Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Hành lang pháp lý cho lao động địa phương tham gia xây dựng, góp ý chính sách pháp luật

Ngày 06/10/2014, Bộ lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 27/2014/TT – BLĐTBXH hướng dẫn việc cơ quan quản lý nhà nước về lao động lấy ý kiến tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở địa phương trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về lao động và những vấn đề về quan hệ lao động. 
 
 

Thông tư quy định chi tiết về nguyên tắc, nội dung, hình thức lấy ý kiến tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở địa phương của cơ quan quản lý nhà nước về lao động trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về lao động và những vấn đề về quan hệ lao động. Thông tư ra đời đã kịp thời bổ sung khung pháp lý cho trình tự, thủ tục lấy ý kiến của người lao động, người sử dụng lao động tại địa phương, bởi lẽ hiện nay quy định của pháp luật mới chỉ dừng lại ở quy định lấy ý kiến tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở Trung ương theo quy định tại Nghị định 53/2014/NĐ – CP ngày 26/05/2014.

Theo quy định tại Thông tư, nội dung lấy ý kiến tổ chức đại diện người lao động ở địa phương không chỉ dừng lại ở việc lấy ý kiến đối với các quy định chung nhất về chính sách pháp luật lao động mà còn là các văn bản pháp luật do địa phương ban hành để điều chỉnh những quan hệ lao động tại địa phương đó. Liên đoàn lao động cấp tỉnh và ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm phối hợp lấy ý kiến người lao động theo quy định của Thông tư này. 

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/11/2014 và thay thế Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT/BLĐTBXH-TLĐLĐVN ngày 21 tháng 6 năm 2006 hướng dẫn thi hành khoản 3, Điều 1 Nghị định số 145/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định việc tham gia ý kiến của đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động với cơ quan nhà nước ở cấp tỉnh trong quan hệ lao động. 

(Phòng Tổng hợp VBPL)



Cập nhật: 03/10/2016
Lượt xem:4471