Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành dự thảo Nghị quyết quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những loại tranh chấp dân sự phổ biến hiện nay. Trước đây, căn cứ theo Chương XXI Bộ luật dân sự 2005 (BLDS 2005) quy định về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao (HĐTP TAND Tối cao) đã ban hành Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP để hướng dẫn áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Nghị quyết số 03). Đến nay, sau khi Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015) ra đời, thay đổi một số nội dung quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nhưng lại chưa có Văn bản pháp luật mới được ban hành hướng dẫn áp dụng, dẫn đến việc áp dụng pháp luật về vấn đề này còn nhiều vướng mắc, không thống nhất. Mới đây, HĐTP TAND Tối cao vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân (dự thảo Nghị quyết mới). Dự thảo Nghị quyết mới đã bổ sung, hoàn thiện một số vướng mắc như sau:


(Nguồn ảnh: Internet)

Về thiệt hại thực tế, một nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Tuy nhiên, cả BLDS 2005, BLDS 2015 và Nghị quyết 03 đều không có hướng dẫn giải thích thế nào là thiệt hại thực tế và cơ sở để xác định thiệt hại thực tế dựa trên nguồn nào. Dẫn đến việc đánh giá chứng cứ, giải quyết vụ án không được thống nhất giữa các Tòa án. Do đó, dự thảo Nghị quyết mới đã bổ sung quy định giải thích thiệt hại thực tế. Theo đó, “thiệt hại thực tế là thiệt hại có thực mà người bị thiệt hại phải chịu để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục những hậu quả do hành vi xâm phạm gây ra, trong đó bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần”. Quy định này một phần nào đó giúp việc áp dụng pháp luật được hiệu quả, thống nhất hơn.

Về nghĩa vụ chứng minh của đương sự, các quy định pháp luật cũ không quy định cụ thể trách nhiệm chứng minh lỗi thuộc về người yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên trên thực tế, khi giải quyết các tranh chấp ngoài hợp đồng này, hầu hết, bên bị thiệt hại đều phải chứng minh người gây thiệt hại có lỗi. Do đó, để giảm bớt gánh nặng này và thống nhất áp dụng quy định của pháp luật, dự thảo Nghị định mới đã bổ sung nội dung quy định hướng dẫn nghĩa vụ chứng minh của đương sự. Theo đó, dự thảo bổ sung quy định “Người yêu cầu bồi thường thiệt hại không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của bên gây thiệt hại”. Đây là hướng dẫn cần thiết trong việc áp dụng quy định pháp luật, đảm bảo tính thống nhất giải quyết vụ án.

Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, trường hợp các bên không thỏa thuận được khi giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung một số quy định sau:
  • Về việc giảm mức bồi thường đối với người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải có đủ điều kiện sau: (1) Không có lỗi hoặc có lỗi vô ý mà gây thiệt hại; (2) Thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình. Theo đó, thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình, là người phải bồi thường chỉ có khả năng bồi thường tối đa ½ thiệt hại bằng tiền mặt;
  • Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại là trường hợp người bị thiệt hại có lỗi một phần trong việc gây thiệt hại cho chính mình thì không được bồi thường đối với phần lỗi của mình gây ra;
  • Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường phần thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình, có nghĩa là trường hợp người bị thiệt hại có thể biết, nhìn thấy trước và có đủ điều kiện để ngăn chặn, hạn chế được thiệt hại xảy ra nhưng đã để mặc thiệt hại xảy ra. 
Về thời hiệu khởi kiện, theo Nghị quyết 03, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 02 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm đối với các trường hợp bồi thường thiệt hại phát sinh kể từ ngày 01/01/2005; còn đối với trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh trước ngày 01/01/2005, thì thời hiệu là 02 năm kể từ ngày 01/01/2005. Dự thảo Nghị quyết mới bổ sung thêm thời hiệu khởi kiện và thay đổi mốc thời điểm tính thời hiệu khởi kiện cho phù hợp với quy định mới của BLDS 2015. Theo đó Việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh trước hay sau ngày 01/01/2017, thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đều là 03 năm, kể từ ngày có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là ngày có thiệt hại xảy ra.

Ngoài ra, do BLDS 2015 cũng bổ sung một số quy định mới so với BLDS 2005, nên dự thảo Nghị quyết mới bổ sung thêm một số quy định hoàn toàn mới so với Nghị quyết số 03 để hướng dẫn áp dụng BLDS 2015, cụ thể:
  • Trường hợp bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra, người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trường hợp người bị thiệt hại khởi kiện thì Tòa án xem xét, thụ lý, giải quyết theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. 
  • Trường hợp người gây thiệt hại là người chưa đủ 15 tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý, việc gây thiệt hại ở trong khuôn viên trường học không phụ thuộc vào việc đã hay chưa vào giờ học, thời khóa biểu của người đó thì trường học phải bồi thường thiệt hại.
  • Trường hợp người gây thiệt hại là người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viên, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viên, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại và phải làm thủ tục tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự trước khi giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại. 
  • Trường hợp thiệt hại do xâm phạm mồ mả, người xâm phạm đến khuôn viên quy hoạch để xây dựng mồ mả trong trường hợp chưa có mồ mả thì không phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. 
Ngoài ra, để tránh gặp khó khăn trong việc áp dụng quy định của Nghị quyết hướng dẫn, HĐTP TAND Tối Cao quy định trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh cho Tòa án nhân dân tối cao (Thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để hướng dẫn bổ sung kịp thời. 

Trên đây là một số nội dung chính của dự thảo Nghị quyết mới giúp hoàn thiện quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. 

Công ty Luật TNHH Vietthink.




Cập nhật: 07/09/2021
Lượt xem:13664