Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

CHUẨN PHÁP LÝ NGÀNH SPA

Hiện nay với tình trạng các spa nhỏ và vừa mở ra ồ ạt và thiếu pháp lý, thiếu tiêu chuẩn đã và đang để lại nhiều mối lo và hệ lụy cho ngành spa và xã hội. Trước thực trạng đó, AAMS Podcast đã mời ThS., Ls. Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink tham gia Podcast với chủ đề “Chuẩn pháp lý ngành Spa”, trong đó tập trung vào 3 Đúng: “Đúng Pháp lý – Đúng Tiêu chuẩn – Đúng kiến thức”. 

Theo ThS., Ls. Nguyễn Thanh Hà, ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe và làm đẹp ở Việt Nam không còn mới, nhưng đang trên đà phát triển và chắc chắn sẽ còn bùng nổ trong tương lai bởi sự xuất hiện của rất nhiều các phương pháp, công nghệ tiên tiến trên thế giới và khu vực được đưa về Việt Nam. Việc chuẩn pháp lý là một yếu tố tiên quyết đảm bảo những nền tảng ban đầu và sự phát triển bền vững cho mỗi cơ sở, trung tâm spa tại Việt Nam nói riêng và cho toàn ngành nói chung.




Hoạt động Spa được hiểu phổ biến là các hoạt động làm đẹp, chăm sóc sắc đẹp nói chung, có thể bao gồm các dịch vụ như: chăm sóc da, massage, bấm huyệt, phun xăm thẩm mỹ, điều trị thẩm mỹ công nghệ cao, spa đông y,.. Các hoạt động như trên có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể, sức khoẻ, tính mạng của con người nên pháp luật quy định chặt chẽ điều kiện đăng ký và hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 và các quy định pháp luật hiện hành, để kinh doanh hợp pháp Spa, bạn phải đăng ký thành lập hộ kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp; và xin cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh (tùy theo quy mô, lĩnh vực hoạt động).
Tùy vào từng hoạt động cụ thể của spa, pháp luật có quy định là có hay không phải xin giấy phép, và các điều kiện cụ thể là gì. Chẳng hạn, đối với hoạt động chăm sóc da thông thường không xâm lấn, không sử dụng thuốc, không xoa bóp thì không cần xin thêm các loại giấy phép con. Trường hợp kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ, chăm sóc da có có xâm lấn, can thiệp vào cơ thể người như phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác thì chủ kinh doanh thì phải được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Để được cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, chủ kinh doanh spa phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 và Nghị định 96/2023/NĐ-CP, tôi ví một vài điều kiện chính như: 
(i) Loại hình hoạt động: Tùy thuộc vào phạm vi các dịch vụ cung cấp (một hay nhiều chuyên khoa) và quy mô cung cấp, các Chủ spa có thể lựa chọn hoạt động dưới hình thức là bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa hoặc phòng khám chuyên khoa. Đối với mỗi loại hình, chủ Spa phải đáp ứng các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất,.. cụ thể. Trên thực tế, các chủ Spa thường lựa chọn loại hình phòng khám chuyên khoa để dễ dàng đáp ứng đủ điều kiện hoạt động tại thời điểm đầu. Trường hợp về sau có nhu cầu mở rộng phạm vi hoạt động, họ có thể chuyển đổi sang loại hình phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện.
(ii) Điều kiện về địa điểm: Phải là cơ sở cố định đáp ứng quy định về an toàn chịu lực, phòng cháy chữa cháy, kiểm soát nhiễm khuẩn, bảo vệ môi trường, đủ điện nước,.. và có cơ sở vật chất, thiết bị y tế phù hợp với dịch vụ y tế được phép cung cấp và phạm vi hoạt động đăng ký. Do đó, các cơ sở spa đăng ký hoạt động tại chung cư/nhà riêng sẽ không đáp ứng điều kiện trên. 
(iii) Phải đảm bảo về mặt nhân sự, người hành nghề theo quy mô, danh mục kỹ thuật và tỷ lệ như theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. 
- Trong đó, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải là người hành nghề toàn thời gian và có phạm vi hành nghề là bác sỹ thẩm mỹ hoặc bác sỹ da liễu (nếu spa chuyên về da liễu), có thời gian hành nghề ở phạm vi đó tối thiểu 36 tháng. 
- Các bác sĩ, điều dưỡng hành nghề tại spa có xâm lấn thì phải đáp ứng các điều kiện sau: (i) có giấy phép hành nghề đang còn hiệu lực; (ii) đã đăng ký hành nghề; (iii) đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh; (iv) có đủ sức khỏe để hành nghề; (v) không thuộc trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; (vi) Đáp ứng yêu cầu về cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định. 

 

Những rủi ro pháp lý của việc tổ chức hoạt động không chuẩn pháp lý 
Việc hoạt động Spa khi chưa được cấp phép sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro pháp lý. Chẳng hạn: Nếu Spa hoạt động không đúng quy định hoặc thực hiện việc tiêm truyền mà không xin giấy phép có thể bị xử phạt lên đến 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo điểm a khoản 6 điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP và đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng. Thậm chí, nếu hoạt động Spa không phép làm tổn hại đến sức khỏe người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo quy định tại Điều 315 BLHS 2015.
Ví dụ thời gian qua, Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt nhiều trường hợp sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể, xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại các cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ với mức phạt lên đến 50 triệu đồng và đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của cơ sở trong thời hạn 4,5 tháng.

Do đó, việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện kiện để hoạt động Spa không giúp phòng ngừa các rủi ro pháp lý cho chủ Spa mà còn mang lại sự yên tâm cho khách hàng. Tôi xin lưu ý một số vấn đề pháp lý:
(i) Phải đăng ký thành lập hoạt động và xin giấy phép hoạt động khám chữa bệnh đầy đủ trước khi triển khai cung cấp dịch vụ Spa cho khách hàng;
(ii) Khi đã được cấp Giấy phép, Spa phải hoạt động theo đúng phạm vi đã được cấp phép, trường hợp hoạt động ngoài phạm vi được cấp phép thì phải đăng ký bổ sung về phạm vi;
(iii) Phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, địa điểm,.. trong suốt quá trình hoạt động. Việc hậu kiểm trong lĩnh vực Spa luôn được chú trọng và giám sát chặt chẽ từ các Sở Y tế/Bộ Y tế; 
(iv) Phải có xây dựng các hợp đồng, thỏa thuận trong quá trình cung cấp dịch vụ cho Khách hàng, trong đó quy định nêu rõ trách nhiệm của mỗi bên, phạm vi cung cấp dịch vụ của Spa để tránh phát sinh tranh chấp về sau. Đồng thời, cần phổ biến cho khách hàng biết các rủi ro trước khi xác nhận và cam kết sử dụng dịch vụ
Ví dụ thời gian qua đã phát sinh nhiều tranh chấp giữa cơ sở Spa và khách hàng do phát sinh các biến chứng phẫu thuật thẩm mỹ, điển hình năm 2023, VTV có đưa tin về trường hợp Thẩm mỹ viện không có giấy phép hành nghề nhưng lại cắt mí cho một khách hàng, dẫn tới người này suýt bị mù và bị Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xử phạt hành chính 135 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 18 tháng.  
(v) Trường hợp các chủ Spa cung cấp các dịch vụ làm đẹp mới được du nhập vào Việt Nam như áp dụng tế bào gốc, truyền năng lượng,.. cần lưu ý kiểm tra xem đã thuộc danh mục kỹ thuật được phê duyệt của Bộ Y tế hay chưa? Trường hợp chưa có, chủ Spa phải xin phép Sở Y tế/Bộ Y tế trước khi cung cấp dịch vụ.
(vi) Ngoài ra, trong quá trình vận hành và hoạt động, các chủ Spa lưu ý bổ sung các điều khoản về trách nhiệm, nghĩa vụ trong quá trình hành nghề, bảo mật thông tin, chống cạnh tranh không lành mạnh,.. để ràng buộc trách nhiệm của các bác sĩ/nhân sự lành nghề trong hợp đồng lao động, hợp đồng chuyên gia,..
Việc xử phạt các cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép, hoạt động không đúng phạm vi chuyên môn, danh mục kỹ thuật được cấp phép đã để lại hệ lụy lớn đối với cơ sở y tế trong ngành, gây mất niềm tin của khách hàng và thị trường về ngành spa trong nước, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở spa uy tín. Vì vậy, việc chắc chắn, bảo đảm về pháp lý cũng chính là cách bảo toàn cho mình.

Biên tập và tổng hợp nội dung: LS. Lê Văn Tiến, LS. Nguyễn Thúy Hạnh
Host: Kidu AAMS

#phaplyspa #spa #vietthink #aams #giayphep #lamdep #xamlan  

Cập nhật: 07/11/2024
Lượt xem:1346