Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Chính phủ ban hành Nghị định 155/2018/NĐ-CP: Cắt giảm nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Y tế

Ngày 12/11/2018, Chính Phủ ban hành Nghị định số 155/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế (“Nghị Định 155”). Những sửa đổi trong Nghị Định 155 được kỳ vọng sẽ xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng hơn, bám sát yêu cầu của thực tiễn, từ đó tạo điều kiện khuyến khích, thu hút thêm các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực y tế, quán triệt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại Văn bản số 413/TTG-TH ngày 30/3/2018 là “cắt giảm, sửa đổi hoặc bãi bỏ phải thực chất, không cắt giảm, bãi bỏ hoặc sửa đổi theo kiểu cơ học thuần túy, gộp nhiều điều kiện vào một điều kiện; … không cắt giảm cái này lại bổ sung cái khác hoặc sửa đổi, cắt giảm theo kiểu thay đổi tên gọi”.


(Ảnh minh họa- Nguồn: internet)

Nghị Định 155 có một số nội dung đáng chú ý sau:

Thứ nhất, về phạm vi sửa đổi các điều kiện đầu tư kinh doanh. Theo đó, Nghị Định 155 đã tập trung cắt giảm, sửa đổi hoặc bãi bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh trong 09 lĩnh vực gồm: An toàn thực phẩm; Dược phẩm; Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Hóa chất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; Khám bệnh, chữa bệnh; Mỹ phẩm; Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Phòng, chống HIV/AIDS; Sức khỏe sinh sản.

Thứ hai, Nghị Định 155 bãi bỏ các điều kiện kinh doanh trước đây được quy định là phải đáp ứng khi hoạt động trong lĩnh vực y tế như: có đủ điện, nước, ánh sáng … Cụ thể, trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, Nghị Định 155 bãi bỏ điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với trạm y tế cấp xã, trạm xá phải “Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh” (điểm c Khoản 1 Điều 39 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP); trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Nghị Định 155 sửa đổi điều kiện của Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (Điều 4, Điều 5 Nghị định số 67/2016/NĐ-CP),..

Thứ ba, Nghị Định 155 bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không định lượng mà hoàn toàn mang tính định tính, cảm quan gây khó hiểu, mập mờ cho người thực hiện như: “có kiến thức”, “phải phù hợp”, “phải đủ”, “phải có đủ sức khỏe”, “phải có trình độ”…

Minh chứng cho điều này là những quy định rất rõ ràng về việc bãi bỏ điều kiện mua bán chế phẩm là “người trực tiếp bán hàng có kiến thức về chế phẩm” (điểm b khoản 1 Điều 40 Nghị định số 91/2016/NĐ-CP); bãi bỏ điều kiện đối với cơ sở cung cấp dịch vụ diệt côn trùng, diệt khuẩn bằng chế phẩm là phải có “trang thiết bị phù hợp với yêu cầu đối với từng kỹ thuật mà cơ sở cung cấp dịch vụ” (Khoản 3 Điều 41 Nghị định số 91/2016/NĐ-CP); bãi bỏ điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với bệnh xá thuộc lực lượng Công an nhân dân phải “Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà bệnh xá đăng ký” (Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP),..

Thứ tư, Nghị Định 155 sửa đổi/bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không ảnh hưởng đến chất lượng các dịch vụ chuyên môn hoặc đã được pháp luật chuyên ngành khác quy định hoặc có sự chồng chéo giữa các văn bản gây khó khăn khi thực hiện.

Trong lĩnh vực Mỹ phẩm, Nghị Định 155 bãi bỏ điều kiện hoạt động của cơ sở sản xuất mỹ phẩm là “Được thành lập hợp pháp” (Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 93/2016/NĐ-CP); Trong lĩnh vực phòng chống bệnh truyền nhiễm, Nghị Định 155 bãi bỏ điều kiện hoạt động đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ xét nghiệm vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm là phải: “Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật” (Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 103/2016/NĐ-CP),...

Bên cạnh đó, Nghị Định 155 cũng có nhiều sửa đổi đáng lưu ý trong việc cấp phép Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, cấp phép nhập khẩu dược liệu,….

Nghị Định 155 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/11/2018.

Vietthink News
Cập nhật: 20/02/2021
Lượt xem:6650