "quan hệ" có phạm tội?

Vụ án sát hại bạn trai do bị “đòi yêu lần 2” xảy ra tại tỉnh Phú Thọ những ngày gần đây đang nhận được sự quan tâm của dư luận, trong đó có nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia pháp lý, luật sư xung quanh dấu hiệu hình sự và tội danh liên quan đến hành vi của nghi can Nguyễn Thị Thực.
Nhiều luật sư cho rằng, hành vi “đòi yêu lần 2” của nghi can Nguyễn Thị Thực không cấu thành tội hiếp dâm vì trước đó Thực đã đồng ý quan hệ và hiện tại không có bằng chứng chứng minh lần thứ 2 Thực không đồng ý vì bạn trai của Thực đã chết.
Đánh giá về vụ việc này, Luật sư Tạ Anh Tuấn, Trưởng phòng Tranh tụng – Công ty Luật TNHH Vietthink (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Theo như lời khai của nghi can và các tài liệu ban đầu cơ quan điều tra thu thập được thì hành vi của Thực bóp cổ nạn nhân (bạn trai) dẫn đến tử vong do bị nạn nhân đòi “yêu” lần 2 rõ ràng có dấu hiệu phạm tội “Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo Điều 95 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Luật sư Tạ Anh Tuấn - Công ty luật TNHH Vietthink

Luật sư Tuấn phân tích: Dấu hiệu cấu thành tội danh này là người thực hiện hành vi phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân. Theo tài liệu điều tra ban đầu thì Thực và nạn nhân đã tự nguyện “quan hệ” lần thứ nhất sau đó cả hai cùng ngủ. Khi tỉnh dậy, nạn nhân tiếp tục đòi “quan hệ” lần thứ hai nhưng Thực không đồng ý. Nạn nhân có hành động ép buộc Thực cho quan hệ bằng hành vi bóp cổ Thực, hai bên giằng co, Thực chống trả bằng cách ngồi lên bụng nạn nhân và bóp cổ nạn nhân đến chết....

Như vậy, trong vụ án mặc dù việc “quan hệ” lần thứ nhất giữa hai người là hoàn toàn tự nguyện không có sự miễn cưỡng, ép buộc, tuy nhiên ở lần thứ hai khi nạn nhân đòi “quan hệ” nhưng Thực không đồng ý (có thể do mệt mỏi hoặc buồn ngủ, không thoải mái về tâm lý…), nạn nhân đã có hành vi bóp cổ Thực ép buộc cho quan hệ tình dục trái ý muốn của Thực, hành vi của nạn nhân là trái pháp luật và có dấu hiệu của tội hiếp dâm. Rõ ràng hành vi trái pháp luật của nạn nhân là nguyên nhân chính tác động trực tiếp đến trạng thái tâm lý của Thực khiến Thực bức xúc mất kiểm soát hành vi và có hành động phản ứng quyết liệt gây ra cái chết cho nạn nhân.

Luật sư Tạ Anh Tuấn cũng cho rằng, trong các mối quan hệ vợ chồng, người yêu, nếu đối phương không đồng ý “hợp tác yêu” thì không nên ép buộc miễn cưỡng vì có thể cấu thành tội hiếp dâm. Pháp luật quy định như vậy là nhằm mục đích nhân đạo, tôn trọng nhân quyền, bảo vệ phụ nữ - phái yếu trong xã hội.
Tuy nhiên, Luật sư Tuấn cũng cho rằng đây là một vụ việc có nhiều uẩn khúc. Lời khai ban đầu của nghi can và tài liệu điều tra có thể chưa phù hợp với thực tế khách quan. Để xác định sự thật khách quan của vụ án, cơ quan điều tra cần thiết tiến hành khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra dựng lại hiện trường xem lời khai của Thực có phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án hay không? Trên cơ sở đó mới có đủ căn cứ để xác định đúng bản chất hành vi phạm tội của Thực cũng như định tội danh một cách chính xác.
Trước đó, vào khoảng 21h ngày 6/2, Thực cùng Hà đến nghĩa trang khu 1, xã Tứ Xã, quan hệ tình cảm với nhau rồi đi ngủ.
Lúc thức dậy, Hà tiếp tục yêu cầu Thực cho quan hệ thêm một lần nữa nhưng Thực không đồng ý và Hà đã dùng tay bóp cổ Thực.
Bị người tình bóp cổ “đòi yêu”, Thực vùng dậy ngồi lên bụng của Hà rồi dùng tay bóp cổ cho đến khi Hà không còn cử động được nữa.
Để kiểm tra xem Hà còn sống hay đã chết, Thực dùng tay tát mặt mặt Hà nhưng không thấy động tĩnh gì. Sợ bị phát hiện, Thực kéo xác Hà theo lối đường xuống khu mộ và đặt nằm tại đây. Tiếp đó, đối tượng dùng chiếu đắp kín lên người Hà rồi bỏ đi lang thang.
Đến ngày 7/2, Thực quay lại nghĩa trang bỏ chiếu đắp trên người Hà kiểm tra và phát hiện có máu trên mặt của Hà nên đi về nhà. Đến khoảng 16h ngày 8/2, Thực nói dối với mẹ đẻ rằng Hà đã bị hai đối tượng nghiện bóp cổ chết ở nghĩa trang xã Tứ Xã.
Điều 95 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
1.  Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2.  Giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
Vietthink News

Trích dẫn từ Báo Đời Sống Pháp Luật OnLine (http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/ep-buoc-vo-nguoi-yeu-quan-he-co-pham-toi-a181012.html)
Cập nhật: 10/04/2017
Lượt xem:5647