Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Hiểu đúng về quản lý tiền công đức theo thông tư của Bộ Tài chính




Nguồn ảnh: Vietthink

Sau một thời gian dài lấy ý kiến và qua nhiều lần sửa đổi, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội (“Thông tư 04”). Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 19/03/2023 sắp tới và nhận được rất nhiều sự quan tâm từ xã hội, đặc biệt là các quy định liên quan đến tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức cho di tích, hoạt động lễ hội tại các cơ sở tôn giáo, di tích văn hoá-lịch sử. 


Chúng ta hiếm thấy một văn bản quy phạm cấp thông tư nào lại “làm khó” cơ quan chủ trì soạn thảo như văn bản này; cũng hiếm thấy tại Việt Nam có một văn bản dưới luật nào lại nhận được sự quan tâm lớn và nhiều ý kiến đóng góp, phản biện từ cộng đồng người dân và giới nghiên cứu, các nhà quản lý trong lĩnh vực về tôn giáo, di sản văn hoá như Thông tư này. Đặc biệt, rất nhanh sau khi Bộ Tài chính vừa công bố Thông tư này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (“GHPGVN”) đã có động thái tích cực, ra văn bản hướng dẫn áp dụng Thông tư cho Ban trị sự GHPGVN các địa phương và Trụ trì các Chùa, cơ sở tự viện GHPGVN[1]. Hành động khẩn trương này của GHPGVN thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới việc ban hành và thực thi Thông tư này tại các cơ sở tôn giáo của GHPGVN.


Theo đánh giá của tác giả, có lẽ chính bởi thách thức từ áp lực về quan điểm xã hội tới cơ quan soạn thảo; cùng với sự tham gia góp ý rất tích cực và đa chiều từ nhiều thành phần trong xã hội và sự quan tâm được biệt của Tổ chức tôn giáo lớn tại Việt Nam như GHPGVN, nên Thông tư 04 chính thức được ban hành đã đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp và có nhiều quy định văn minh ghi nhận sự công nhận và tôn trọng của Nhà nước về quyền tự do tôn giáo và quyền tự chủ, tự quyết của các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam.


1. Tinh thần văn minh của Thông tư 04: một văn bản thể hiện sự công nhận và tôn trọng quyền tự do tôn giáo của Nhà nước


Thông tư 04 phân định rạch ròi giữa tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo và tiền công đức, tài trợ cho hoạt động lễ hội, di tích. Theo đó, khoản 3 Điều 1 của Thông tư 04 loại trừ rõ các đối tượng không thuộc sự điều chỉnh của Thông tư này gồm:


(i) Quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc;

(ii) Quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ đối với cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo chưa được: Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Thủ tướng Chính phủ cấp bằng xếp hạng di tích hoặc UBND cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Như vậy, Thông tư số 04 không điều chỉnh việc quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (Điểm b Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 04). Việc quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho các hoạt động tôn giáo nói trên tại tất cả các tự viện, tổ chức tôn giáo không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 04. Chỉ có tiền công đức, tài trợ cho công tác tổ chức lễ hội và di tích mới thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này. Để tránh hiểu nhầm về các khái niệm trên, Thông tư 04 còn định nghĩa rất rõ về phạm vi xác định thế nào là “lễ hội” và “di tích” được điều chỉnh bởi Thông tư này như sau:


“Lễ hội” được hiểu là lễ hội theo Điều 3 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, gồm: Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài (Điểm a Khoản 2 Điều 1 Thông tư 04).


“Di tích” được hiểu theo Điều 11 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, gồm: Di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh (Điểm b Khoản 2 Điều 1 Thông tư 04).


“Hoạt động tôn giáo” theo Khoản 10 và Khoản 11 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016 được hiểu là bao gồm hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo. Trong đó sinh hoạt tôn giáo là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo.


Với các quy định tách bạch, phân định rõ ràng về đối tượng điều chỉnh của Thông tư 04, có thể thấy Bộ Tài chính đã tiếp thu ý kiến của GHPGVN trong việc không can thiệp vào quyền quản lý, thu chi tài chính đối với tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Các quy định này cũng phù hợp với các nguyên tắc chung về bảo hộ quyền tự do tôn giáo, quyền tài sản của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.


2. Một số điểm mới quan trọng của Thông tư 04:


2.1. Những trường hợp phải mở tài khoản tiền gửi để phản ánh việc thu, chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động lễ hội 


Thông tư 04 chia các nhóm quy định về quản lý thu, chi tiền công đức, tài trợ theo hai đối tượng cụ thể gồm: (1) Lễ hội do cơ quan Nhà nước tổ chức; và (2) Lễ hội không phải do cơ quan Nhà nước tổ chức. Theo đó:

  • Chỉ có lễ hội do cơ quan Nhà nước tổ chức mới bắt buộc phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử;
  • Lễ hội không do cơ quan Nhà nước tổ chức thì không bắt buộc phải mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước. Tức là tổ chức tôn giáo và các tổ chức/cơ sở trực thuộc được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức.

Cụ thể như sau:


Đối với Lễ hội do cơ quan Nhà nước tổ chức không sử dụng nguồn vốn Ngân sách:


  • Phải có quy chế làm việc và phân công trách nhiệm của các thành viên Ban tổ chức lễ hội theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP trong đó phân công rõ việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội;
  • Đơn vị được Ban tổ lễ hội giao thực hiện tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội có trách nhiệm: Mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử. Nếu tiếp nhận tiền mặt thì phải cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội đã tiếp nhận; và thực hiện một số nội dung khác tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 04.
Đối với Lễ hội do cơ quan Nhà nước tổ chức có sử dụng nguồn vốn Ngân sách thì thực hiện quy định về quản lý ngân sách Nhà nước (Điều 8 Thông tư 04).

Đối với Lễ hội không phải do cơ quan Nhà nước tổ chức (Điều 5 Thông tư 04): 


  • Tổ chức, cá nhân tổ chức lễ hội phải mở sổ sách ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội; 
  • Tổ chức, cá nhân tổ chức lễ hội tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội, bảo đảm phù hợp với tôn chỉ, mục đích tổ chức lễ hội và quy định của pháp luật.


2.2. Những hình thức tiếp nhận tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội


Quy định tại Điều 9 của Thông tư 04 về các hình thức tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội qua tài khoản và tiền mặt được hiểu như sau:


(i) Việc mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại đối với cơ sở tôn giáo đồng thời là di tích (thuộc Điều 10 Thông tư 04) chỉ bắt buộc áp dụng để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho hoạt động lễ hội do Nhà nước tổ chức tại Điều 5 của Thông tư (bởi Điều 10 quy định người đại diện cơ sở tôn giáo được tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội).


(ii) Việc tiếp nhận tiền mặt phải cử người tiếp nhận theo khoản 2 Điều 9 chỉ áp dụng cho tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, không bắt buộc áp dụng cho cơ sở tôn giáo đồng thời là di tích tại Điều 10 Thông tư 04; và không áp dụng cho việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo, cho cá nhân, tổ chức tôn giáo. Việc quản lý loại tiền này thực hiện theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và quy định của tổ chức tôn giáo.


(iii) Việc tiếp nhận giấy tờ có giá, kim khí quý, đá quý theo khoản 3 và khoản 4 Điều 9 được hiểu và áp dụng tương tự như việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền mặt nêu trên. Theo đó, tất cả các tài sản được công đức, tài trợ, hiến tặng cho hoạt động tôn giáo, cho cá nhân, tổ chức tôn giáo mà không phục vụ cho hoạt động tổ chức lễ hội, di tích thì thực hiện theo theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và quy định của tổ chức tôn giáo.


2.3. Công nhận quyền tự chủ, tự quyết đối với tiền công đức, tài trợ của Tổ chức tôn giáo tại các di tích là cơ sở tôn giáo


Điều 10 Thông tư 04 được cho là một điểm sáng của Thông tư 04 làm “hài lòng” một thành phần đông đảo trong xã hội là các tín đồ, đệ tử, người theo tôn giáo; phù hợp với các kiến nghị của GHPGVN đối với các dự thảo Thông tư trước đây. Theo đó, Điều này ghi nhận quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm của người đại diện cơ sở tôn giáo đồng thời là di tích đối với việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan.


Như vậy, Người đứng đầu cơ sở tôn giáo đồng thời là di tích có các quyền sau:


(i) Tự quyết và tự chịu trách nhiệm đối với việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội;


(ii) Tự quyết và tự chịu trách nhiệm đối với việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo và cho mục đích khác phù hợp với quy định về tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định của tổ chức tôn giáo.


Đối với các di tích gắn với cơ sở tôn giáo mà được giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý thì việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích thực hiện theo Điều 13 của Thông tư 04.


Như vậy, có thể thấy Thông tư 04 đã phần nào rõ ràng hơn, không còn nhiều quy định thiếu sự rõ ràng, không đảm tính thống nhất với các quy định chuyên ngành và không vượt quá thẩm quyền của Thông tư như các dự thảo trước đây.


ThS., LS. Nguyễn Thanh Hà

Công ty luật TNHH Vietthink




*************
Chú thích:


[1] Văn bản số 62/HĐTS-VP1 ngày 20/02/2023 của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Bài viết được đăng lại từ Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam: Hiểu đúng về quản lý tiền công đức theo thông tư của Bộ Tài chính
Cập nhật: 28/02/2023
Lượt xem:7436