Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

“Muôn hình vạn trạng” của hợp đồng có bản chất là vay tài sản

Để giải quyết những khó khăn về kinh tế, cần nguồn vốn để kinh doanh hoặc cần giải quyết những vấn đề khác thì hợp đồng vay tài sản là phương tiện pháp lý để thỏa mãn những nhu cầu đó. Quan hệ vay tài sản là một trong những quan hệ dân sự diễn ra phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay khi việc thỏa thuận được thực hiện theo ý chí và sự tự nguyện của các bên. Tuy nhiên, khi các bên ký kết hợp đồng sẽ khó có thể tránh khỏi rủi ro. Tranh chấp hợp đồng vay tài sản là một trong những loại tranh chấp xảy ra nhiều nhất và ngày càng phức tạp, các quy định của hợp đồng vay tài sản được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS 2015). 

Sau đây, xin mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết những tranh chấp hợp đồng vay tài sản thường gặp.

I. Thế nào là hợp đồng vay tài sản?

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định theo quy định tại Điều 463 BLDS 2015.

Hợp đồng vay tài sản thường xảy ra tranh chấp khi: Đến hạn bên vay không trả tài sản, không trả lãi theo thỏa thuận; đã ký hợp đồng vay tài sản, bên cho vay không đưa tài sản hoặc bên cho vay đã cho vay với lãi suất cao quá quy định của pháp luật. 

Nguồn ảnh: Internet

II. Một số tranh chấp hợp đồng vay tài sản thường gặp

1. Tranh chấp do chủ thể không có thẩm quyền ký kết hợp đồng

Chủ thể của hợp đồng cho vay bao gồm bên vay và bên cho vay, có thể là tổ chức tín dụng, các cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp ,…bất kỳ chủ thể nào có nhu cầu vay hoặc cho vay đều có thể trở thành chủ thể của hợp đồng vay.
Đối với một bên chủ thể là cá nhân thì phải là người có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự đầy đủ. 
Đối với chủ thể là tổ chức thì người ký kết hợp đồng phải là người đại diện theo pháp luật, người được người đại diện theo phát luật ủy quyền có thẩm quyền ký kết. 

Trên thực tế xảy ra trường hợp như: Không phải là người đại diện theo pháp luật, Không được ủy quyền hoặc là người đại diện theo pháp luật nhưng không có thẩm quyền ký kết, người ký mắc bệnh tâm thần, bị hạn chế/mất năng lực hành vi dân sự,… 
Như vậy, tranh chấp khi hợp đồng được ký bởi người không đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp về nguyên tắc sẽ bị vô hiệu. Cá nhân vay tài sản nhưng bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị ảnh hưởng đến năng lực hành vi cũng sẽ dẫn tới hợp đồng vô hiệu. Tùy từng trường hợp mà hợp đồng vô hiệu toàn phần hoặc vô hiệu từng phần nhưng điểm chung là đều sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của các bên, không đạt được mục đích như ban đầu đã hoạch định.

2. Tranh chấp do hai bên không lập giấy giao nhận tài sản

Tranh chấp này xảy ra khi các bên đã ký kết hợp đồng vay tài sản, nhưng trong điều khoản không thỏa thuận việc giao nhận tài sản. 

Ví dụ: Trường hợp hai bên đã ký kết hợp đồng vay tiền, bên cho vay đã giao tiền mặt cho bên vay nhưng đến hạn thì bên vay không trả. Khi bên cho vay khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết thì bên cho vay - nguyên đơn yêu cầu bị đơn trả tiền, nếu bị đơn thừa nhận đã nhận tiền thì nguyên đơn không phải chứng minh theo quy định khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Nhưng nếu bị đơn không thừa nhận, cho rằng chỉ mới ký hợp đồng và nguyên đơn chưa giao tiền nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Trong trường hợp này, bên cho vay mà không cung cấp được chứng cứ để chứng minh việc giao nhận tiền thì không đủ căn cứ để Tòa án chấp nhận.

Vậy nên, trong hợp đồng vay tài sản, các bên cần thỏa thuận rõ ràng về thời điểm giao nhận tài sản vay, nên có giấy giao nhận tài sản, biên bản giao nhận có đủ chữ ký của các bên và cũng nên có người làm chứng để hạn chế xảy ra tranh chấp sau này.

3. Tranh chấp khi bên vay chậm trả nợ


Nghĩa vụ trả nợ của bên vay được quy định cụ thể tại Điều 466 BLDS 2015. Trong hợp đồng vay tài sản, các bên sẽ thỏa thuận rõ ràng số tiền vay, tài sản vay, lãi suất, thời hạn trả,…Và bên vay cam kết trả các khoản vay đúng thời hạn theo hợp đồng đã ký. Tuy nhiên, bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ, trả tài sản không đúng hạn, vì thế tranh chấp hợp đồng vay tài sản xảy ra. 

Bên cạnh đó, phức tạp hơn khi liên quan đến nghĩa vụ trả nợ của vợ chồng. Trường hợp khi giao dịch vay tài sản chỉ có một người đứng tên vay, nhưng khi bên vay không trả nợ thì bên cho vay yêu cầu cả hai vợ chồng cùng trả nợ. Tài sản do một bên tạo ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung (quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014), nhưng không có quy định nào là cứ vay trong thời kỳ hôn nhân là nợ chung. Nếu một bên vợ hoặc chồng không biết, không sử dụng tài sản vay thì không phải chịu nghĩa vụ liên đới trả nợ. 

Như vậy, để hạn chế tranh chấp xảy ra, ngay từ thời điểm hai bên ký hợp đồng cần thỏa thuận các điều khoản chi tiết, cụ thể về khoản trả vay, lãi chậm trả, trách nhiệm bên vay, nhất là khi bên vay đã kết hôn.

4. Tranh chấp về lãi suất cho vay 

Đây là loại tranh chấp thường xảy ra, nhất là khi người vay thông qua các hình thức “ngoài xã hội”. Lãi suất vay ngoài xã hội thường cao hơn rất nhiều so với lãi suất vay ngân hàng và vượt quá quy định pháp luật cho phép. Bên đi vay thường rơi vào tình trạng cần tiền gấp, với thủ tục vay ngoài xã hội đơn giản hơn mà không cần phải làm thủ tục phức tạp như vay ngân hàng nên họ phải chấp nhận việc vay tiền với lãi suất cao. 

Về lãi suất, nhằm khắc phục hiện tượng cho vay lãi nặng và cũng có cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp về lãi suất. Theo quy định tại Điều 468 BLDS 2015 quy định lãi suất cho vay cụ thể sẽ do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì phần lãi suất vượt quá không có hiệu lực. 

Việc cho vay tiền với lãi “cắt cổ” là mức lãi suất vượt quá 20%/năm quy định tại Điều 468 BLDS 2015. Cụ thể, khi cho vay mà lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS 2015, tức là lãi suất từ 100%/năm trở lên thì việc cho vay đã có dấu hiệu hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015, khung hình phạt cao nhất là 03 năm.

Do đó, khi ký kết hợp đồng vay, các bên thỏa thuận với nhau một cách rõ ràng về mức lãi suất cho vay và chỉ nên chấp nhận mức lãi suất không vượt quá 20%/năm. Mọi thỏa thuận cần lập thành văn bản để tránh rủi ro xảy ra. 

5. Tranh chấp do liên quan đến vay tín chấp và vay có tài sản đảm bảo

Thứ nhất, hợp đồng vay tín chấp: Là hình thức cho vay không cần tài sản đảm bảo và dựa hoàn toàn vào uy tín của cá nhân và năng lực trả nợ của họ. Với loại hình vay tài sản bằng hình thức tín chấp giữa người cho vay và người vay chỉ thiết lập giấy vay tiền, biên nhận vay tiền hoặc hợp đồng vay tiền (gọi chung là hợp đồng vay tiền). Trong hợp đồng vay tiền hai bên ký nhận với nhau số tiền vay, lãi suất và thời hạn trả; song cũng có trường hợp chỉ ghi nhận số tiền vay, còn lãi suất và thời hạn trả hai bên thỏa thuận ngoài. Khi bên vay không trả được nợ, tranh chấp phát sinh khi đó không có căn cứ tính lãi và thời hạn trả nợ đối với khoản vay. 

Thứ hai, hợp đồng vay thế chấp tài sản của bên thứ ba: Hình thức vay này ngày càng phổ biến, trên thực tế người thứ ba không có nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng vay, mà họ chỉ có trách nhiệm, nghĩa vụ từ hợp đồng thế chấp tài sản của mình nên hợp đồng thế chấp có thể rất dễ bị tuyên vô hiệu vì nhiều lý do khác nhau. Và khi đó, bên cho vay cũng không thể kê biên tài sản bảo đảm để trả nợ. 

Do đó, khi xác lập hợp đồng vay tín chấp/hoặc có tài sản đảm bảo bên cho vay cũng cần xem xét kỹ lưỡng, tìm hiểu kỹ giấy tờ trong trường hợp có tài sản bảo đảm, xem xét chặt chẽ tính pháp lý của loại tài sản được thế chấp đảm bảo, quy định nghĩa vụ trả nợ của bên vay rõ ràng, thời hạn và lãi suất trả nợ cũng cần quy định rõ, chi tiết để hạn chế những phát sinh không đáng có xảy ra. 

6. Tranh chấp do hợp đồng vay tài sản giả tạo

Thực tế, đã có nhiều trường hợp các bên thực hiện giao dịch vay tài sản nhưng không ký hợp đồng vay tài sản mà lại ký hợp đồng mua bán, đặt cọc tài sản, mua bán quyền sử dụng đất,...Với trường hợp như vậy, bên cho vay sẽ cầm tài sản của bên vay, khi đến hạn trả nợ, nếu bên vay không trả vốn và lãi thì bên cho vay yêu cầu tiến hành thủ tục mua bán, đặt cọc tài sản, mua bán quyền sử dụng đất. 

Trường hợp trên nếu bên vay kiện lên Tòa án thì khó có thể đòi lại được quyền lợi của mình. Vì bản chất là vay tiền nhưng hình thức không phải là hợp đồng vay tài sản, việc mức lãi suất, hạn trả nợ và lãi không được quy định tại hợp đồng mà sẽ do các bên thỏa thuận. Bên cho vay sẽ đưa hợp đồng mua bán hay đặt cọc tài sản, mua bán quyền sử dụng đất đó ra làm chứng cứ trước Tòa. 

Cũng có thể xảy ra trường hợp, bên vay khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng, hủy giấy tờ đã đứng tên bên cho vay và đồng ý trả tiền nợ và lãi theo quy định nhưng bên cho vay không chấp nhận. 

Vậy nên, vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản do các bên ký kết các hình thức khác (giả tạo của hợp đồng vay) rất phức tạp, mất thời gian, dễ gây tổn thất cho các bên và rủi ro nhất là bên vay. Do đó, các bên không nên ký hợp đồng vay dưới những hình thức trên để hạn chế tranh chấp xảy ra. 

=> Nguyên tắc quan hệ dân sự là các bên tự nguyện thỏa thuận, thống nhất ý chí của các bên. Thế nhưng, vẫn luôn có những tranh chấp hợp đồng xảy ra. Cụ thể, hợp đồng vay tài sản mặc dù theo sự thỏa thuận của các bên nhưng rất dễ xảy ra tranh chấp và kéo theo những hệ lụy. Khi ký kết hợp đồng vay tài sản cần ký đúng bản chất của hợp đồng; thỏa thuận các điều khoản chi tiết, cụ thể về khoản trả vay, mức lãi suất không vượt quá 20%/năm, lãi chậm trả, trách nhiệm bên vay, nhất là khi bên vay đã kết hôn; cần giấy giao nhận tài sản, biên bản giao nhận có đủ chữ ký của các bên; cần xem xét kỹ lưỡng, tìm hiểu kỹ giấy tờ trong trường hợp có tài sản bảo đảm để tránh những tranh chấp xảy ra sau này.

Ma Thuỳ Linh - Công ty Luật TNHH Vietthink
Cập nhật: 24/05/2023
Lượt xem:15423