Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn M&A, có tránh thủ tục cấp phép đầu tư?

Đầu tư nước ngoài trực tiếp – phương thức thường gặp khi Nhà đầu tư đầu tư tại Việt Nam
Đầu tư nước ngoài trực tiếp (“FDI”) tại một quốc gia là việc Nhà đầu tư từ một quốc gia khác, đưa vốn vào quốc gia được đầu tư để có được quyền sở hữu hoặc quyền kiểm soát một thực thể kinh tế tại quốc gia đó. Tại Việt Nam, để được thành lập tổ chức kinh tế và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (“ERC”), nếu các Công ty trong nước chỉ cần thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh thì Nhà đầu tư nước ngoài bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư tại cơ quan đăng ký đầu tư trước khi được Phòng Đăng ký kinh doanh xem xét, chấp thuận việc thành lập doanh nghiệp có vốn nước ngoài.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tại giai đoạn đăng ký đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư và các cơ quan nhà nước có chức năng, thẩm quyền liên quan đến lĩnh vực đăng ký đầu tư đó sẽ thẩm tra khả năng đáp ứng các điều kiện đầu tư của Nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như điều kiện về tỷ lệ vốn góp tối thiểu trong doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động, điều kiện về địa điểm thực hiện dự án, năng lực kinh nghiệm, khả năng tài chính của Nhà đầu tư trong lĩnh vực dự kiến kinh doanh. Để giải trình việc đáp ứng các điều kiện này, Nhà đầu tư thường mất rất nhiều thời gian, chi phí cho việc chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu pháp lý có liên quan. Bên cạnh đó, thời gian để Nhà đầu tư nước ngoài được gia nhập thị trường Việt Nam cũng lâu hơn rất nhiều so với Nhà đầu tư trong nước do phải trải qua quá trình xem xét, chấp thuận của nhiều cơ quan chức năng. Mặc dù việc thẩm tra năng lực đầu tư của Nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết để kiểm soát an toàn môi trường đầu tư, vốn, kinh doanh tại Việt Nam nhưng thực tế lại đang thiếu các quy định hướng dẫn cụ thể về cách thức thẩm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, do đó thực tiễn áp dụng quy định của Luật đầu tư 2014 của các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam vẫn đang là “rào cản” đối với các Nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những Nhà đầu tư mong muốn đầu tư trong các lĩnh vực kinh doanh thương mại, dịch vụ có quy mô vừa và nhỏ.
Lựa chọn mua bán, chuyển nhượng vốn tại Doanh nghiệp
Thuật ngữ M&A bao gồm 2 thành tố: Merger và Acquisition. Merger là việc hợp nhất các công ty thường có quy mô tương đương để tạo thành một doanh nghiệp mới, đồng nghĩa chấm dứt sự tồn tại của các công ty được hợp nhất; Acquisition là việc một công ty mua lại, tiếp quản một công ty khác và trở thành chủ sở hữu của công ty đó mà không làm phát sinh một pháp nhân mới. Tóm lại, M&A là hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các thành viên. Đây là cơ hội giúp Nhà đầu tư nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp thông qua sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp trong nước mà không cần phải thành lập pháp nhân mới. Như vậy, nếu một Doanh nghiệp đã được thành lập và có các giấy phép cần thiết để kinh doanh tại Việt Nam, việc sở hữu vốn tại Doanh nghiệp nội địa sẽ giúp Nhà đầu tư nước ngoài tránh được nhiều thủ tục đăng ký đầu tư và tiết kiệm thời gian, chi phí trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Đây thực chất không phải là một hình thức mới theo Luật Đầu tư, nhưng lại đang trở thành xu hướng được Nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn trong thời điểm hiện nay do quy định về trình tự, thủ tục thực hiện có phần thuận lợi hơn so với hình thức thành lập dự án mới.
Theo quy định tại Điều 24 Luật Đầu tư 2014, Nhà đầu tư nước ngoài có quyền “góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế”. Bằng việc lựa chọn hình thức này, Nhà đầu tư chỉ cần xin chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại cơ quan đăng ký đầu tư trước khi thực hiện hoạt động kinh doanh. Bởi vậy, với Nhà đầu tư nước ngoài, hình thức này có nhiều điểm đáng để cân nhắc: Thứ nhất, dễ dàng tạo lập được mối quan hệ với các bên đối tác, nâng cao năng lực quản lý, đội ngũ nhân viên, công nghệ kĩ thuật từ đó phát triển giá trị lâu dài và bền vững của doanh nghiệp; Thứ hai, tiết kiệm được thời gian và chi phí chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các chi phí không chính thức trong quá trình thực hiện thủ tục.
Tuy nhiên cần lưu ý, việc nhận chuyển nhượng vốn góp của Nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp nội địa đối với các lĩnh vực đầu tư có điều kiện vẫn phải được thẩm tra, thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh tương tự như hình thức thành lập tổ chức kinh tế mới để thực hiện dự án đầu tư. Vì vậy, hình thức này vẫn được các nhà tư vấn khuyến cáo Nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc áp dụng trong quá trình tìm hiểu, đầu tư vào Việt Nam. 
Với vai trò là đơn vị tư vấn luật luôn đồng hành cùng các Nhà đầu tư trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, trong năm qua, Vietthink đã liên tục tư vấn, hỗ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài về phương án cũng như thủ tục để đầu tư thông qua M&A tại Việt Nam. Một số đối tác tiêu biểu mà Vietthink đã tư vấn bao gồm: Tập đoàn One Arrow Consulting (trụ sở chính tại Hong Kong), Công ty TNHH Panasonic Asia Pacific (Nhật Bản), Béni.K Group (Hàn Quốc)… Tháng 9/2017, Vietthink đã tư vấn thành công cho Nhà đầu tư J. International Logistics Co. Ltd (Nhật Bản) đầu tư gián tiếp vào một công ty vận tải trong nước, giúp Nhà đầu tư nhanh chóng gia nhập thị trường, vừa được hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện mà lại không phải trải qua quá trình xin cấp IRC phức tạp.

 
Ảnh: Buổi làm việc giữa Công ty Luật TNHH Vietthink và nhà đầu tư J. International Logistics Co. Ltd (Nhật Bản)

Như vậy, có thể thấy, phương thức đầu tư thông qua mua bán, chuyển nhượng vốn tại doanh nghiệp đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực cho các nhà đầu tư nhiều hơn so với phương thức đầu tư trực tiếp, hứa hẹn sẽ thu hút dòng đầu tư thông qua M&A nhằm khắc phục những rào cản trong trình tự, thủ tục đối với đầu tư trực tiếp đang áp dụng với Nhà đầu tư nước ngoài.
ThS. Luật sư Đinh Tiến Hoàng/ Thân Thu Thảo.


Cập nhật: 25/10/2017
Lượt xem:14782