Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT, NHẬP KHẨU

Thương mại điện tử ở Việt Nam đã hình thành từ đầu những năm 2000 và phát triển khá nhanh trong vài năm gần đây. Theo số liệu công bố của một hãng nghiên cứu thị trường của Đức, năm 2018, doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam đạt khoảng 2,27 tỷ USD và nằm trong top 6 nền thương mại điện tử phát triển nhất 2018. Tuy nhiên, các giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay vẫn là các giao dịch ở thị trường nội địa do pháp luật hiện vẫn chưa có những quy định riêng về ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp, cá nhân cũng như cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Nhận thấy, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp quản lý, xây dựng khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hội nhập toàn cầu vì vậy, tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vào tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020, Thủ tướng đã đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng “Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” với mục tiêu tìm được những giải pháp tốt nhất trong việc quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Đến ngày 27/03/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 431/QĐ-TTg phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (“Quyết định 431/QĐ-TTg”). Mục tiêu của Đề án là: xây dựng một hệ thống để tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch thương mại điện tử trên nền cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát giao dịch, tăng tốc độ thông quan hàng hóa do có đầy đủ cơ sở dữ liệu; xây dựng chính sách liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được giao dịch qua thương mại điện tử như: quy trình thủ tục hải quan, cách xác định trị giá hải quan, việc cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành, miễn cấp phép, miễn điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành.

Đề án đã đưa ra các giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gồm: (1) Giải pháp về hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; (2) Giải pháp về xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; và (3) Giải pháp liên quan đến xây dựng chính sách quản lý giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử và xây dựng cơ chế thanh toán, bảo lãnh điện tử liên quan đến các giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới. 

 
(Nguồn ảnh: Internet)

Trong đó, để hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Đề án đưa ra 03 giải pháp về: (1) thủ tục hải quan; (ii) cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành; và (iii) cách tính trị giá tính thuế. Cụ thể như sau: 

Thứ nhất, về thủ tục hải quan, phải đơn giản, nhanh chóng, đảm bảo việc quản lý của cơ quan hải quan, thu đúng, thu đủ thuế xuất khẩu nhập khẩu, phòng chống gian lận thương mại. Để đáp ứng được yêu cầu này thì các bên tham gia vào hoạt động giao dịch thương mại điện tử phải gửi trước đến Hệ thống quản lý hải quan.

Thứ hai, về cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành: Đề án bổ sung quy định về việc miễn giấy phép, miễn điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa phải cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành trong một số trường hợp cụ thể; quy định về thời gian cập nhật kết quả kiểm tra chuyên ngành; quy định về việc hàng hóa đang được lưu giữ trong kho ngoại quan. Các trường hợp được miễn giấy phép, miễn điều kiện, miễn kiểm tra chuyên ngành gồm: 
  • Có trị giá hải quan từ 1.000.000 đồng trở xuống, trừ trường hợp các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có thông báo gửi đến Tổng cục Hải quan hàng hóa không được phép miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành;
  • Có trị giá hải quan trên 1.000.000 đồng nhưng hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành theo số lượng/định lượng nhất định thì được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành. Các tổ chức, cá nhân không được thu gom hàng hóa theo tiêu chuẩn miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành của các tổ chức, cá nhân mua hàng giao dịch qua thương mại điện tử khác. Trường hợp có vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.
Thứ ba, về cách tính trị giá tính thuế: Đề án quy định nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan đối với hnàg hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua giao dịch thương mại điện tử như sau:
  • Đối với hàng hóa xuất khẩu:
Nguyên tắc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu: Trị giá hải quan là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất không bao gồm phí bảo hiểm quốc tế (I), phí vận tải quốc tế (F).
Phương pháp xác định: Giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất là trị giá ghi trên hóa đơn điện tử hoặc chứng từ, tài liệu khác có giá trị tương đương, không bao gồm chi phí bảo hiểm quốc tế, phí vận tải quốc tế.
  • Đối với hàng hóa nhập khẩu:
Nguyên tắc xác định trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu: Trị giá hải quan là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, bao gồm phí vận tải quốc tế và phí bảo hiểm quốc tế (nếu có).
Phương pháp xác định: Giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên là trị giá ghi trên hóa đơn điện tử hoặc chứng từ, tài liệu khác có giá trị tương đương, bao gồm phí vận tải quốc tế và phí bảo hiểm quốc tế (nếu có).

Để triển khai thực hiện Đề án, Thủ tướng chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với Ngân hàng nhà nước; các bộ, ngành được giao quản lý việc cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu xây dựng Nghị định quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử để trình Chính phủ thông qua. 

Việc phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong giai đoạn hiện nay cho thấy sự nỗ lực quyết liệt của Thủ tướng Chính Phủ trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đáp ứng thực tiễn đa dạng của hoạt động thương mại điện tử, dần hoàn thiện mô hình Chính phủ điện tử và nắm bắt xu thế phát triển trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 trên toàn cầu. 

Quyết định số 431/QĐ-TTg chính thức có hiệu lực từ ngày 27/03/2020.

Nguyễn Thị Vân Anh
Công ty Luật TNHH Vietthink












Cập nhật: 13/04/2020
Lượt xem:7303