Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Hành vi bạo lực học đường ở độ tuổi trẻ vị thành niên có thể bị xử lý hình sự?

Học sinh là thời đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người. Thế nhưng hiện nay, sự trong sáng, tươi đẹp hồn nhiên của thế hệ học sinh đã bị ảnh hưởng bởi những lời nói và hành động mang tính chất bạo lực cả về thể chất lẫn tinh thần. Bạo lực học đường không phải là vấn đề mới mẻ, thế nhưng gần đây hiện tượng này xảy ra liên tục hơn và ngày càng gia tăng về tính chất nguy hiểm cũng như mức độ nghiêm trọng. Vậy, nguyên nhân, hậu quả của những hành vi này là gì? Dưới đây là một vài nhận định, đánh giá và cảnh báo giúp các bậc phụ huynh có con em là học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm chỉnh nội quy, quy định của nhà trường và quy định của pháp luật. 


1. Thực trạng bạo lực học đường

Theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, cứ 5.200 học sinh lại có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh có 01 em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 09 trường học có 01 trường học có học sinh đánh nhau. Còn theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước đây, tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất, hiện nay giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30. Trong đó, hơn 75% các trường hợp bạo lực mà đối tượng là học sinh và sinh viên.

Thời gian gần đây, những vụ bạo lực học đường gây rúng động dư luận đã vang lên hồi chuông cảnh báo và cần sự can thiệp kịp thời của cơ quan chính quyền đối với vấn nạn này, như vụ nữ sinh trường THPT chuyên Đại học Vinh, tỉnh Nghệ An tự tử do bạo lực học đường; nữ sinh lớp 8 trường THCS Thăng Long (TP Hồ Chí Minh) phải điều trị tâm thần do bạo lực học đường.

2. Nguyên nhân gây ra bạo lực học đường

Theo khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/07/2017 quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường thì: “Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp học độc lập”. Bạo lực học đường thể hiện qua các hình thức: bạo lực thể chất; bạo lực tinh thần; bạo lực vật chất và bạo lực tình dục.

Bạo lực học đường xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, do bị ảnh hưởng tính cách, giáo dục của bố mẹ, người thân trong gia đình. Có không ít ông bố, bà mẹ dạy con bằng cách la mắng, đánh đập thô bạo con khi con mắc sai lầm, dần dần đã hình thành trong con cái tính hung hăng. Việc tiếp xúc phim ảnh, sách báo, trò chơi điện tử, đồ chơi (kiếm, súng) mang tính bạo lực cũng gây ra những tác động tiêu cực, thúc đẩy sự gia tăng tính hung hăng ở trẻ.

Thứ hai, do sự giáo dục và quan tâm của nhà trường, phụ huynh học sinh chưa thực sự sát sao và đầy đủ. Các trường học còn nặng về việc truyền thụ kiến thức cho học sinh nên đôi khi lãng quên nhiệm vụ giáo dục con người – vấn đề cốt yếu và chưa có nhiều buổi học riêng cho vấn đề giáo dục lĩnh vực này. 

Thứ ba, do từ chính bản thân các em học sinh. Do độ tuổi từ 12 đến 17 là độ tuổi mà tâm, sinh lý có nhiều biến đổi, thích chứng tỏ, thể hiện bản thân, dễ bị lôi kéo nên khó kiểm soát được bản thân dẫn đến có những hành vi ứng xử sai lệch.

Nguồn ảnh: Internet

3. Hậu quả của bạo lực học đường 

Về sức khoẻ thể chất, nạn nhân của bạo lực học đường sẽ bị thương tích trên cơ thể. Trong những vụ việc có tính chất nghiêm trọng còn có thể dẫn đến việc nạn nhân có nguy cơ tàn phế và mất mạng.

Về tâm lý, do bạo lực học đường được thể hiện dưới rất nhiều hình thức như: đe dọa, tạo thông tin sai sự thật, dè bỉu, xúc phạm danh dự gia đình và chính nạn nhân,.. nên hậu quả về tâm lý là rất lớn. Sau khi bị bạo lực, nạn nhân sẽ rơi vào trạng thái hoang mang, khiến nạn nhân tự ngược đãi bản thân; chịu những tổn thương về tinh thần, trẻ chán nản, cô đơn; suy sụp và có nguy cơ sẽ khiến bản thân có tâm lý từ “nạn nhân” thành “thủ phạm” khi lại biến mình thành người đi bạo lực học đường đối với người khác. 

Hệ luỵ của hành vi này sẽ kéo dài cho đến khi các em trưởng thành, là “vết sẹo” khó có thể chữa lành. 

4. Xử lý hành vi bạo lực học đường

Bạo lực học đường thường được xử lý theo nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào tính chất và mức độ của vụ việc. Bạo lực học đường là hành vi vi phạm những nguyên tắc về đạo đức, do đó hành vi bạo lực học đường có thể bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý dân sự hoặc nghiêm trọng hơn là xử lý hình sự.

  • Về xử lý vi phạm hành chính
Theo điểm a khoản 1 Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định về đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính, thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm hành chính do cố ý. Người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi hành vi vi phạm hành chính.

Theo Điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, thì cá nhân có hành vi bạo lực học đường có thể bị phạt cảnh cáo nếu hành vi đó chưa gây ra những hậu quả nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.

  • Về trách nhiệm bồi thường dân sự

Theo Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người thực hiện hành vi gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác có thể phải bồi thường thiệt hại dân sự. Bao gồm các chi phí sau:

+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; 

+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại,…

Theo Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người thực hiện hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về những chi phí được xác định như sau:

+ Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

+ Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. 

Theo quy định tại Điều 586 Bộ luật dân sự năm 2015 về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân.

+ Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường;

+ Nếu người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu (trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật dân sự năm 2015);

+ Nếu người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. 

  • Về trách nhiệm hình sự

Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì người từ đủ 14 tuổi trở lên đã phải chịu trách nhiệm hình sự, cụ thể: 

+ Đối với học sinh từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với các tội danh theo quy định của Bộ luật hình sự thuộc 04 nhóm tội phạm: các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm sở hữu; các tội phạm về ma túy; các tội xâm phạm an toàn công cộng.

+ Đối với học sinh đã đủ 16 tuổi trở lên, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, tội cố ý cũng như tội vô ý: tội ít nghiêm trọng; tội nghiêm trọng; tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng trừ những tội phạm mà BLHS quy định chủ thể của tội phạm đó là người đủ 18 tuổi trở lên.

=> Vì vậy, để bảo vệ con em mình, gia đình và nhà trường cần tăng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho các em học sinh, đặc biệt là những học sinh có nguy cơ bị bạo lực hoặc có xu hướng bạo lực; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tuyên truyền về bạo lực học đường, trang bị cho các bạn học sinh kỹ năng ứng xử, kiến thức giúp các em rèn luyện kỹ năng sống, giải quyết vấn đề để trở nên tự tin hơn. Đồng thời đẩy mạnh việc quản lý, giám sát chặt chẽ hành vi của học sinh trong trường để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Ma Thùy Linh - Công ty Luật TNHH Vietthink.
Cập nhật: 11/05/2023
Lượt xem:47332