Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Doanh nghiệp đã thực sự tiếp cận nguồn vốn rẻ sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành đồng thời ba Quyết định giảm lãi suất điều hành?

Trong bối cảnh suy thoái nền kinh tế toàn cầu do tác động của dịch Covid-19, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương nhiều nước đã cắt giảm lãi suất điều hành và thực thi nhiều giải pháp kích cầu, hỗ trợ tài chính với quy mô lớn.  

Tai Việt Nam, tình hình dịch bênh đã cơ bản đi vào giai đoạn ổn định, nền kinh tế đang bước đầu vận hành trở lại. Đứng trước yêu cầu khôi phục nền kinh tế, ngày 12/5/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành đồng thời ba Quyết định giảm lãi suất điều hành, đây được xem là một giải pháp tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Theo các quyết định của NHNN, nhiều mức lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi VND các kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên đồng loạt giảm từ ngày 13/5/2020 với mức giảm lớn nhất là 0.5%/năm. Cụ thể: 

Quyết định số 918/QĐ-NHNN ngày 12/5/2020 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng, theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm. 

Quyết định số 919/QĐ-NHNN ngày 12/5/2020 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014. Theo đó, lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm.

Quyết định số 920/QĐ-NHNN ngày 12/05/2020 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm. 

Đây là lần thứ hai trong năm NHNN cắt giảm lãi suất điều hành kể từ lần đầu tiên vào tháng 3, thời điểm Việt Nam bắt đầu chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19. Có thể thấy rằng, việc điều chỉnh các mức lãi suất của NHNN là dựa trên cơ sở đánh giá diễn biến thị trường quốc tế và là biện pháp nới lỏng các chính sách tiền tệ giúp tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp tục có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp cận nguồn vốn rẻ thông qua hạ lãi suất cho vay. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng giảm được gánh nặng tài chính, sớm đưa hoạt động kinh doanh sản xuất trở lại trạng thái bình thường, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song song với kiềm chế lạm phát. 



Nguồn ảnh: Internet

Ban đầu, việc giảm lãi suất huy động vốn theo Quyết định 919/QĐ-NHNN gây ra sự lo ngại người dân có thể rút tiền ào ạt từ Ngân hàng để đầu tư vào các kênh khác. Tuy nhiên, theo báo cáo tuần đầu Tháng 6 vừa qua, lượng huy động vốn của các Ngân hàng vẫn ổn định, thậm chí nhiều ngân hàng địa phương có mức huy động vốn vượt quá nhu cầu vay mới dẫn đến việc một số ngân hàng có tình trạng ế vốn. 

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, mặc dù Ngân hàng Nhà nước liên tục ra các Quyết định giảm lãi suất điều hành, việc tiếp cận nguồn vốn vay rẻ của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI)*, trong tình hình hiện nay, các Doanh nghiệp mong muốn được vay vốn ngắn hạn với lãi suất từ 4-5%/năm nhưng rất khó được chấp thuận. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn phải vay vốn ngắn hạn ở mức từ 7%-7,5%/năm. Các ngân hàng lớn như Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank luôn có lãi suất cho vay thấp nhất trên thị trường nhưng việc tiếp cận nguồn vốn rẻ không hề dễ dàng. Doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều điều kiện để được tiếp cận nguồn vốn rẻ như có lịch sử tín dụng tốt, chứng minh có dự án tốt, có tài sản đảm bảo hoặc là khách hàng lâu năm. 

Bên cạnh đó, mặc dù dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát tốt nhưng tình hình các nước trên thế giới vẫn còn rất căng thẳng, do đó việc xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu nguồn nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp trong nước cũng còn rất nhiều khó khăn. Nếu nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn yếu thì dù lãi suất có thấp, doanh nghiệp cũng không có nhiều nhu cầu vay vốn vì chưa có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh và các ngân hàng cũng sẽ rất cẩn trọng trong việc giải ngân vì lo ngại nợ xấu.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, các chính sách giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng đã mang lại những tín hiệu tích cực. Mặc dù mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành tính đến ngày 16/6 chỉ đạt 2,13%, tức là chưa đạt tới 50% so với kết quả cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây cũng vẫn được xem là một kết quả khả quan trong bối cảnh dịch bệnh và suy thoái kinh tế toàn cầu. 

___________
Chú thích: 
(*) http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/ngan-hang-tung-von-re-doanh-nghiep-che-con-cao-323122.html

Vietthink News.


Cập nhật: 17/06/2020
Lượt xem:3247