Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Giám đốc Công ty Luật Vietthink tham dự Hội nghị thảo luận Công ước của Liên hợp quốc về thỏa thuận hòa giải quốc tế

Từ ngày 03 đến 09 tháng 2 năm2018, tại Trụ sở Liên hợp quốc tại thành phố New York (Mỹ), Tiến sỹ Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink, Trọng tài viên VIAC đã tham dự Phiên họp thứ 68 của Nhóm công tác II thuộc Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL). Phiên họp được tổ chức để thảo luận về dự thảo Công ước của Liên hợp quốc về thỏa thuận hòa giải quốc tế (Convetion on Enforcement of International Commercial Settlement Agreements Resulting from Mediation). Tham dự phiên họp có đại diện các nước thành viên UNCITRAL, các nước quan sát viên và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trên toàn cầu. Đoàn Việt Nam do Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Văn Thuân dẫn đầu, cùng đại diện Tòa án nhân dân Tối cao, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Bộ Ngoại Giao.

 

Tiếp theo thành công của Công ước New York 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài,việc xây dựng Công ước của Liên hợp quốc về thỏa thuận hòa giải quốc tế là nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc thiết lập một công cụ pháp lý hữu hiệu để hỗ trợ thi hành các thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế bằng con đường hòa giải. Đây là việc làm có ý nghĩa cấp thiết trong bối cảnh các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại đang được sử dụng ngày càng nhiều trong thực tiễn thương mại trong nước và quốc tế như là một giải pháp thay thế cho tố tụng. Theo Liên hợp quốc, việc sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải sẽ mang lại các lợi ích quan trọng, như giảm thiểu các trường hợp một tranh chấp có thể dẫn đến chấm dứt quan hệ thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên thương mại trong quản lý các giao dịch quốc tế và tiết kiệm chi phí quản lý công lý bởi các quốc gia.

 

Qúa trình chuẩn bị xây dựng Công ước đã được tiến hành khẩn trương qua nhiên phiên họp của Nhóm công tác II thuộc UNCITRAL, kết quả là đã ra đời Dự thảo Công ước của Liên hợp quốc về thỏa thuận hòa giải quốc tế. Tại phiên họp thứ 68, các đoàn đã tập trung thảo luận các vấn đề trong tâm như: Phạm vi áp dụng của Công ước; Hình thức và điều kiện nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành thỏa thuận hòa giải; các căn cứ để quốc gia thành viên từ chối đơn yêu cầu thi hành thỏa thuận hòa giải; quyền bảo lưu của các quốc gia thành viên khi tham gia công ước; sự tham gia của các tổ chức liên kết kinh tế khu vực vào Công ước,v.v...

Một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất là phạm vi áp dụng của Công ước. Theo Dự thảo thì Công ước chỉ hướng đến điều chỉnh các thỏa thuận hòa giải có tính chất quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn đặt ra khi định nghĩa thế nào là “thỏa thuận hòa giải có tính chất quốc tế” để vừa không thu hẹp quá mức phạm vi áp dụng của của Công ước, vừa không xung đột với pháp luật của các quốc gia cũng như các công ước quốc tế có liên quan (như Công ước New York 1958). Mặc dù Dự thảo Công ước đã đưa ra định nghĩa về “thỏa thuận hòa giải có tính chất quốc tế”, nhưng nhiều nước cho rằng định nghĩa trong Dự thảo còn rộng và khá chung chung, cần quy định cụ thể và rõ nghĩa hơn để tránh việc các bên giải thích theo hướng mở rộng khái niệm và từ đó áp dụng Công ước một cách tùy tiện.

 

Một vấn đề khác cũng được nhiều nước quan tâm là các căn cứ để quốc gia thành viên từ chối đơn yêu cầu thi hành thỏa thuận hòa giải tại quốc gia mình. Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu lực của Công ước trên thực tế, song lại là một vấn đề rất khó xử lý. Bản thân hòa giải là một cơ chế rất mở cả về cách thức tiến hành và việc ghi nhận kết quả thỏa thuận. Nhất là trong điều kiện các thỏa thuận hòa giải được tiến hành ở phạm vi quốc tế, chịu sự chi phối của nhiều hệ thống pháp lý và tập quán thương mại khác nhau. Vậy làm thế nào để một quốc gia thành viên có thể đánh giá được tính pháp lý của một Thỏa thuận hòa giải được thiết lập tại một quốc gia khác nhưng lại được yêu cầu thi hành tại quốc gia mình? Làm thể nào để vừa đảm bảo hiệu lực thi hành của Công ước nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ và phù hợp với những nguyên tắc, chuẩn mực pháp lý quốc gia và quốc tế trong việc công nhận và cho thi hành Thỏa thuận hòa giải?

Tham dự Phiên họp, đoàn Việt Nam đã lắng nghe và chia sẽ quan điểm cùng đại diện các nước và các tổ chức quốc tế,đồng thời tích cực tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến góp phần hoàn thiện nội dung Dự thảo Công ước. Những đóng góp của đoàn Việt Nam vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm của một quốc gia thành viên trước cộng đồng quốc tế, vừa xuất phát từ việc bảo vệ các lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng khi Việt Nam chính thức tham gia làm thành viên Công ước.

Nhân dịp tham dự Phiên họp, đoàn Việt Nam đã có buổi thăm và làm việc tại Trụ sở Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp quốc.  Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ đã thân mật tiếp đoàn. Tại buổi tếp, Đại sứ Nguyễn Phương Nga đã thông báo cho đoàn về tình hình hoạt động của Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, về quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam và LHQ cũng như với các Phái đoàn đại diện của các nước và các tổ chức quốc tế khác tại LHQ, về tình hình bà con Việt Kiều sinh sống và làm việc tại New York, đồng thời chúc mừng đoàn có chuyến công tác thành công tại New York.

 

Cũng trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ,  TS Lê Đình Vinh đã đến thăm Trung tâm tài chính phố Wall, Sở Giao dịch Chứng khoán New York, thăm Thủ đô Washington, gặp gỡ với đại diện một số hãng luật và đối tác tại Hoa Kì./.

Vietthink News













Cập nhật: 02/10/2018
Lượt xem:16685