Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Bạo lực gia đình – Từ sự lệch lạc trong tư tưởng đến các hành vi phạm tội nguy hiểm

Đề cao sự quan trọng, cấp thiết của vấn nạn bạo lực gia đình, Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), sửa đổi, bổ sung nội dung 42 điều, xây dựng mới 17 điều, bỏ 3 điều; tăng 16 điều so với Luật hiện hành. Tại phiên họp thứ 10 ngày 16/4/2022 và ngày 14/6/2022 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) (“Luật PCBLGĐ”).

1. Nguyên nhân và thực trạng bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình luôn gây là vấn nạn gây bức xúc trong xã hội. Tại Việt Nam, con số liên quan đến bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện chỉ ra rằng gần 63% phụ nữ từng kết hôn hoặc có chồng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực bởi chồng/bạn tình vào một thời điểm nào đó trong đời. 

1.1. Nguyên nhân
Những người có hành vi bạo lực gia đình đều là những người lệch lạc trong suy nghĩ, gốc rễ dẫn đến hành vi của họ là do yếu tố nhận thức. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi đó nhưng có thể phân ra thành nguyên nhân về tư tưởng, nguyên nhân về văn hoá, yếu tố kinh tế, yếu tố luật pháp. Kết quả của hành vi bạo lực gia đình thường được thể hiện dưới các hình thức chủ yếu là bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục. 

Từ góc độ cá nhân, một trong những nguyên nhân được đề cập tới nhiều nhất là xuất phát từ người có hành vi bạo lực. Hành vi bạo lực gia đình của họ thường khởi phát từ nhiều lý do tình trạng tâm lý xã hội như thái độ, nhận thức hay trải nghiệm quá khứ. Trong đó, tư duy bất bình đẳng giới, thái độ gia trưởng, tư tưởng trọng nam khinh nữ ở một số nam giới khiến họ tin vào quyền lực của mình để đòi hỏi mọi người trong gia đình đặc biệt là người vợ phải tuân thủ yêu sách của họ. Những người này thường đòi hỏi sự hoàn hảo đối với các thành viên trong gia đình và vì vậy họ thường đưa ra sự kiểm soát gắt gao và những kỷ luật nặng nề. Nếu thành viên nào trong gia đình không làm theo thì họ sẵn sàng phạt. Ví dụ như họ đưa ra yêu cầu cho con cái về kết quả học tập phải cao, người vợ phải hoàn hảo trong nội trợ hay ứng xử… Những người khi còn nhỏ đã bị bạo lực hay chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình thì khi lớn lên họ thường có xu hướng bạo lực với người khác đặc biệt là với người trong gia đình. Còn nguyên nhân, bản chất của bi kịch con cái bạo hành bố mẹ, ông bà thường xuất phát từ sự bất hiếu, đua đòi theo bạn bè xấu trong xã hội, do không có tiền ăn tiêu hoặc lệch lạc trong tâm lý vì cho rằng bố mẹ có nghĩa vụ hi sinh cho con cái nhưng khi bố mẹ không để lại tài sản và cho rằng bố mẹ già yếu mà vẫn phải chăm sóc, trở thành gánh nặng nên đã có những lời nói nhục mạ, chửi bới và nghiêm trọng hơn là đánh đập bố mẹ gây thương tích nặng nề hoặc chết người.

1.2. Thực trạng hiện nay
Bạo lực của người chồng đối với người vợ trong gia đình có thể thấy là dạng bạo lực phổ biến nhất trong gia đình. Người chồng gây ra chủ yếu và lớn nhất là bạo lực về thể chất nhưng có ảnh hưởng sâu sắc, nặng nề nhất đến người vợ là gây ra những tổn thương về tâm sinh lý cho người vợ như: chửi bới, xúc phạm danh dự… hoặc có những hành vi cưỡng bức về tình dục, kiểm soát về kinh tế. Nhưng trong xã hội ngày nay, hiện tượng người vợ sử dụng bạo lực đối với chồng cũng diễn ra càng ngày càng nhiều và càng trầm trọng hơn. Bên cạnh những hành vi từ phía cha mẹ đối với con cái, thì bạo lực gia đình xuất phát từ người con đối với cha mẹ mình cũng đang ngày càng gia tăng. Một số trường hợp người trẻ tuổi gây ra những tổn thương về cả vật chất, tinh thần cho cha mẹ do sự thiếu kiềm chế, do đua đòi hư hỏng hoặc một vài lý do khác. Ví dụ như vừa qua, ngày 03/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh đang tạm giữ hình sự Kiên Được (34 tuổi, ngụ ấp Căn Nom, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh) để điều tra về hành vi giết người. Nạn nhân lại chính là mẹ ruột của Được. Sau đó, Được dùng tay, chân đánh đá và đập đầu mẹ vào tường mặc cho bà van xin, năn nỉ. Bà B. cố vùng chạy ra trước sân nhà thì bất tỉnh. Thấy vậy, Được bế mẹ vào nhà và đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong sau đó. Thông tin ban đầu, tối 30-3, sau khi nhậu về nhà, Được thấy mẹ ruột là bà TTB (68 tuổi) đang ngủ. Cho rằng mẹ là gánh nặng cho mình nên Được gọi mẹ thức dậy và hai mẹ con xảy ra cự cãi. Được sẽ phải chịu hình phạt thích đáng theo quy định pháp luật do hành vi của mình gây ra.

Còn thực trạng mẹ kế, bố dượng bạo hành con riêng của chồng, vợ là rất nhiều, gây bức xúc xã hội nên các ngành tư pháp cần đặc biệt quan tâm đối tượng này. Ví dụ như thời gian vừa qua vụ án thương tâm của bé N.T.V.A. (8 tuổi) (trú tại chung cư Saigon Pearl – phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) bị mẹ kế bạo hành dẫn đến tử vong đã chấn động dư luận. Được biết, bé A được cấp cứu trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở và đã tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện. Lực lượng chức năng xác định ông Nguyễn Kim Trung Thái (ba ruột bé A.) và vợ sắp cưới là Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi) cùng bé A sống chung tại một căn hộ. Trong thời gian sống chung, Trang thường xuyên đánh đập, hành hạ bé A., còn ông Thái có chứng kiến sự việc nhưng không can thiệp, thậm chí có lần trong lúc Trang hành hạ cháu A. thì Thái cũng có chửi mắng và đánh cháu A. Trong khoảng thời gian từ 14 đến 18h ngày 22/12/2021, Nguyễn Võ Quỳnh Trang đã liên tục đánh, đạp… khiến cháu A tử vong. Sau khi cháu A. tử vong, Thái biết Trang có đánh cháu A. nên đã có hành vi xóa bỏ dữ liệu camera của căn hộ nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Tháng 5/2022, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có Cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang (sinh năm 1995) về tội "Giết người" theo các Điểm b, n, q Khoản 1 theo Điều 123 và tội "Hành hạ người khác" theo Điểm a Khoản 2 Điều 140, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).


Nguồn ảnh: Internet

2. Hậu quả của việc bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình luôn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam và hậu quả của mỗi hành vi bạo lực gia đình trực tiếp hay gián tiếp đều tác động và ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình và trật tự xã hội: Làm tổn thương về tinh thần đối với những người bị bạo hành; Gây thương tích thân thể, thậm chí gây tử vong; Vợ chồng ly thân dẫn đến ly hôn gia đình tan vỡ; Gây nhiều hậu quả xấu và nhiều vấn nạn xã hội phải giải quyết; Ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ em. 

Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Việc đánh đập, hành hạ, gây thương tích, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình và xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc đã dẫn đến các hành vi phạm tội và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội hành hạ người khác; Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình; Tội bức tử; Tội giết người và các tội danh nghiêm trọng khác theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS 2015) về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ Luật hình sự 2015) với hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù đến 03 năm.

Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 BLHS 2015) với đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể như, thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần…. bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.

Tội bức tử (Điều 130 BLHS 2015) nếu làm cho nạn nhân bị uất ức mà tự sát, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bức tử đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 12 năm. 

3. Giải pháp để hạn chế hành vi bạo lực gia đình
Đề cao sự quan trọng, cấp thiết của vấn nạn bạo lực gia đình, tại phiên họp thứ 10 ngày 16/4/2022 và ngày 14/6/2022 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). 

Dự thảo Luật PCBLGĐ sửa đổi quy định các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ trong PCBLGĐ; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và các điều kiện bảo đảm thực hiện PCBLGĐ. Đối tượng áp dụng là người bị bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình là công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan.

Dự thảo luật cũng quy định người có nguy cơ cao gây BLGĐ là người có một trong các biểu hiện, hoàn cảnh sống sau: Đã từng có hành vi bạo lực gia đình; Có định kiến giới; Nghiện rượu, bia, ma túy và các chất gây nghiện khác; Nghiện cờ bạc, game bạo lực, văn hóa phẩm đồi trụy; Sống trong môi trường thường xuyên có bạo lực gia đình, có nhiều hủ tục cổ xúy cho bạo lực; Người không kiểm soát được hành vi bạo lực.

Dự thảo Luật PCBLGĐ cũng quy định cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần người bị bạo lực gia đình; hoặc không đến gần nhưng sử dụng các phương tiện để thực hiện hành vi bạo lực gia đình. Cấm phát tán thông tin về đời tư của người bị bạo lực gia đình là hành vi truyền bá thông tin về nhân thân, chỗ ở, nơi làm việc khi chưa được sự đồng ý của người bị bạo lực gia đình hoặc của người đại diện theo pháp luật của người đó.

Bày tỏ tán thành cao với sự cần thiết ban hành Luật PCBLGĐ (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cũng làm rõ thêm nhiều vấn đề phát sinh trong thực tiễn, hướng đến khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, qua đó hoàn thiện các quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, các Đại biểu góp ý về việc cần quy định rõ các hành vi bạo lực gia đình, cơ chế xử lý cần phù hợp với từng hành vi bạo lực và sự cần thiết phải bảo đảm sự tương xứng giữa hành vi bạo lực gia đình với các biện pháp xử lý được quy định trong luật. 

Nhìn chung, cho dù Luật quy định cụ thể hơn và có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn nhưng nếu ý thức của người dân vẫn không được nâng cao thì cũng không thể hạn chế bạo lực gia đình. Vì vậy cần nâng cao nhận thức và nắm rõ những giải pháp phòng, ngừa bạo lực gia đình với các nạn nhân bị bạo hành (cần biết một số kỹ năng để phòng tránh) như: Nhận biết các dấu hiệu mình sắp bị bạo hành; Thừa nhận người trong gia đình của mình là người gây bạo lực khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin; Lưu số điện thoại khẩn cấp của cán bộ trong khu phố, Công an địa phương, số 113 để liên hệ khi có bạo lực nghiêm trọng; Ghi nhận lại tất cả bằng chứng - ngày, giờ diễn ra bạo hành để làm căn cứ, chứng cứ chứng minh hành vi bạo lực.

Luật sư Hoàng Phương Trang – Công ty Luật TNHH Vietthink
Cập nhật: 21/07/2022
Lượt xem:6096