Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Một số điểm mới nổi bật của Thông tư 12/2020/TT-BGTVT về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ

Những năm gần đây, hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt là loại hình vận tải qua các phần mềm ứng dụng. Bên cạnh sự phát triển của các hoạt động vận tải bằng đường bộ, các vụ tai nạn giao thông và quản lý các phương tiện vận tải đường bộ cũng như các dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Do đó, việc điều chỉnh các quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ là cần thiết để kịp thời điều chỉnh hoạt động vận tải đường bộ cũng như góp phần quản lý, giảm thiểu, hạn chế thấp nhất số vụ tai nạn giao thông. Nhằm góp phần nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc chấp hành pháp luật về giao thông, và tổ chức, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải bằng xe ô tô hiện nay, ngày 29/5/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (“Thông tư 12/2020/TT-BGTVT”) với một số điểm mới nổi bật như sau:

Thứ nhất
, Thông tư quy định chi tiết về quy trình đảm bảo an toàn giao thông, theo đó, quy trình đảm bảo an toàn giao thông phải đảm bảo theo trình tự các bước và nội dung tối thiểu như sau: 

Trước khi giao nhiệm vụ vận chuyển mới cho người lái xe, Bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông tại đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện các nhiệm vụ:
  • Hàng ngày, tổng hợp, phân tích các dữ liệu về hoạt động của từng phương tiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển thông qua thiết bị giám sát hành trình và qua các biện pháp quản lý khác của đơn vị để chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm
  • Tiếp nhận và giải quyết các đề xuất, phản ánh của người lái xe về các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông
  • Phối hợp với các bộ phận khác của đơn vị để tập hợp các yêu cầu vận chuyển của khách hàng, tìm hiểu và nắm bắt các điều kiện về tuyến đường vận chuyển và các nội dung khác có liên quan đến an toàn giao thông
  • Phối hợp với Bộ phận khác của đơn vị để bố trí xe và người lái xe thực hiện nhiệm vụ vận chuyển đảm bảo thời gian người lái xe liên tục, thời gian làm việc trong ngày, thời gian nghỉ ngơi của người lái xe theo đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ; không sử dụng xe ô tô khách có giường nằm hai tầng để hoạt động trên các tuyến đường cấp V và cấp VI miền núi.
Trước khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải hoặc cán bộ quản lý của đơn vị kinh doanh vận tải và người lái xe phải thực hiện các nội dung công việc như sau (riêng đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe taxi thực hiện theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị):
  • Kiểm tra giấy phép người lái xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; giấy chứng nhận đăng ký xe; lệnh vận chuyển đối với hoạt động vận chuyển khách theo tuyến cố định, xe buýt; hợp đồng vận tải đối với hoạt động vận chuyển khách theo hợp đồng, du lịch; giấy vận tải (giấy vận chuyển) đối với hoạt động vận tải hàng hoá; các giấy tờ khác theo yêu cầu quản lý của đơn vị
  • Thông báo trực tiếp hoặc qua phần mềm của đơn vị kinh doanh vận tải cho người lái xe các yêu cầu vận chuyển của khách hàng và các nội dung cần lưu ý để đảm bảo an toàn giao thông (nếu có)
  • Kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy đối với người lái xe (nếu đơn vị có trang bị thiết bị, dụng cụ kiểm tra)
Sau khi được giao nhiệm vụ và trước khi cho xe khởi hành, người lái xe được giao nhiệm vụ vận chuyển phải thực hiện kiểm tra đảm bảo tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện (riêng đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi thực hiện kiểm tra theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị) tối thiểu các nội dung chính gồm: 
  • Kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe (đối với những xe bắt buộc phải lắp theo quy định) đảm bảo tình trạng hoạt động tốt
  • Kiểm tra hệ thống lái
  • Kiểm tra các bánh xe
  • Kiểm tra hệ thống phanh; hệ thống đèn, còi; thông tin niêm yết trên xe.
Trước khi cho xe khởi hành thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, người lái xe nhận nhiệm vụ phải sử dụng thẻ nhận dạng người lái xe của mình để đăng nhập thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe.
Trong khi xe đang hoạt động trên đường thì:
  • Bộ phận (cán bộ) quản lý an toàn giao thông hoặc người điều hành vận tải hoặc cán bộ quản lý do đơn vị phân công phải thực hiện các nhiệm vụ: theo dõi quá trình hoạt động của phương tiện và người lái xe trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển qua thiết bị giám sát hành trình; thực hiện nhắc nhở ngay đối với người lái xe khi phát hiện xe chạy quá tốc độ, quá thời gian người lái xe liên tục, quá thời gian làm việc trong ngày, hoạt động sai hành trình vận chuyển, thiết bị giám sát hành trình không có tín hiệu và các nguy cơ gây mất an toàn giao thông khác; tiếp nhận và đưa ra phương án xử lý khi xảy ra các sự cố gây mất an toàn giao thông. Các thông tin về việc chấn chỉnh, nhắc nhở khi người lái xe vi phạm phải được ghi chép hoặc cập nhật vào phần mềm của đơn vị để theo dõi
  • Người lái xe phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông trong quá trình điều khiển phương tiện để vận chuyển hành khách, hàng hóa, chấp hành quy định về thời gian người lái xe liên tục, thời gian làm việc trong ngày của người lái xe, quy định về tốc độ, hành trình chạy xe, thiết bị giám sát hành trình, camera (đối với loại phương tiện phải lắp) đảm bảo luôn hoạt động; báo cáo ngay thời gian, địa điểm và nguyên nhân khi xảy ra sự cố mất an toàn giao thông để đơn vị có biện pháp xử lý kịp thời
Khi người lái xe kết thúc nhiệm vụ được giao hoặc kết thúc ca làm việc thì:
  • Bộ phận (cán bộ) quản lý an toàn giao thông hoặc người điều hành vận tải hoặc cán bộ quản lý do đơn vị phân công phải thực hiện các nhiệm vụ: thống kê quãng đường phương tiện đã thực hiện làm căn cứ lập kế hoạch và thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện đảm bảo theo đúng chu kỳ bảo dưỡng định kỳ; thống kê và theo dõi kết quả bảo dưỡng, sửa chữa của từng phương tiện; thống kê các lỗi vi phạm về tốc độ xe chạy, vi phạm về thời gian người lái xe liên tục, thời gian làm việc trong ngày, hoạt động sai hành trình vận chuyển, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình bị gián đoạn; báo cáo lãnh đạo đơn vị xử lý theo quy chế; tổng hợp các sự cố mất an toàn giao thông trong quá trình xe hoạt động kinh doanh vận tải trên đường
  • Người lái xe phải thực hiện các nhiệm vụ: phải sử dụng thẻ nhận dạng người lái xe của mình để đăng xuất thông tin qua đầu đọc thẻ của thiết bị giám sát hành trình của xe; sau khi kết thúc hành trình hoặc kết thúc ca làm việc, trước khi rời khỏi xe, người lái xe phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách ở trên xe (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách)
Đồng thời theo định kỳ tháng, quý, năm, Bộ phận (cán bộ) quản lý an toàn giao thông phải thực hiện các nhiệm vụ như sau:
  • Thống kê số vụ, nguyên nhân, mức độ tai nạn giao thông đã xảy ra của từng người lái xe và của toàn đơn vị;
  • Xây dựng và thực hiện phương án xử lý khi xảy ra sự cố gây mất an toàn giao thông trong quá trình kinh doanh vận tải;
  • Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm đối với toàn bộ người lái xe của đơn vị sau khi xảy ra tai nạn giao thông từ nghiêm trọng trở lên trong quá trình kinh doanh vận tải;
  • Phối hợp với các bộ phận nghiệp vụ của đơn vị để tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho toàn bộ người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) của đơn vị theo quy định;
  • Lưu trữ hồ sơ, sổ sách ghi chép bằng bản giấy hoặc lưu trên phần mềm kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 5 và điểm a khoản 6 Điều này. Thời gian lưu trữ tối thiểu 03 năm.

Nguồn ảnh: Internet

Thứ hai, quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền là Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải trong việc quản lý, theo dõi, kiểm tra… đối với các hoạt động vận tải đường bộ đối với các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn, cùng với đó, đơn vị kinh doanh vận tải cũng cần có trách nhiệm:
  • Thực hiện quy định về đơn vị kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công- ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera và đảm bảo các yêu cầu tại khoản 5 Điều 34 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.
  • Trang bị, quản lý và bảo trì thiết bị phần cứng, phần mềm xử lý dữ liệu, đường truyền dữ liệu phải đảm bảo kết nối, truyền dữ liệu và tương thích với phần mềm tiếp nhận dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
  • Truyền dẫn chính xác, đầy đủ và kịp thời các dữ liệu theo quy định về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
  • Bố trí cán bộ để theo dõi, khai thác dữ liệu trên phần mềm xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera của đơn vị để phục vụ công tác quản lý, điều hành, nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm; kiểm tra tính chính xác các thông tin về biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), trọng tải xe (sức chứa) (số chỗ hoặc khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông), số giấy phép người lái xe, loại hình kinh doanh của các xe thuộc đơn vị quản lý.
  • Xử lý trách nhiệm quản lý, theo dõi, khai thác, sử dụng dữ liệu đối với các cá nhân, bộ phận liên quan theo quy định; xử lý kịp thời người lái xe vi phạm theo nội quy, quy chế của đơn vị.
  • Đơn vị kinh doanh vận tải trực tiếp thực hiện hoặc thuê đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện thông qua hợp đồng có hiệu lực pháp lý đối với từng công việc theo quy định.
Thứ ba, quy định cụ thể các tiêu chí để quản lý người lái xe kinh doanh vận tải hành khách, bao gồm:
  • Sử dụng người lái xe để điều khiển xe khách có giường nằm hai tầng đảm bảo có kinh nghiệm theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 11 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP;
  • Lập, cập nhật đầy đủ quá trình hoạt động của lái xe vào lý lịch hành nghề người lái xe hoặc phần mềm quản lý lái xe với các thông tin tối thiểu theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT;
  • Kết nối, cập nhật dữ liệu lý lịch hành nghề người lái xe thông qua phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Bộ Giao thông vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) theo lộ trình quy định tại điểm d khoản 3 Điều 11 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP;
  • Đảm bảo việc người lái xe thực hiện đúng quy định về thời gian làm việc trong ngày, thời gian người lái xe liên tục và thời gian nghỉ theo quy định tại khoản 4 Điều 11 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, theo đó, thời gian nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục như sau:  
    • Đối với lái xe taxi, xe buýt nội tỉnh tối thiểu là 05 phút;
    • Đối với lái xe ô tô vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt liên tỉnh, xe ô tô vận tải hành khách theo hợp đồng, xe ô tô vận tải khách du lịch, xe ô tô vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe ô tô vận tải hàng hóa tối thiểu là 15 phút.
Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/7/2020, bãi bỏ các Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; Thông tư số 60/2015/TT-BGTVT ngày 02 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2014 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; Thông tư số 92/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quy trình lựa chọn đơn vị khai thác tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô; Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô.

Vietthink News.




Cập nhật: 22/07/2020
Lượt xem:6923