Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Điều chỉnh điều kiện kinh doanh đối với một số ngành nghề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương từ năm 2020

Ngày 05/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (“Nghị định 17/2020/NĐ-CP”). Theo đó, Nghị định quy định sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến các lĩnh vực kinh doanh như: sản xuất, kinh doanh rượu; nhập khẩu ô tô...


Dưới đây là một số nội dung đáng chú ý quy định trong Nghị định 17/2020/NĐ-CP:

Thứ nhất, bổ sung các điều kiện về kinh doanh, sản xuất rượu có nồng độ cồn dưới 5,5 độ. Theo đó:

Đối với thương nhân sản xuất rượu có độ cồn dưới 5,5 độ, phải đáp ứng các điều kiện gồm:
  • Phải là Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật. 
  • Tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. 
  • Hoạt động sản xuất rượu có độ cồn dưới 5,5 độ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở sản xuất. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung. 
Riêng đối với hoạt động nhập khẩu, ngoài các điều kiện áp dụng tương tự điều kiện sản xuất rượu có độ còn dưới 5,5 độ, thương nhân nhập khẩu rượu chỉ được thực hiện thông qua các cửa khẩu quốc tế và trước khi thực hiện hoạt động kinh doanh cần đăng ký với cơ quan có thẩm quyền trước.

Thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ được đảm bảo các quyền và nghĩa vụ, bao gồm: Được nhập khẩu, mua, bán rượu có nguồn gốc hợp pháp. Đảm bảo thời hạn sử dụng của sản phẩm rượu theo công bố của cơ sở sản xuất.  Thực hiện trách nhiệm theo quy định Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định khác của pháp luật. Không phải thực hiện dán tem rượu theo quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu.

Thứ hai, bổ sung quy định về điều kiện nhập khẩu ô tô

Theo Nghị định 17/2020/NĐ-CP, với ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu sẽ không còn phải kiểm tra chất lượng theo từng lô hàng khi về cảng nữa mà thay bằng kiểm tra theo mẫu đại diện và chấp nhận kết quả đó cho tất cả các lô hàng tiếp theo trong vòng 36 tháng. Ngoài ra, doanh nghiệp nhập khẩu cũng không cần phải cung cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại của các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nữa.

Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu và tạm nhập ô tô có phần mềm thiết bị định vị chứa bản đồ vi phạm chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sẽ bị thu hồi Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô.

Thứ ba, bổ sung điều kiện cấp giấy phép tư vấn thiết kế công trình nhà máy điện gió, điện mặt trời

Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật đăng ký hoạt động tư vấn thiết kế công trình nhà máy điện gió, điện mặt trời phải đáp ứng các điều kiện sau:
  • Chuyên gia tư vấn đảm nhận chức danh chủ nhiệm phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành điện hoặc năng lượng tái tạo; có kinh nghiệm công tác ít nhất 05 năm trong lĩnh vực tư vấn; đã chủ nhiệm ít nhất 01 dự án hoặc tham gia thiết kế ít nhất 02 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời có hạng tương đương; có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trong lĩnh vực thiết kế hạng tương đương.
  • Chuyên gia tư vấn khác phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành trắc địa, địa chất, xây dựng, năng lượng tái tạo, điện xây dựng, năng lượng tái tạo, điện, hệ thống điện, thiết bị điện, tự động hóa; có kinh nghiệm công tác ít nhất 05 năm trong lĩnh vực tư vấn; đã tham gia thiết kế ít nhất 01 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời có hạng tương đương; có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng trong lĩnh vực thiết kế hạng tương đương.
Thứ tư, bổ sung thẩm quyền cấp giấy phép liên quan đến hoạt động điện lực
Căn cứ vào quy mô, công suất của nhà máy điện, hoạt động liên quan đến truyền tải điện năng mà thẩm quyền cấp giấy phép thuộc về các cơ quan sau đây:
  • Bộ Công Thương cấp giấy phép đối với hoạt động truyền tải điện và hoạt động phát điện đối với nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 
  • Cục Điều tiết Điện lực cấp giấy phép đối với hoạt động phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và hoạt động phát điện đối với nhà máy điện có quy mô công suất từ 03 MW trở lên không thuộc trường hợp thuộc thẩm quyền cấp của Bộ Công thương; 
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân có hoạt động điện lực với quy mô nhỏ trong phạm vi địa phương theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. 
Nghị định 17/2020/NĐ-CP được ban hành đã sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định pháp luật phù hợp với tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Đảm bảo có các quy định cụ thể, phù hợp với từng ngành nghề kinh doanh mà các thương nhân đang và sẽ thực hiện. Đồng thời, cũng tạo điều kiện thông thoáng hơn đối với một số ngành nghề, trong đó có hoạt động nhập khẩu ô tô.

Nghị định 17/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 22/3/2020.

Vietthink News.

Cập nhật: 06/03/2020
Lượt xem:2521