Sáng ngày 15 tháng 3 vừa qua tại Hà Nội, Ủy ban Hội đồng Năng lượng thế giới (WEC) tại Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố thông tin Chương trình Đại hội năng lượng thế giới lẫn thứ 26 với chủ đề “
Thiết kế lại năng lượng cho con người và hành tinh” và Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Ủy ban Hội đồng Năng lượng thế giới (WEC) tại Việt Nam và Công ty Luật TNHH Vietthink.
Ảnh: Toàn cảnh buổi lễ (Nguồn: Vietthink) Hội đồng Năng lượng thế giới (gọi tắt là WEC) thành lập năm 1923, là cơ quan năng lượng toàn cầu được Liên hợp quốc công nhận đại diện cho toàn bộ các dạng năng lượng, là đối tác chiến lược của một số tổ chức chủ chốt trong lĩnh vực năng lượng. Với hơn 3000 tổ chức thành viên trong đó có các Ủy ban quốc gia của WEC đại diện tại gần 100 quốc gia trên thế giới bao gồm các nhà lãnh đạo ngành năng lượng và được tài trợ đóng góp bởi các Ủy ban quốc gia. Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Năng lượng Thế giới từ năm 2019, với sứ mệnh là cầu nối, hợp tác bền vững với các tổ chức liên quan đến năng lượng, mục tiêu cuối cùng là cung cấp năng lượng Việt Nam bền vững, tiết kiệm, an toàn, có trách nhiệm và gắn kết quốc tế.
Công ty Luật Vietthink là đơn vị tư vấn pháp luật có uy tín và nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực về đầu tư, dự án năng lượng, năng lượng tái tạo, M&A, sở hữu trí tuệ, đất đai, tài chính - ngân hàng, … cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Trong suốt quá trình hoạt động của mình, Vietthink luôn xác định phát triển bền vững, giải quyết hài hòa giữa yêu cầu phát triển xanh, bền vững, bảo vệ môi trường với nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp là một nhiệm vụ trong hoạt động tư vấn, cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội của Vietthink.
Cùng chung những giá trị và mục tiêu hành động hướng đến sự phát triển bền vững, thúc đẩy tái thiết năng lượng, năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế tuần hoàn, Vietthink và WEC Việt Nam đã quyết định sẽ có những hợp tác mang tính sâu, rộng hơn trong tương lai. Theo Thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, Vietthink và WEC Việt Nam sẽ cùng hợp tác, trao đổi về các hoạt động thúc đẩy, phát triển năng lượng tại Việt Nam; công tác nghiên cứu chính sách và pháp luật về năng lượng, năng lượng tái tạo. Vietthink cũng sẽ tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho WEC và các thành viên, mạng kết hợp của WEC là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Hai bên cũng sẽ hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động khác của nhau. Lãnh đạo hai bên cũng bày tỏ tin tưởng rằng sự hợp tác này sẽ tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp, mang lại nhiều đóng góp thiết thực cho mục tiêu phát triển bền vững, an toàn ngành năng lượng – vì lợi ích cộng đồng của Việt Nam.
Ảnh: Bà Titathy Nguyễn – Trưởng Đại diện Hội đồng năng lượng thế tới tại Việt Nam và bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Công ty Luật Vietthink ký kết Thỏa thuận hợp tác (nguồn: Vietthink) Tại buổi lễ, bà Titathy Nguyễn – Trưởng đại diện Hội đồng năng lượng thế giới tại Việt Nam chia sẻ kế hoạch tham gia kế hoạch tham gia Đại hội Năng lượng thế giới lần thứ 26 tại Rotterdam- Hà Lan sắp tới, theo đó WEC Việt Nam sẽ hỗ trợ và cùng với các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các xu hướng mới nhất trong lĩnh vực năng lượng, các nguồn lực tài chính toàn cầu, từ đó có thể phát triển các giải pháp và sản phẩm sử dụng năng lượng sạch và hiệu quả hơn. Nhân sự kiện này, WEC Việt Nam phát động chuỗi dự án “
Trường kỳ xanh – Bù đắp dấu chân Carbon’’ gồm các chương trình như: Truyền thông tín chỉ Carbon, sàn giao dịch Carbon và cộng đồng tín chỉ Carbon toàn cầu; Phong trào 1 tỷ cây xanh để đảo ngược khủng hoảng khí hậu toàn cầu; Giải pháp năng lượng bản địa – Khi năng lượng xanh đáp ứng lượng Carbon bù đắp; Dự án cộng đồng “
Hành trình Xanh Việt Nam” nhằm tuyên truyền, tư vấn tới cộng đồng tạo tác động xã hội, thúc đẩy quá trình chuyển đồi kép về năng lượng hướng tới mục tiêu quốc gia đến năm 2050; Dự án: Chuyển đổi xanh cấp thành phố (Trong bản đồ năng lượng xanh 64 tỉnh thành); Dự án “
Học viện Năng lượng thế giới tại Việt Nam”; Dự án “
Nghiên cứu ứng dụng Hydrogen (thay thế hoàn toàn khí tự nhiên tạo ra các giải pháp năng lượng ít Carbon hoặc thậm trí không có Carbon)”.
Ảnh: ThS., LS. Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Luật Vietthink phát biểu tại buổi lễ (nguồn: Vietthink) Theo ThS., LS. Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty Luật Vietthink cho hay: Việt Nam đã tham gia UNFCCC (1992), cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP 26 và tiếp tục khẳng định mục tiêu này tại COP 27 và COP 28. Năm 2022 đánh dấu một dấu mốc lịch sử quan trọng khi Việt Nam ký kết thành công Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), mà thông qua JETP, các quốc gia IPG sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0. Thủ tướng cũng đã ban hành các Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển năng lượng tái tạo. Với những các cam kết quốc tế, chiến lược quốc gia về phát triển NLTT, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của quốc tế về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực NLTT, trong bối cảnh chính đất nước cũng đang có nhu cầu lớn về huy động nguồn lực tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực này. Bởi vậy, chúng tôi tin tưởng rằng, với sự hiện diện và những hoạt động tích cực của những tổ chức như WEC Việt Nam sẽ tạo ra những giá trị rất thiết thực trong việc phát triển năng lượng và năng lượng tái tạo tại Việt Nam, góp sức đưa Việt Nam đạt được các cam kết quốc tế về chống biến đối khí hậu và bảo vệ môi trường.
Ảnh: Bà Titathy Nguyễn, Trưởng Đại diện Hội đồng năng lượng thế giới tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ (nguồn: baoquocte.vn) Ông Trần Đình Quyền - Chủ tịch Tập đoàn Tín Thành phát biểu chia sẻ tại họp báo: Chuyển đổi xanh và phát triển năng lượng tái tạo là một trong những mục tiêu quốc gia của Việt Nam để đạt được cam kết quốc tế về đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Mặc dù đây là một sự kiện quy mô không lớn, nhưng giá trị của những hành động mà WEC Việt Nam mà các đối tác, thành viên của WEC Việt Nam sẽ mang lại trong tương lai có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Ông Phạm Sanh Châu - Nguyên đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ - Ban Cố vấn của WEC Việt Nam chia sẻ: Việt Nam đã có nhiều tuyên bố chính trị nhưng để cụ thể hóa trong chính sách và hành động vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Tại một số nước đã có những quy định đến 2030 cấm xe xăng hoạt động. Đã đến lúc nếu không sản xuất xanh, giảm phát thải trong quá trình sản xuất thì hàng hóa của Việt Nam sẽ bị những "rào cản" liên quan đến các quy định về phát triển xanh, sản xuất xanh, dấu chân carbon... Hiện chúng ta mới chỉ chú trọng đến tín chỉ xanh, đây là bước đầu nhưng vẫn còn manh mún. WEC Việt Nam sẽ giúp và hướng dẫn chúng ta cách sử dụng năng lượng xanh an toàn, tạo điều kiện cho người yếu thế trong xã hội có thể tiếp cận được năng lượng xanh với chi phí phù hợp...
Kết thúc buổi lễ, các doanh nghiệp, tổ chức tham gia đã đăng ký cùng WEC Việt Nam tham gia tham gia Đại hội Năng lượng thế giới lần thứ 26 tại Rotterdam- Hà Lan sắp tới và chụp ảnh kỷ niệm.
Theo Vietthink News.
Một số báo đưa tin về sự kiện:- https://dangcongsan.vn/xa-hoi/no-luc-tai-thiet-lai-cac-nguon-nang-luong-tren-toan-cau-661348.html
- https://baochinhphu.vn/thiet-ke-lai-nang-luong-cho-con-nguoi-va-hanh-tinh-102240315131737491.htm
- https://vusta.vn/cong-bo-hoat-dong-huong-ung-dai-hoi-nang-luong-the-gioi-p92479.html
- https://baoquocte.vn/phat-dong-chuoi-du-an-huong-ung-dai-hoi-nang-luong-the-gioi-lan-thu-26-264282.html
- https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/cong-bo-chuong-trinh-dai-hoi-nang-luong-the-gioi-lan-thu-26-768687