Tin Liên Quan

Vietthink's Brochure 2017

IP Brochure

Quay lại Bản in
Cỡ chữ

MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ VỀ ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU TẠI VIỆT NAM

Như chúng ta đã biết, chức năng chính và bản chất của nhãn hiệu là để người tiêu dùng phân biệt một sản phẩm (hàng hóa hay dịch vụ) của các cá nhân/pháp nhân này với cá nhân/pháp nhân khác. Chính vì vậy, việc bảo hộ nhãn hiệu (hay còn gọi là xác lập quyền của chủ sở hữu với nhãn hiệu) và tạo cho mình một nhãn hiệu mang “tính khác biệt và độc nhất” giữa các nhãn hiệu của các đối thủ cạnh tranh có thể coi được là việc quan trọng nhất ngay từ thời điểm khởi đầu việc kinh doanh, để người tiêu dùng nhận ra mình trong muôn vàn các nhãn hiệu trên thị trường. Để làm được điều này, các chủ sở hữu bắt buộc phải chú trọng đầu tư vào việc tìm ý tưởng, thiết kế, tra cứu và tìm kiếm phương án tối ưu để tạo nên một nhãn hiệu gắn trên sản phẩm của mình vừa phải nổi bật, có khả năng phân biệt, và đặc biệt quan trọng nhất là nhãn hiệu đó phải có khả năng được bảo hộ độc quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Để giúp các cá nhân/tổ chức lựa chọn và tìm kiếm được nhãn hiệu theo đủ các tiêu chí nêu trên, các phân tích theo bài viết dưới đây sẽ lần lượt đi sâu vào từng vấn đề pháp lý liên quan đến việc bảo hộ/đăng ký nhãn hiệu theo dạng các câu hỏi thường gặp trong quá trình tư vấn để các cá nhân/pháp nhân ý thức được cơ bản về các vấn đề pháp lý về nhãn hiệu, đồng thời biết rõ về quyền cũng như phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu để bảo hộ và bảo vệ quyền của mình, tránh việc xâm phạm (vô ý hoặc cố ý) và/hoặc bị xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại Việt Nam:

1. Cơ quan nào thẩm định khả năng đăng ký nhãn hiệu?
Cục Sở hữu trí tuệ (Cục SHTT) trực thuộc Bộ Khoa học Công nghệ là Cơ quan thẩm định khả năng đăng ký nhãn hiệu và cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Cục SHTT hiện đang có 03 địa chỉ sau:
- TRỤ SỞ CỤC SHTT TẠI HÀ NỘI
Số 386 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
- VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỤC SHTT TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 - 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
- VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỤC SHTT TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành p hố Đà Nẵng.

2. Nhãn hiệu chỉ là chữ có được không hay bắt buộc phải có logo?
Nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc. Tức là nhãn hiệu được bảo hộ có thể là dấu hiệu (với màu sắc bất kì) chỉ bao gồm chữ hoặc chỉ bao gồm hình (hay được các chủ sở hữu hiểu là logo), hoặc kết hợp giữa phần chữ và phần hình.

Ví dụ: Tất cả các dấu hiệu sau đều được coi là nhãn hiệu:
 
3. Ai có thể đăng ký nhãn hiệu?
  • Bất kì cá nhân/pháp nhân nào đều có quyền đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam. Tức là chủ sở hữu nhãn hiệu có thể là cá nhân (tên và địa chỉ đầy đủ từ số nhà, phố, phường, quận/huyện, quốc gia), nhiều cá nhân (đồng chủ sở hữu) hoặc pháp nhân (công ty, tổ chức được thành lập hợp pháp), nhiều pháp nhân (đồng chủ sở hữu);
  • Các cá nhân/pháp nhân đề cập ở trên có thể có quốc tịch Việt Nam và nước ngoài, không giới hạn quốc gia nào;
  • Nếu cá nhân/pháp nhân có quốc tịch Việt Nam thì có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu trực tiếp với trụ sở hoặc chi nhánh của Cục SHTT. Nếu cá nhân/pháp nhân có quốc tịch nước ngoài thì không được nộp đơn trực tiếp với Cục SHTT mà phải uỷ quyền cho 01 tổ chức đại diện Sở hữu công nghiệp đã được Cục SHTT ghi nhận và công bố trên website http://www.noip.gov.vn/ thay mặt mình làm việc với Cục SHTT.
4. Có giới hạn số lượng nhãn hiệu được đăng ký không?
Bất kì cá nhân/pháp nhân nào đều có thể đăng ký nhãn hiệu và không có quy định giới hạn số lượng nhãn hiệu được đăng ký bởi 01 chủ đơn/chủ sở hữu. Tức là số lượng nhãn hiệu được đăng ký hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến chủ quan và mong muốn của mỗi chủ đơn/chủ sở hữu.

5. Nhãn hiệu có phải là thương hiệu không?

Luật SHTT quy định đối tượng bảo hộ là nhãn hiệu, không có đối tượng bảo hộ là thương hiệu. Tuy nhiên nhãn hiệu và thương hiệu lại luôn gắn với nhau, tại sao lại như vậy? Nhãn hiệu khi được bảo hộ và được kinh doanh trên thị trường, đi kèm với các nhận diện khác có thể kể đến, nhưng không giới hạn ở, bao bì sản phẩm hoặc thiết kế quảng bá dịch vụ, đồng phục, bộ nhận diện văn phòng, các hình ảnh quảng cáo, chất lượng sản phẩm/dịch vụ được ghi nhận…tạo nên một thương hiệu. Hay nói cách khác, nhãn hiệu khi đi cùng với chủ sở hữu và gắn với các chỉ dẫn thương mại cùng với các đặc trưng khác tạo nên thương hiệu của chủ sở hữu, tạo sự phân biệt giữa sản phẩm/dịch vụ của chủ sở hữu đó với các sản phẩm/dịch vụ của các chủ sở hữu khác. Tức là khái niệm thương hiệu có thể được hiểu là luôn gắn với nhãn hiệu nhưng lại rộng hơn nhãn hiệu; nhưng nếu không có nhãn hiệu thì không thể tạo dựng được thương hiệu.

6. Phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu như thế nào?
  • Khi kinh doanh và đăng ký kinh doanh, chủ doanh nghiệp đều phải xác định rõ về ngành nghề kinh doanh và các ngành nghề này được phân vào các mã ngành nghề theo quy định. Tương tự như vậy, nhãn hiệu khi được bảo hộ sẽ được bảo hộ cho các sản phẩm/dịch vụ cụ thể và các sản phẩm/dịch vụ này được phân nhóm theo quy định (Việt Nam hiện đang áp dụng bảng phân loại sản phẩm/dịch vụ Quốc tế Nice, chưa tham gia Thỏa ước Nice);
  • Khi được bảo hộ, nhãn hiệu sẽ được bảo hộ độc quyền cho các sản phẩm/dịch vụ đã đăng ký như phân nhóm. Ngoài ra phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đã đăng ký có thể bao trùm thêm các sản phẩm/dịch vụ liên quan hoặc tương tự gần.
Ví dụ, nhãn hiệu “  ” hay “ ” đã được bảo hộ cho các dịch vụ “Đánh giá kinh doanh; hỗ trợ quản lý kinh doanh; khảo sát kinh doanh thương mại; tư vấn tổ chức kinh doanh; dịch vụ tái lập kinh doanh; dịch vụ cố vấn điều hành kinh doanh; quảng cáo; tổ chức triển lãm cho mục đích thương mại hoặc quảng cáo; dịch vụ giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện truyền thông, cho mục đích bán lẻ; quan hệ công chúng; xuất bản tài liệu quảng cáo” thuộc Nhóm 35, “Phân tích tài chính; đầu tư vốn; tư vấn tài chính; định giá tài chính [bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản]; môi giới chứng khoán và trái phiếu; quản lý tài chính” thuộc Nhóm 36, “Tổ chức và điều khiển hội thảo [tập huấn]; tổ chức và điều khiển hội nghị chuyên đề; tổ chức triển lãm cho mục đích văn hóa hoặc giáo dục; tổ chức các cuộc thi [giáo dục hoặc giải trí]; sản xuất các chương trình phát thanh và truyền hình; xuất bản sách và báo điện tử trực tuyến” thuộc Nhóm 41“Tư vấn về sở hữu trí tuệ; dịch vụ li-xăng sở hữu trí tuệ; dịch vụ tranh tụng; dịch vụ hoà giải; dịch vụ trọng tài phân xử; dịch vụ giải quyết tranh chấp ngoài tòa án; dịch vụ nghiên cứu pháp luật; dịch vụ giám sát sở hữu trí tuệ; tư vấn trong lĩnh vực an ninh; quản lý quyền tác giả” thuộc Nhóm 45, tức là chỉ được bảo hộ cho các dịch vụ liệt kê thuộc Nhóm 35, 36, 41 & 45 nêu trên. Hay nói cách khác, chủ sở hữu các nhãn hiệu này không có quyền ngăn chặn bất kì cá nhân/pháp nhân nào sử dụng và đăng ký phần chữ VIETTHINK hay logo ở trên cho các sản phẩm/dịch vụ không liên quan khác, ví dụ như sản phẩm/dịch vụ liên quan đến quần áo, giày dép, mũ nón, hoa quả tươi, sữa, đường, đồ uống, dịch vụ nhà hàng ăn uống, dịch vụ chiếu phim, dịch vụ làm đẹp…
Tuy nhiên, theo quy định, có một số trường hợp đặc biệt là nhãn hiệu nổi tiếng được nhiều người biết đến tại Việt Nam và nước ngoài thì phạm vi bảo hộ rộng hơn rất nhiều và được Cục SHTT công nhận điều đó thì phạm vi bảo hộ bao trùm các sản phẩm/dịch vụ khác mặc dù chưa được đăng ký hoặc không được đăng ký tại Việt Nam. Ví dụ như nhãn hiệu “COCA COLA” hay “" thuộc sở hữu của THE COCA COLA COMPANY chỉ đăng ký bảo hộ tại Việt Nam cho các sản phẩm “Toàn bộ hàng hóa nhóm này kể cả bia, nước khoáng, nước ga và các loại đồ uống không có cồn; đồ uống hoa quả và nước ép hoa quả, xi rô và các chế phẩm khác để làm đồ uống” thuộc Nhóm 32 nhưng Cục SHTT sẽ từ chối tất cả các nhãn hiệu COCA COLA được nộp đơn dưới tên chủ sở hữu khác cho các sản phẩm/dịch vụ khác bởi:
  • Nhãn hiệu COCA COLA được thừa nhận là nhãn hiệu nổi tiếng; và do đó
  • Việc bảo hộ nhãn hiệu COCA COLA dưới tên chủ sở hữu khác sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc/xuất xứ sản phẩm mang nhãn hiệu COCA COLA, cụ thể là vì độ phủ sóng quá rộng của nhãn hiệu nổi tiếng, người tiêu dùng sẽ hiểu rằng tất cả các sản phẩm khác mang nhãn hiệu COCA COLA cũng được cung cấp bởi THE COCA COLA COMPANY, do đó không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ đã quy định tại điểm g) và i) Khoản 2 Điều 741 Luật SHTT 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019. Việc bảo hộ này, nếu có, chắc chắn gây thiệt hại trực tiếp cho người tiêu dùng và ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của nhãn hiệu đã được thừa nhận là nổi tiếng.
7. Thời gian bảo hộ là bao lâu?
  • Nhãn hiệu khi được bảo hộ sẽ có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn;
  • Hiệu lực của nhãn hiệu có thể được gia hạn nhiều lần, không giới hạn số lần, mỗi lần gia hạn là cho 10 năm;
  • Để gia hạn hiệu lực chủ sở hữu cần nộp yêu cầu gia hạn và đóng phí, lệ phí theo quy định.
8. Thời gian để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là bao lâu? Quá trình thực hiện việc thẩm định diễn ra như thế nào?
  • Nhãn hiệu sẽ được thẩm định theo quy trình như sau:
Quy trình được thể hiện một cách rút gọn:



Quy trình được thể hiện một cách đầy đủ:


 
(Nguồn ảnh: Cục SHTT) 

  • Theo quy trình trên, theo đúng luật quy định, thời gian thẩm định của nhãn hiệu thông thường, cho một đơn nhãn hiệu là 12 tháng, bao gồm:
    • Giai đoạn 1: Thẩm định hình thức: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn; 
Nếu đơn đáp ứng các quy định liên quan đến hình thức, Cục SHTT sẽ ra Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ; Nếu đơn chưa đáp ứng quy định liên quan đến hình thức, Cục SHTT sẽ ra Thông báo thiếu sót đề nghị chủ đơn sửa đổi/bổ sung để hoàn chỉnh về mặt hình thức.
    • Giai đoạn 2: Công bố: 02 tháng kể từ ngày Quyết định chấp nhận đơn;
Nhãn hiệu sau khi có Quyết định chấp nhận đơn sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp. Mục đích của việc công bố là để người thứ ba nếu có ý kiến phản đối việc bảo hộ nhãn hiệu công bố, có thể có ý kiến với Cục SHTT để xem xét; và trong thời gian này Cục SHTT cũng thẩm định nội dung (thẩm định khả năng đăng ký của nhãn hiệu).
    • Giai đoạn 3: Thẩm định nội dung: 09 tháng kể từ ngày đơn được công bố
Sau khi đơn được công bố, đơn nhãn hiệu sẽ được xem xét về khả năng đăng ký. 
Nếu nhãn hiệu đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, Cục SHTT sẽ ra Thông báo đề nghị chủ đơn đóng phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, sau khi phí được chủ đơn đóng, Cục SHTT sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Nếu nhãn hiệu không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, Cục SHTT sẽ ra Thông báo kết quả thẩm định nội dung và đưa các lý do, căn cứ từ chối và chủ đơn sẽ có một khoảng thời gian là 03 tháng để trả lời Thông báo này.
  • Mặc dù theo quy định, 12 tháng là hoàn tất việc thẩm định đơn nhãn hiệu, trên thực tế, khoảng thời gian này thường bị kéo dài từ 20-24 tháng kể từ ngày đơn được đơn với Cục SHTT.
9. Nhãn hiệu sẽ được thẩm định dựa trên tiêu chí gì?
Theo quy định của Luật SHTT 2005 bổ sung sửa đổi 2019, để đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ, nhãn hiệu cần phải:
  • Có khả năng tự phân biệt (khả năng phân biệt tự thân);
  • Có khả năng phân biệt với các nhãn hiệu đã được nộp đơn/bảo hộ trước cho các sản phẩm/dịch vụ tương tự gây nhầm lẫn.


9.1. Như thế nào thì được coi là nhãn hiệu có khả năng tự phân biệt?
Khả năng tự phân biệt hay còn được gọi là khả năng phân biệt tự thân, tự dấu hiệu đó có thể được quy định là nhãn hiệu, chưa xét đến khả năng phân biệt được hay không phân biệt được với các nhãn hiệu khác. Đây là điều kiện tiên quyết, nếu không thỏa mãn điều kiện này thì không cần xét đến điều kiện 9.2 sau đây để thẩm định khả năng đăng ký của nhãn hiệu.
Các nhãn hiệu nếu rơi vào các trường hợp như quy định tại Điều 73 và điểm a, b, c, d, đ Khoản 2 Điều 742 Luật SHTT 2005 sửa đổi bổ sung 2019 thì bị coi là không có khả năng TỰ phân biệt.


Để người đọc dễ hình dung, một số ví dụ theo đây bị coi là dấu hiệu không có khả năng phân biệt tự thân (khả năng tự phân biệt), do đó không được định nghĩa là một nhãn hiệu và không được bảo hộ tại Việt Nam:

- Dấu hiệu trái với trật tự xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh quốc gia như “BIN LADEN” hay hình ảnh   …;

- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước như “ ”, “ ”, “ ”...;

- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài như “HỒ CHÍ MINH”, “ISAAC NEWTON”, …

- Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của sản phẩm, dịch vụ như nhãn hiệu có phần chữ “sản xuất ở Châu Âu” đối với những sản phẩm không được sản xuất từ Châu Âu;

- Nhãn hiệu là tập hợp của gồm một chữ cái hoặc chỉ bao gồm chữ số, hoặc mặc dù có hai chữ cái nhưng không thể đọc được như một từ - kể cả khi có kèm theo chữ số, như “AB”, “GH8”, “CL89”, “HH”… Đây chính là trường hợp rất hay thường gặp tại Việt Nam vì các chủ sở hữu thường hay lựa chọn nhãn hiệu có 02 chữ cái mà không hề biết được rằng việc đặt tên như vậy sẽ không bảo hộ được, hoặc nếu bảo hộ dưới dạng cách điệu thì phạm vi bảo hộ rất hẹp;

- Một từ hoặc một tập hợp từ có ý nghĩa mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ nhãn hiệu như “Công ty TNHH”, “Công ty cổ phần”, “Tập đoàn”…

- Các dấu hiệu mô tả về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, tính năng sản phẩm hay các từ mô tả như tên thường gọi của sản phẩm, ví dụ như made in Vietnam, Made in USA, công nghệ Pháp, chất lượng Nhật Bản, cosmetic, mỹ phẩm, nước hoa, tuyệt vời, hoàn hảo, tốt, bền, hoặc  ,   … đều không được bảo hộ…

9.2. Như thế nào thì được coi là nhãn hiệu có khả năng phân biệt với các nhãn hiệu đã được nộp đơn/bảo hộ trước cho các sản phẩm/dịch vụ tương tự gây nhầm lẫn (Nhãn hiệu đối chứng)
Theo quy chế thẩm định nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ, khi thẩm định khả năng đăng ký của nhãn hiệu, tất cả các nhãn hiệu rơi vào các tình huống sau đây đều có khả năng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng:

• Dấu hiệu trong Nhãn hiệu dự định đăng ký trùng VÀ sản phẩm/dịch vụ trùng với Nhãn hiệu đối chứngi

• Dấu hiệu trong Nhãn hiệu dự định đăng ký trùng VÀ sản phẩm/dịch vụ tương tự với Nhãn hiệu đối chứng;

• Dấu hiệu trong Nhãn hiệu dự định đăng ký tương tự VÀ sản phẩm/dịch vụ trùng với Nhãn hiệu đối chứng;

• Dấu hiệu trong Nhãn hiệu dự định đăng ký tương tự VÀ sản phẩm/dịch vụ tương tự với Nhãn hiệu đối chứng. 

Chỉ cần Nhãn hiệu dự định đăng ký nằm trong một trong bốn trường hợp kể trên, nhãn hiệu này bị coi là không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ theo Luật SHTT, do đó, bị từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam. 

9.2.1. Đánh giá về khả năng tương tự gây nhầm lẫn giữa các nhãn hiệu về mẫu nhãn hiệu
Thông thường, khả năng này được đánh giá trên các tiêu chí là phát âm, cấu trúc, ý nghĩa và ấn tượng tổng thể. Để giúp người nộp đơn hiểu rõ hơn về sự tương tự gây nhầm lẫn của mẫu nhãn hiệu, các ví dụ và phân tích dưới đây sẽ phần nào làm sáng tỏ vấn đề này:
  • Về phát âm: Những trường hợp ví dụ sau thể hiện việc mặc dù cấu trúc và trình bày khác nhau nhưng Nhãn hiệu dự định đăng ký vẫn có phát âm tương tự gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu đối chứng, do đó Nhãn hiệu dự định đăng ký bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu đối chứng và không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ:


  • Về cấu trúc: Trường hợp ví dụ sau thể hiện việc mặc dù được thể hiện cách điệu nhưng Nhãn hiệu dự định đăng ký vẫn bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu đối chứng do cấu trúc các chữ cái tạo nên 02 nhãn hiệu đều giống nhau, cụ thể 02 nhãn hiệu đều bao gồm các chữ cái T-O-H, có dấu chấm ở giữa “T” và “OH” và do đó, đều được phát âm thành 2 âm tiết /Ti/- /oʊ/ và đều được tạo thành bởi các chữ T O và H theo cùng thứ tự sắp xếp, còn gọi là tương tự gây nhầm lẫn về cấu trúc nhãn hiệu:
 
  • Về ngữ nghĩa: Những trường hợp ví dụ sau cho thấy mặc dù được trình bày bằng ngôn ngữ khác nhau nhưng 02 Nhãn hiệu dự định đăng ký bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với Nhãn hiệu đối chứng do có cùng nghĩa, ý nghĩa và dịch nghĩa. 
Một điều cần lưu ý, theo quy định hiện hành về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và Hán được coi là những ngôn ngữ thông dụng, vì vậy mọi sự chuyển nghĩa/dịch nghĩa nhãn hiệu từ tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và Hán sang tiếng Việt hoặc ngược lại đều có thể bị đánh giá là tương tự với nhau:

 
 
hoặc 
  
  • Về ấn tượng tổng thể: 


Do Nhãn hiệu dự định đăng ký chứa hình ảnh chim bồ câu giống hệt với phần hình chim bồ câu của Nhãn hiệu đối chứng, Nhãn hiệu dự định đăng ký bị coi là tương tự gây nhầm lẫn do chúng tạo ra ấn tượng tổng thể tương tự nhau hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm/dịch vụ mang nhãn hiệu nếu sản phẩm/dịch vụ mang Nhãn hiệu dự định đăng ký tương tự với sản phẩm/dịch vụ mang Nhãn hiệu đối chứng.

9.2.2. Đánh giá khả năng tương tự gây nhầm lẫn giữa các nhãn hiệu về sản phẩm/dịch vụ tương tự/liên quan mang nhãn hiệu
Ngay cả khi 02 nhãn hiệu trùng nhau hoặc tương tự với nhau, chúng chỉ bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với nhau nếu sản phẩm/dịch vụ của nhãn hiệu dự định đăng ký có liên quan hoặc tương tự với sản phẩm/dịch vụ của Nhãn hiệu đối chứng. 

Các ví dụ dưới đây sẽ làm rõ thêm vấn đề này:

 

 

Các ví dụ nêu trên chỉ là một số ít trong rất nhiều các ví dụ cho thấy rằng để đánh giá khả năng đăng ký của 01 nhãn hiệu, Cục SHTT phải cân nhắc rất nhiều yếu tố, dựa trên căn cứ pháp luật Việt Nam và các Điều ước và Công ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, không phải vì quy trình thẩm định đơn có phần phức tạp, có thể khó hiểu khi mới tiếp cận lần đầu, mà các cá nhân/pháp nhân lại bỏ qua bước quan trọng đầu tiên trong việc bắt đầu kinh doanh, đó là việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của riêng mình cùng với đăng ký tên doanh nghiệp3, để đánh dấu mình trên thị trường một cách duy nhất, riêng biệt và quan trọng nhất là KHÔNG XÂM PHẠM quyền của bất kì chủ thể nào khác, cũng là để mặc tấm áo giáp bảo vệ mình trong suốt quá trình kinh doanh tiếp theo./.

Dương Thị Vân Anh
Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink

-------------------------------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Điều 74. 2 g) Luật SHTT 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019: Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên;
Điều 74. 2 i) Luật SHTT 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019: Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng.


(2) Điều 73. Dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu
Các dấu hiệu sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:
1. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước;
2. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;
3. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
4. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
5. Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.

Điều 74. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu
2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây: 
a) Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu;
b) Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến;
c) Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;
d) Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh;
đ) Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Luật này;

(3) Việc phân tích sự ảnh hưởng và liên quan giữa tên nhãn hiệu và tên doanh nghiệp sẽ được đề cập trong một bài viết khác, riêng biệt với bài viết này.

(i) Nhãn hiệu đối chứng: là nhãn hiệu đã được bảo hộ hoặc nộp đơn trước thời điểm nộp đơn của nhãn hiệu đang được thẩm định khả năng đăng ký.


Cập nhật: 05/07/2021
Lượt xem:98256