Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Chính sách pháp luật mới về tiền gửi có kỳ hạn: yêu cầu Ngân hàng và các Tổ chức tín dụng có biện pháp bảo đảm an toàn tiền gửi của khách hàng

Từ ngày 05 tháng 7 năm 2019, Thông tư số 49/2018/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước (“Thông tư 49/2018”) quy định về tiền gửi có kỳ hạn chính thức có hiệu lực thi hành. Thông tư 49/2018 đưa ra nhiều chính sách mới nhằm đảm bảo quyền lợi và an toàn cho các khách hàng gửi tiền có kỳ hạn tại tổ chức tín dụng.
Tiền gửi có kỳ hạn là khoản tiền của khách hàng gửi tại tổ chức tín dụng trong một thời hạn nhất định theo thỏa thuận giữa khách hàng và tổ chức tín dụng với nguyên tắc hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho khách hàng. 
Theo Thông tư 49/2018, khi thực hiện giao dịch tiền gửi có kỳ hạn, Khách hàng chỉ được gửi, nhận chi trả tiền gửi có kỳ hạn thông qua tài khoản thanh toán của chính khách hàng đó. Quy định này nhằm đảm bảo tính thống nhất và tính thuận tiện trong quản lý tài khoản của khách hàng, góp phần đảm bảo an toàn tài sản của khách hàng.
Bên cạnh đó, Thông tư 49/2018 cho phép các khách hàng được gửi chung tiền gửi có kỳ hạn bằng một tài khoản chung. Khi gửi chung tiền gửi có kỳ hạn với số lượng tiền gửi lớn, các Khách hàng có thể được hưởng mức lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, không phải chủ thể nào cũng có thể cùng nhau mở tài khoản chung để gửi tiền gửi có kỳ hạn. Theo khoản 4 Điều 5 của Thông tư, người cư trú và người không cư trú không được gửi tiền gửi chung có kỳ hạn; Tổ chức và cá nhân không được gửi tiền gửi chung có kỳ hạn bằng ngoại tệ. Nguyên nhân hình thành nên quy định này là do khung pháp lý điều chỉnh các đối tượng này có sự khác biệt. Cụ thể, thời hạn gửi tiền của người không cư trú không được dài hơn thời hạn hiệu lực còn lại của Giấy tờ xác minh thông tin khách hàng (như visa, Giấy phép lao động, Giấy phép hoạt động của tổ chức); trong khi người cư trú không bị giới hạn về thời hạn gửi tiền.  
Để đảm bảo quyền lợi và an toàn tiền gửi cho Khách hàng, Ngân hàng nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải ban hành quy định nội bộ về giao dịch tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức phù hợp với quy định của pháp luật, phù hợp với mô hình quản lý, đặc điểm, điều kiện kinh doanh, đảm bảo việc thực hiện giao dịch tiền gửi có kỳ hạn chính xác, an toàn tài sản cho khách hàng và an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng. Quy định nội bộ phải quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của từng bộ phận, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện giao dịch tiền gửi có kỳ hạn và phải bao gồm tối thiểu các quy định liên quan đến: Nhận tiền gửi có kỳ hạn, nhận biết và cập nhật thông tin khách hàng, lập và ký thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn, nhận tiền gửi có kỳ hạn, ghi sổ kế toán việc nhận tiền gửi có kỳ hạn; Chi trả tiền gửi có kỳ hạn, đối chiếu thông tin khách hàng, chi trả gốc, lãi tiền gửi có kỳ hạn, ghi sổ kế toán việc chi trả tiền gửi có kỳ hạn; Xử lý các trường hợp bị rách, nát, mất thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn; Sử dụng tiền gửi có kỳ hạn làm tài sản bảo đảm; Chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi có kỳ hạn; Biện pháp để khách hàng tra cứu khoản tiền gửi có kỳ hạn quy định; Nhận và chi trả tiền gửi có kỳ hạn bằng phương tiện điện tử. 
 

Thông tư này áp dụng với các đối tượng được gửi tiền gửi có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng tại Việt Nam bao gồm: (1) Người cư trú là tổ chức, cá nhân; (2). Người không cư trú bao gồm: Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Văn phòng đại diện, văn phòng dự án của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; Cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 6 (sáu) tháng trở lên.
Đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng và khách hàng sẽ tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết cho đến hết thời hạn gửi tiền. Trường hợp tại thỏa thuận tiền gửi có kỳ hạn có nội dung kéo dài thời hạn gửi tiền nhưng đối tượng và thời hạn gửi tiền không phù hợp với quy định tại Điều 3 và khoản 5 Điều 5 Thông tư này thì tổ chức tín dụng và khách hàng không được kéo dài thời hạn gửi tiền.
Nhìn chung, Thông tư đã đặt ra được khung pháp lý cơ bản để điều chỉnh hoạt động gửi tiền gửi có kỳ hạn vốn chưa được hướng dẫn cụ thể trước đây, tạo cơ sở để thực hiện hoạt động này một cách an toàn và hiệu quả theo hướng tăng cường các câu khâu kiểm soát nội bộ trong tổ chức tín dụng, hạn chế trường hợp cán bộ, nhân viên lạm dụng chức vụ, quyền hạn nhằm chiếm đoạt tài sản tiền gửi của Khách hàng. 

Theo Vietthink News

Cập nhật: 15/08/2019
Lượt xem:3607