Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Hàng hóa bị tạm dừng làm thủ tục hải quan nếu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Để nâng cao hơn nữa công tác chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng và thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Mới đây, Bộ tài chính đã ban hành Thông tư 13/2015/TT-BTC ngày 30-1-2015, theo đó sẽ tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nếu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Quy định này có hiêu lực từ ngày 15/3/2015, theo đó, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, nếu phát hiện lô hàng mà cơ quan hải quan đang thực hiện các thủ tục Hải quan có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà mình đã được bảo hộ thì  có quyền  nộp đơn (Kèm văn bằng bảo hộ; Bản mô tả chi tiết hàng hóa xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ,…) gửi đến Chi Cục Hải quan Đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng đó.

Sau khi nhận được đủ bộ đơn hợp lệ, nếu chấp nhận đơn đề nghị thì chậm nhất 02 giờ làm việc , Chi cục trưởng Chi cục Hải quan ra Quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan. Quyết định này sẽ được gửi  ngay cho tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thời hạn tạm dừng là 10 ngày làm việc. Trường hợp phát sinh việc trưng cầu giám định hoặc tham khảo ý kiến chuyên môn từ các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục tạm dừng làm thủ tục hải quan cho đến khi nhận được kết quả giám định hoặc ý kiến chuyên môn. Thời hạn này có thể được gia hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày quyết định gia hạn.

Chủ quyền sở hữu có quyền yêu cầu cơ quan hải quan tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nếu thấy có dấu hiệu vi phạm (Ảnh minh họa) 
Chủ quyền sở hữu có quyền yêu cầu cơ quan hải quan tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nếu thấy có dấu hiệu vi phạm (Ảnh minh họa)

Trong thời gian tạm dừng, Chi cục Hải quan ra Quyết định tạm dừng có trách nhiệm: Yêu cầu chủ hàng, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ cung cấp tài liệu có liên quan đến hàng hóa (catalog, kết luận giám định, tài liệu từ nước ngoài, kết quả xử lý các vụ việc tương tự....); Trưng cầu giám định tại tổ chức chuyên môn nghiệp vụ hải quan hoặc các tổ chức giám định khác .Mục đích  tham khảo ý kiến chuyên môn của các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ để xác định các dấu hiệu xâm phạm về sở hữu trí tuệ; Đề nghị các tổ chức, cá nhân lấy mẫu để giám định theo quy định của pháp luật về Hải quan; Phối hợp, trao đổi với các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn khi có phát sinh tranh chấp, khiếu nại về chủ thể quyền, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm; Báo cáo Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Tổng cục Hải quan để chỉ đạo giải quyết kịp thời trong trường hợp lô hàng tạm dừng có giá trị lớn; hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu nổi tiếng; vụ việc có liên quan đến nhiều địa phương, các cơ quan Nhà nước, tổ chức quốc tế; vụ việc có phát sinh tranh chấp, khiếu nại liên quan về chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm.

Kết thúc thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan Chi cục Hải quan có trách nhiệm thực hiện một hoặc đồng thời các công việc sau:

  • Quyết định thụ lý vụ việc theo thủ tục hành chính khi đã khẳng định hàng hóa bị tạm dừng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên cơ sở:Kết luận giám định của tổ chức giám định về sở hữu trí tuệ  hoặc Ý kiến chuyên môn của các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, các cơ quan quản lý Nhà nước khác hoặc các tài liệu, chứng cứ do chủ thể quyền sở hữu trí tuệ cung cấp;
  • Quyết định tạm giữ hàng hóa trong trường hợp có cơ sở khẳng định hàng hóa bị tạm dừng là hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ; hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng;
  • Thực hiện xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa xâm phạm quyền sở trí tuệ theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành, Chi cục Hải quan thông báo bằng văn bản buộc người vi phạm phải thanh toán các khoản chi phí phát sinh do hành vi vi phạm hành chính gây ra và hoàn trả cho người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan khoản tiền đảm bảo đã nộp;
  • Thực hiện theo ý kiến của tòa án trong trường hợp người nộp đơn khởi kiện dân sự;
  • Bàn giao vụ việc để các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ xử lý (trong trường hợp xác định hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan hải quan);
  • Chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra, khởi tố theo quy định của pháp luật trong trường hợp xác định hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Bộ luật Hình sự.
Nếu xác định người nộp đơn không đáp ứng đủ các điều kiện chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc hồ sơ đề nghị tạm dừng không đầy đủ hoặc đã chấp nhận đơn và đã ra quyết định tạm dừng nhưng qua kiểm tra xác định hàng hóa bị tạm dừng không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì Chi cục hải quan tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan cho lô hàng theo quy định pháp luật.

Trường hợp không có thông tin yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng trong quá trình kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, cơ quan Hải quan phát hiện hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì thực hiện việc kiểm tra thực tế hàng hóa, lấy mẫu hoặc chụp ảnh hàng hóa, đồng thời phối hợp với đơn vị chuyên trách kiểm soát về sở hữu trí tuệ tại Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh, thành phố để quyết định thông quan hàng hóa hoặc tạm giữ hàng hóa nếu xác định dấu hiệu vi phạm. 

Trường hợp phát hiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hàng giả thì áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Luật sư Nguyễn Thị Phương – Công ty Luật Vietthink

Cập nhật: 03/10/2016
Lượt xem:6465