Tin Liên Quan

Vietthink's Brochure 2017

IP Brochure

Quay lại Bản in
Cỡ chữ

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO GIẢI ĐÁP MỘT SỐ VƯỚNG MẮC TRONG XÉT XỬ

Qua thực tiễn xét xử còn có một số vướng mắc khi giải quyết các vụ việc. Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các Tòa án, mới đây Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 163/TANDTC-PC ngày 10/9/2024 về việc giải đáp 35 vướng mắc mà Tòa án nhân dân nhận được qua công tác tổng kết thực tiễn xét xử, cụ thể:13 vướng mắc trong lĩnh vực Hình sự, Tố tụng hình sự; 04 vướng mắc trong Thi hành án hình sự; 01 vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân; 17 vướng mắc trong lĩnh vực Dân sự, Tố tụng dân sự. Bài viết này điểm qua một số vướng mắc thường gặp được Tòa án nhân dân tối cao giải đáp như sau:

 I.       Lĩnh vực Hình sự, Tố tụng hình sự

1.      Vướng mắc xét điều kiện giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người dưới 18 tuổi

Cha mẹ của người dưới 18 tuổi không thực hiện việc bồi thường nghĩa vụ dân sự theo bản án, thì người dưới 18 tuổi vẫn được giảm mức hình phạt đã tuyên. Tại Điều 63 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định điều kiện được giảm mức hình phạt đã tuyên, trong đó phải có điều kiện “Bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”. Tuy nhiên, trường hợp này là người dưới 18 tuổi phạm tội, trong bản án có tuyên cha mẹ bị cáo phải bồi thường cho bị hại, áp dụng quy định tại Điều 105 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người dưới 18 tuổi nhưng không quy định điều kiện bồi thường là một trong các điều kiện được xét giảm. Do đó, nếu cha mẹ của người dưới 18 tuổi không thực hiện việc bồi thường thì người dưới 18 tuổi vẫn được giảm mức hình phạt đã tuyên.

2.      Vướng mắc về xác định tội danh

2.1.  Nguyễn Văn A là nhân viên của cửa hàng điện thoại di động MT, do ông Trần Thanh B làm chủ, cửa hàng MT được đăng ký kinh doanh là hộ kinh doanh. Trong quá trình làm việc tại cửa hàng, Nguyễn Văn A được giao nhiệm vụ thu tiền bán thẻ điện thoại, máy điện thoại và có trách nhiệm trực tiếp quản lý tiền thu được và nộp lại cho chủ cửa hàng. Nguyễn Văn A đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, sau khi thu tiền của khách hàng, Nguyễn Văn A không nộp về cho cửa hàng mà chiếm đoạt số tiền 20.000.000 đồng. Hành vi của Nguyễn Văn A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hay “Tội tham ô tài sản”?

Hướng dẫn giải quyết vướng mắc trên như sau:

Theo quy định tại khoản 6 Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội tham ô tài sản: “6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.”

Tại khoản 1 Điều 79 Nghị quyết số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp: “1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ ...

Theo quy định tại khoản 10 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau: “10.Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.”

Như vậy, theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp. Do đó, hành vi nêu trên của Nguyễn Văn A cấu thành “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

2.2.   Trường hợp con ở cùng với cha mẹ (nhà thuộc quyền sở hữu của cha mẹ) mà đuổi cha mẹ ra khỏi nhà thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác” theo quy định tại Điều 158 BLHS không?

Hướng dẫn giải quyết vướng mắc trên như sau: Trường hợp con ở chung với cha mẹ mà đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, hành vi này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội ngược đãi hoặc hành hạ cha mẹ” theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), nếu có đủ yêu tố cấu thành tội phạm.

3.     Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội kéo dài

Đối với các tội phạm thực hiện hành vi vi phạm kéo dài thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được xác định thời điểm như sau: Trường hợp hành vi phạm tội kéo dài đã kết thúc thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ thời điểm tội phạm kết thúc. Trường hợp hành vi phạm tội kéo dài chưa kết thúc thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ thời điểm hành vi tội phạm bị phát hiện.

4.      Vướng mắc liên quan đến việc kháng cáo

Bị cáo Nguyễn Văn A bị xét xử sơ thẩm và tuyên án ngày 01/3/2023. Ngày 07/3/2023, Nguyễn Văn A kháng cáo đối với bản án sơ thẩm. Ngày 10/3/2023, Nguyễn Văn A có đơn xin rút kháng cáo. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm chưa ra thông báo về việc kháng cáo. Trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm vẫn phải chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án cấp phúc thẩm để giải quyết theo thẩm quyền.

II.     Thi hành án hình sự

Tòa án không ra quyết định thi hành án đối với quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án. Vì theo quy định tại khoản 1 Điều 364 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) về Thẩm quyền và thủ tục ra quyết định thi hành án như sau: “1. Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra quyết định thi hành án”. Do đó, Tòa án có thẩm quyền đã ra quyết định thi hành án đối với mỗi bản án có hiệu lực pháp luật, sẽ không ra quyết định thi hành án đối với quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án.

III.    Lĩnh vực Dân sự, Tố tụng dân sự

1.    Tòa án tống đạt văn bản tố tụng trong việc ủy quyền

Đương sự ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng thì Tòa án chỉ tống đạt cho người đại diện của đương sự mà không phải tống đạt cho đương sự. Tuy nhiên, trường hợp Tòa án không thể tống đạt trực tiếp cho người đại diện theo ủy quyền thì Tòa án thực hiện thủ tục niêm yết công khai quy định tại Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và tống đạt trực tiếp cho đương sự ủy quyền.

2.     Vướng mắc về thẩm quyền giải quyết sau khi chia tách, sáp nhập địa giới hành chính

Tranh chấp bất động sản được Tòa án nhân dân huyện A thụ lý, giải quyết đúng thẩm quyền theo nơi có bất động sản, tuy nhiên bản án đã bị Tòa án cấp trên hủy để xét xử lại theo thủ tục chung. Trong quá trình thụ lý, giải quyết lại vụ án, do có việc chia tách, sáp nhập địa giới hành chính nên địa chỉ bất động sản đang có tranh chấp nay thuộc về địa giới của huyện B. Vậy, Tòa án đang thụ lý, giải quyết vụ án như sau:

Tại điểm c khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ: “1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau: ... c) Đối với tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”.

Do đó, trường hợp sau khi chia tách, sáp nhập địa giới hành chính, bất động sản thuộc về địa giới của huyện khác thì cần phân biệt để giải quyết:

- Trường hợp Tòa án chưa ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án phải chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án nơi có bất động sản sau khi được chia tách, sáp nhập để giải quyết theo thẩm quyền.

- Trường hợp Tòa án đã ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Tòa án không chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án nơi có bất động sản sau khi được chia tách, sáp nhập mà tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

3.     Giải quyết khi Tòa án triệu tập nguyên đơn lần thứ hai vẫn vắng mặt

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, nếu nguyên đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, không đến Tòa án để lấy lời khai hoặc tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án giải quyết như sau:

Tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự:

1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây: ... c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”.

Tại khoản 3 Điều 210 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định Trình tự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải: “3. Sau khi các đương sự đã trình bày xong, Thẩm phán xem xét các ý kiến, giải quyết các yêu cầu của đương sự quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp người được Tòa án triệu tập vắng mặt thì Tòa án thông báo kết quả phiên họp cho họ”.

Theo các quy định trên, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, cần phân biệt để giải quyết:

- Trường hợp nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai để lấy lời khai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trừ trường hợp họ đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan.

- Trường hợp nguyên đơn được triệu tập hợp lệ lần thứ hai để tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải mà vẫn vắng mặt thì Tòa án thông báo kết quả phiên họp cho đương sự vắng mặt. Do vậy, Tòa án vẫn tiến hành các thủ tục để giải quyết vụ án theo quy định.

4.      Vướng mắc về xác định ngày chết của người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết

Khi giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, Tòa án xác định ngày chết của người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết trong trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 71 của Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 71 của Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây: ... d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này”.

Khi giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết quy định tại điều Luật nêu trên thì Tòa án xác định ngày chết của người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết được xác định là ngày đầu tiên kế tiếp của ngày kết thúc thời hạn 05 năm liền kể từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng. Việc xác định thời điểm kết thúc thời hạn được thực hiện theo quy định tại Điều 148 của Bộ luật Dân sự 2015.

Trên đây là giải đáp một số vướng mắc trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân tối cao để các Tòa án nghiên cứu, tham khảo vận dụng trong quá trình giải quyết vụ việc theo thẩm quyền.

Ma Thùy Linh - Công ty Luật TNHH Vietthink
Cập nhật: 02/01/2025
Lượt xem:1282