Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Cảnh báo những phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, tuy không mới nhưng vẫn nhiều người mắc bẫy

Các báo đài truyền thông thường xuyên cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua internet và các trang mạng xã hội, tuy nhiên, vẫn nhiều người bị mắc bẫy. Phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội như: giả mạo các cơ quan, tổ chức như Công an, Viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng; tạo lập website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, lôi kéo đầu tư kinh doanh tiền ảo; hoặc thông qua việc mua bán hàng hóa trên các website bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội và nhiều thủ đoạn khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 


Dưới đây là một số phương thức, thủ đoạn phổ biến mà tội phạm lừa đảo trên không gian mạng thực hiện nhằm chiếm đoạt tài sản mà người dân và các Doanh nghiệp cần biết để tránh là những nạn chân của hành vi này.


Nguồn ảnh: Internet


1. Thủ đoạn giả mạo các Công an, Viện kiểm sát lừa đảo chiếm đoạt tài sản 
Các đối tượng giả mạo số thuê bao của các cơ quan bảo vệ pháp luật, mạo danh là cán bộ, lãnh đạo cơ quan Công an, Viện kiểm sát đang điều tra vụ án liên quan đến nạn nhân về hành vi "rửa tiền" trong các vụ án hình sự, sau đó gửi quyết định khởi tố giả, giấy triệu tập giả qua zalo cho nạn nhân, … và đề nghị nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của cơ quan điều tra để tạm giữ phục vụ điều tra nhưng thực tế đó là tài khoản của các đối tượng lừa đảo dùng để chiếm đoạt tài sản hoặc đối tượng yêu cầu nạn nhân cài đặt và đăng nhập vào phần mềm "Hệ thống bảo vệ Bộ Công an" do đối tượng yêu cầu và hướng dẫn nhập các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, mật khẩu ngân hàng,... sau đó các đối tượng lấy cắp các thông tin và chiếm đoạt toàn bộ tiền trong tài khoản của nạn nhân bằng cách chuyển tiền bằng Internet banking.


2. Thủ đoạn lừa đảo thông qua hoạt động đầu tư kinh doanh trên sàn thương mại điện tử
Lợi dụng nhu cầu đầu tư của người dân, các đối tượng dùng thủ đoạn xây dựng các website tạo thành các sàn giao dịch tài chính, sàn thương mại điện tử, chứng khoán quốc tế (như Bigbuy24h, Binomo, coolcat, forex,…) kêu gọi đầu tư theo mô hình đa cấp có hưởng hoa hồng giới thiệu, hưởng lợi trên số tiền đầu tư dựa trên chính sách khuyến mãi, chiết khấu, ... Người đầu tư đóng tiền vào hệ thống bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản để quy đổi thành tiền "ảo" trong từng hệ thống. Khi người tham gia đạt một số lượng nhất định, các đối tượng sẽ cho "sập sàn" hoặc cho máy chạy tự động giao dịch để chiếm đoạt số tiền nộp vào hệ thống của người chơi. Ví dụ tại hệ thống sàn forex, các nhân viên môi giới chào mời đầu tư qua điện thoại, liên hệ qua mạng xã hội zalo, facebook, tư vấn người chơi “đánh lệnh”. Ban đầu thường cho nhà đầu tư đánh thắng để nạp thêm nhiều tiền vào tài khoản. Sau đó tư vấn đánh các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng, dẫn đến nhà đầu tư mất hết tiền trong tài khoản. Khi đã thua hết tiền, các đối tượng sẽ giới thiệu nhà đầu tư sang một sàn forex mới, với cam kết nếu nạp tiền vào sẽ chơi thắng lại được số tiền đã thua. Cùng với đó, các sàn forex được các đối tượng quản trị (Admin) thiết kế với các chức năng can thiệp vào tài khoản của các nhà đầu tư và đối tượng đó có thể tự đặt lệnh vào tài khoản của nhà đầu tư, thay đổi số dư tiền trên tài khoản, can thiệp vào quá trình đặt lệnh như kéo dài độ trễ của lệnh, kéo giãn khoảng giá mua và bán, “đánh cháy” tài khoản của nhà đầu tư. Thực tế đã có rất nhiều người dân bị thua số tiền lớn lên đến cả chục tỉ đồng. Trường hợp nhà đầu tư thắng nhiều, đối tượng chủ sàn sẽ can thiệp kỹ thuật để nhà đầu tư không thể rút được tiền. Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan công an và nhà đầu tư không thể đi đòi tiền.


3. Thủ đoạn lừa đảo giả mạo nhân viên ngân hàng để chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng
Các đối tượng mạo danh nhân viên của các ngân hàng lớn như Vietcombank, Agribank, Tpbank, Vpbank, Techcombank,… nhắn tin, gọi điện mời chào dịch vụ với nội dung rút tiền mặt từ thẻ tín dụng dễ dàng đáo hạn tháng hoặc chuyển trả góp với phí, lãi suất thấp hơn để lôi kéo khách hàng, sau khi khách hàng đồng ý, đối tượng yêu cầu chủ thẻ cung cấp thông tin của thẻ tín dụng (bao gồm thẻ và mã CVV) hình ảnh chứng minh nhân dân/ căn cước công dân, mã hợp đồng gửi đến số điện thoại (thực chất là mã OTP của giao dịch trừ tiền từ thẻ tín dụng) và số tiền cần rút. Sau khi được cung cấp các thông tin trên, các đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền của người sử dụng thẻ. 


Ngoài ra, các đối tượng mạo danh ngân hàng và thông báo tài khoản ngân hàng của người dùng đã bị khóa mà không rõ lý do, để xác thực mở lại tài khỏa, các đối tượng yêu cầu người dùng cần phải truy cập vào trang web (có giao diện gần giống với web chính chủ của các ngân hàng) do các đối tượng này lập ra, sau đó đánh cắp thông tin tài khoản người dùng để chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong thẻ ngân hàng của người dùng. 


4. Thủ đoạn lừa đảo thông qua hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online
Vài năm trở lại đây, các sàn thương mại điện tử được người dân sử dụng phổ biến tại Việt Nam. Các đối tượng lừa đảo giả mạo là nhân viên của các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo,... thông qua mạng xã hội, tin nhắn đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online. Khi người có nhu cầu tìm việc làm liên hệ, các đối tượng hướng dẫn cộng tác viên thực hiện đặt mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng. Mỗi lượt mua hàng thành công được hoàn lại tiền gốc và hưởng thêm 10% - 20% giá trị đơn hàng. Những đơn hàng đầu tiên có giá trị nhỏ, cộng tác viên sẽ được hoàn trả tiền mua hàng kèm “hoa hồng” như đã hứa nhằm tạo lòng tin. Khi số tiền đặt hàng ngày càng lớn, các đối tượng không chuyển tiền lại và dùng nhiều chiêu trò như: thông báo đơn hàng bị trục trặc, thao tác đặt mua hàng chưa đúng, v.v... để yêu cầu tiếp tục chuyển tiền để đặt hàng lại. Nhiều nạn nhân lo không lấy lại được số tiền nên tiếp tục làm theo hướng dẫn của các đối tượng. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng lừa đảo tẩu tán tiền trong tài khoản và cắt liên lạc với nạn nhân. 


5. Thủ đoạn lừa đảo thông qua hình thức tuyển cộng tác viên làm tranh đính đá, xâu vòng làm tại nhà
Có không ít sinh viên, bà mẹ bỉm sữa có nhiều thời gian rảnh không cố định nên muốn tìm việc làm thêm tại nhà. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị các đối tượng xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại các trang mạng xã hội xuất hiện rất nhiều bài đăng quảng cáo tuyển công tác viên làm tranh đính đá, xâu vòng tại nhà với mức lợi nhuận vô cùng hấp dẫn. Chỉ cần đặt cọc tiền nguyên liệu tranh sau đó đối tượng hứa sẽ thu mua lại tranh khi đã hoàn thành với giá cao. Giá trị đặt cọc thường chỉ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền đặt cọc thì nhóm đối tượng chặn liên lạc với nạn nhân.


6. Thủ đoạn lừa đảo thông qua hình thức buôn bán trên mạng xã hội 
Các đối tượng mạo danh, lợi dụng uy tín của các bác sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo, chào mời trên các trang mạng xã hội (Facebook, Youtube), lồng ghép, bịa đặt thông tin về nguồn gốc, công dụng của các loại thực phẩm chức năng, các bài thuốc gia truyền nhằm lừa đảo người tiêu dùng. Đặc biệt trong thời gian hơn 02 năm dịch Covid-19 vừa qua, lợi dụng nhu cầu của người dân trong việc tìm kiếm thuốc điều trị Covid-19, các đối tượng tạo lập các website đăng tin chào bán các loại thuốc được quảng cáo là nhập từ nước ngoài. Thực tế, các loại thuốc mà các đối tượng đăng bán không có nguồn gốc xuất xứ, chưa được các cơ quan Việt Nam kiểm định chất lượng và không được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Người dân cần nâng cao cảnh giác khi sử dụng các trang mạng xã hội để tìm kiếm mua các loại thuốc hay các loại thực phẩm chức năng, nên mua trực tiếp tại các hiệu thuốc uy tín tránh trường hợp “tiền thì mất, tật thì vẫn mang”.


7. Thủ đoạn giả mạo các thương hiệu uy tín, cửa hàng kinh doanh thông báo có chương trình khuyến mãi, trúng thưởng tặng quà tri ân khách hàng 
Các đối lượng sử dụng các trang mạng xã hội zalo, facebook, messenger, website,… giả mạo các thương hiệu, cửa hàng thông báo đang có chương trình khuyến mãi, trúng thưởng, tặng quà tri ân khách hàng và yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân, số tài khoản tham gia hoặc thông báo trúng giải có giá trị cao. Ví dụ, gần đây hàng loạt người dùng facebook nhận được tin nhắn có đường link: “Adidas kỷ niệm 100 năm - nhấn vào để nhận quà”; Tin nhắn kêu gọi tham gia “Quỹ phúc lợi Coca-Cola”. Sau khi người dùng bấm vào link đó, sẽ nhận được thông báo trúng ô tô, xe máy, điện thoại hoặc các tài sản có giá trị khác, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để làm các thủ tục, đóng các loại phí nhận thưởng. Sau khi nạn nhân nộp khoản tiền theo yêu cầu thì các đối tượng này sẽ chặn liên hệ để chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, những đường link này ẩn chứa nhiều nguy hiểm, rủi ro này đang lan truyền nhanh và rộng tới người dùng Việt Nam nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm nhập hệ thống, đánh cắp thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp.


8. Thủ đoạn làm quen và gửi quà có giá trị cao, số tiền lớn từ nước ngoài về Việt Nam 
Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội zalo, messenger, viber,... làm quen với các nạn nhân là nữ giới, đối tượng giới thiệu là người nước ngoài đang là doanh nhân, phi công, lính Mỹ, ... hứa hẹn tình cảm yêu đương và nói với nạn nhân là có quà có giá trị cao, số tiền lớn và muốn về Việt Nam đầu tư làm ăn, hứa tặng quà, tiền, mua nhà cho nạn nhân, sau đó nhóm đối tượng này giả danh nhân viên thuế, hải quan, sân bay, cán bộ ngoại giao sử dụng "sim rác" yêu cầu nạn nhân nộp các loại phí, thuế vào tài khoản đối tượng cung cấp để làm thủ tục nhận quà, tiền. Sau khi nạn nhân thực hiện các yêu cầu này thì đối tượng chặn liên lạc với nạn nhân.


Nguồn ảnh: Internet


Ngoài những thủ đoạn được nêu trên, còn có rất nhiều các phương thức khác tinh vi hơn mà các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo. Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần tự cảnh giác, phòng ngừa và phát hiện tố giác tội phạm và cần lưu ý:

  • Khi nhận các cuộc gọi đến bằng điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Người dân cần biết, Cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát) khi làm việc với bị can, nạn nhân, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, ... phải gửi giấy triệu tập trực tiếp, trường hợp không giao trực tiếp được thì thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, nạn nhân, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, ... đang cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người được triệu tập đang làm việc, học tập để chuyển giao lại cho người được triệu tập. Việc giao nhận giấy triệu tập có ký nhận và ghi rõ ngày, giờ nhận cụ thể. Việc triệu tập không được thực hiện bằng miệng, qua điện thoại hoặc tin nhắn. 
  • Tăng cường tính năng bảo mật các tài khoản mạng xã hội, các tài khoản ngân hàng. Không cung cấp các thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình cho các đối tượng mà mình không quen biết. Thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền. Tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ các thông tin có liên quan đến tài khoản ngân hàng, mật khẩu tài khoản (mã OTP) cho bất kỳ ai.
  • Khi mua hàng qua mạng, cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Người dân không nên chuyển tiền đặt cọc mua hàng khi không rõ thông tin, danh tính, địa chỉ người bán. Để tránh rủi ro, người mua cần trực tiếp đến cửa hàng hoặc địa chỉ người bán, kiểm tra hàng hóa trước khi mua.
  • Trường hợp nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức nào có dấu hiệu hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.

Vietthink News.
Cập nhật: 19/12/2022
Lượt xem:69991