Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Đăng ký bảo hộ Kiểu dáng Công nghiệp tại Châu Âu

Hiện nay, xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh sang nước ngoài, đặc biệt là sang các nước Châu Âu đang là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp. Khi mở rộng thị trường sang các nước Châu Âu, doanh nghiệp luôn quan tâm đến việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trong đó bao gồm kiểu dáng công nghiệp (KDCN). Vậy, làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam có thể đăng ký bảo hộ KDCN tại Châu Âu, trình tự thủ tục đăng ký và phạm vi, thời hạn bảo hộ KDCN tại Châu Âu có những nét chính nào doanh nghiệp cần lưu ý? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về những vấn đề trên.
Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Kiểu dáng công nghiệp (KDCN) là những yếu tố cấu tạo nên các đặc tính thẩm mỹ bên ngoài của một sản phẩm[1]. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, KDCN là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này [2]. Như vậy, KDCN có thể là sự thể hiện dưới dạng ba chiều, như các đường nét của một vật thể; hoặc hai chiều, như các đường nét, màu sắc… 
KDCN được thể hiện trên nhiều loại sản phẩm đa dạng, từ những vật dụng đơn giản dùng trong gia đình như thiết kế của một chiếc đèn để bàn đến những sản phẩm dùng trong sản xuất như máy móc… KDCN là một trong các yếu tố chính giúp một sản phẩm thu hút được sự chú ý của khách hàng. KDCN đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, kinh doanh do nó có khả năng giúp cá biệt hóa hàng hóa mang KDCN này với các hàng hóa khác tương tự trên thị trường, từ đó giúp chủ sở hữu (cá nhân, doanh nghiệp…) KDCN có được lợi thế kinh doanh hơn so với các đối thủ khác.  
Các cách để đăng ký KDCN tại các quốc gia Châu Âu
Để đăng ký KDCN tại Châu Âu, doanh nghiệp có thể thực hiện một trong các cách sau:
Cách thứ nhất, nộp đơn đăng ký riêng lẻ tại từng quốc gia qua Cơ quan Sở hữu trí tuệ của quốc gia đó. Thông thường, để đăng ký bảo hộ KDCN tại nhiều quốc gia theo phương án này, doanh nghiệp cần phải nộp đơn đăng ký tại Cơ quan Sở hữu trí tuệ của từng quốc gia mà doanh nghiệp muốn bảo hộ KDCN. Với mỗi đơn đăng ký KDCN tại từng quốc gia, doanh nghiệp phải sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, đồng tiền mà quốc gia đó sử dụng chính thức để tiến hành các thủ tục nộp đơn đăng ký. Khi doanh nghiệp cần sửa đổi, bổ sung một hoặc một số chi tiết trong KDCN đã nộp đơn/đăng ký, doanh nghiệp cần phải làm thủ tục sửa đổi, bổ sung tại Cơ quan Sở hữu trí tuệ tại tất cả các quốc gia mà KDCN đã được nộp đơn/bảo hộ. Trình tự, thủ tục đăng ký và phạm vi, thời hạn bảo hộ đối với KDCN là khác nhau giữa các quốc gia thành viên.
Cách thứ hai, nộp đơn đăng ký KDCN tại Châu Âu qua Cơ quan Sở hữu trí tuệ liên minh Châu Âu – European Union Intellectual Property Office (“EUIPO”). Thay vì nộp đơn riêng lẻ tại từng quốc gia Châu Âu, doanh nghiệp có thể nộp một đơn đăng ký duy nhất lên EUIPO, liệt kê cụ thể các quốc gia muốn đăng ký bảo hộ KDCN. Khi nộp đơn, người nộp đơn được dùng một trong bất kỳ ngôn ngữ chính thức nào của Liên minh Châu Âu (24 ngôn ngữ). Trường hợp có phản đối, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ KDCN, ngôn ngữ dùng trong đơn sẽ là một trong các ngôn ngữ được sử dụng chính thức tại EUIPO (gồm tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha), ngôn ngữ này phải khác ngôn ngữ được dùng khi nộp đơn đăng ký KDCN.[3]  
Ưu điểm khi nộp đơn đăng ký KDCN tại Châu Âu qua EUIPO 
Về quy trình
Việc nộp đơn đăng ký KDCN thông qua hệ thống đăng ký KDCN Châu Âu (EU Design system) giúp doanh nghiệp đơn giản hóa thủ tục và tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc. Cụ thể là, doanh nghiệp chỉ cần nộp một đơn đăng ký duy nhất thông qua EUIPO, đơn đăng ký đó được coi là đã nộp tại tất cả các quốc gia thành viên[4] Châu Âu. Khi nộp đơn đơn đăng ký bảo hộ KDCN, người nộp đơn nộp phí thông qua một đồng tiền duy nhất là Đồng tiền chung Châu Âu và các sửa đổi, bổ sung liên quan đến đơn/đăng ký cũng chỉ cần thực hiện thông qua  EUIPO. Ngoài việc người nộp đơn chỉ cần nộp một đơn duy nhất để đăng ký tại tất cả quốc gia thành viên liên minh Châu Âu như đã nêu trên, người nộp đơn còn có thể đăng ký nhiều KDCN trong cùng một đơn đăng ký. Trường hợp này, người nộp đơn chỉ cần nộp các khoản phí tương ứng cho từng KDCN mà mình đăng ký bảo hộ trong đơn đăng ký.
Hệ thống KDCN Châu Âu không thẩm định nội dung (xem xét khả năng đăng ký bằng cách đánh giá tính mới/tính sáng tạo/khả năng áp dụng công nghiệp…) mà chỉ thẩm định hình thức đơn. Hay nói cách khác, đơn đăng ký KDCN nộp qua EUIPO được bảo hộ ngay sau khi đơn đó đáp ứng các điều kiện về hình thức, cụ thể là sau khi Người nộp đơn nộp đầy đủ các tài liệu EUIPO yêu cầu. Giai đoạn thẩm định về hình thức của đơn diễn ra khá nhanh, chỉ trong vài ngày làm việc. Thậm chí KDCN có thể được bảo hộ ngay tại ngày đơn được nộp nếu Người nộp đơn cung cấp đầy đủ tất cả các giấy tờ theo yêu cầu. 
Về phạm vi và thời hạn bảo hộ
Tương tự như tại các quốc gia khác, chủ sở hữu văn bằng bảo hộ độc quyền KDCN sẽ có các quyền sử dụng, bán, phân phối và li-xăng KDCN trong phạm vi lãnh thổ và thời hạn được bảo hộ. Đồng thời, chủ sở hữu được quyền chống lại mọi hành vi sao chép KDCN mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu đó. 
Văn bằng độc quyền bảo hộ  KDCN đăng ký qua EUIPO có hiệu lực trong vòng 25 (hai mươi lăm) năm, sau mỗi 05 (năm) năm, chủ sở hữu KDCN phải gia hạn bằng cách đóng phí duy trì văn bằng tại Văn phòng EUIPO. Thời hạn bảo hộ KDCN tại Châu Âu là khá dài so với các quốc gia khác như Việt Nam (bảo hộ trong vòng 15 năm), Mỹ (bảo hộ trong vòng 14 năm)…
Nộp đơn đăng ký KDCN tại Châu Âu thông qua đại diện Sở hữu Công nghiệp
Các doanh nghiệp có trụ sở kinh doanh tại Châu Âu có thể nộp đơn đăng ký trực tiếp tại EUIPO mà không cần qua đại diện Sở hữu Công nghiệp (SHCN). Đối với các doanh nghiệp không thuộc Châu Âu, việc nộp đơn đăng ký KDCN phải được thực hiện thông qua đại diện SHCN. Đại diện SHCN đảm bảo các quy trình nộp đơn, bảo hộ KDCN diễn ra thuận lợi và nhanh chóng, đồng thời sẽ theo dõi tình trạng văn bằng bảo hộ và phát hiện, thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời mọi hành vi xâm phạm KDCN của doanh nghiệp.
Tại Việt Nam, doanh nghiệp có thể đăng ký bảo hộ KDCN tại Châu Âu thông qua Công ty Luật TNHH Vietthink – đại diện SHCN có uy tín, kinh nghiệm và mạng lưới đối tác trong việc đăng ký các quyền SHCN tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Liên minh Châu Âu.  
Mọi câu hỏi và hỗ trợ cần thiết về việc đăng ký bảo hộ KDCN tại nước ngoài nói chung và Châu Âu nói riêng có thể được gửi trực tiếp tới Công ty Luật TNHH Vietthink qua:
Phòng Sở hữu trí tuệ - Công ty Luật TNHH Vietthink
Địa chỉ: Tầng 8, Tòa nhà Diamond Flower, Đường Lê Văn Lương, Quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel/Fax: (+84) 246 666 6886 
Hotline: (+84) 941 661 881
Website: www.vietthink.vn 
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
[1] Tổ chức Sở  hữu trí tuệ thế giới – World Intellectual Property Organization (WIPO), http://www.wipo.int/designs/en/ [Truy cập ngày 03/11/2017]
[2] Khoản 13, Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009
[3] Trademark Now, https://www.trademarknow.com/support/trademark-glossary [Truy cập ngày 03/11/2017]
[4] Liên minh châu Âu hiện bao gồm 26 quốc gia thành viên: Pháp, Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan, Lúc-xăm-bua, Ai Len, Đan Mạch, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Áo, Thụy Điển, Phần Lan, Séc, Hung-ga-ri, Ba Lan, Slô-va-kia, Slô-ve-nia, Lít-va, Lát-vi-a, Exờ-tô-nia, Man-ta, Síp, Bun-ga-ri và Ru-ma-ni
Cập nhật: 09/11/2017
Lượt xem:6866