Sau hơn 14 năm thi hành Luật Cạnh tranh 2004, đến nay tình hình kinh tế - xã hội, môi trường pháp lý trong nước cũng như quốc tế đã có nhiều thay đổi đòi hỏi những quy định trước đây cần được điều chỉnh cho phù hợp. Trước diễn biến đó, tại Kỳ họp thứ 05 ngày 12/6/2018, Quốc Hội khóa XIV đã thông qua Luật Cạnh tranh 2018 thay thế cho Luật Cạnh tranh 2004. Những thay đổi trong Luật Cạnh tranh 2018 được kỳ vọng sẽ tạo lập hành lang pháp lý thống nhất để nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hành vi phản cạnh tranh trên thị trường, mặt khác đảm bảo tôn trọng tối đa quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp như tinh thần về một Chính phủ liêm khiết, kiến tạo mà Thủ tướng nhiều lần khẳng định.
Dưới đây là một số điểm mới nổi bật của Luật Cạnh tranh 2018:
Thứ nhất, Luật Cạnh tranh 2018 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
Theo đó, thay vì chỉ điều chỉnh các hành vi phát sinh tại Việt Nam như trước, Luật Cạnh tranh 2018 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả các hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam, không phân biệt hành vi này được thực hiện trong hay ngoài nước.
Để phù hợp với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh nói trên, Điều 2 Luật Cạnh tranh 2018 cũng đã bổ sung thêm đối tượng áp dụng với
“Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan”.
Thứ hai, Luật Cạnh tranh 2018 đã bổ sung chính sách khoan hồng trong quá trình thực thi pháp luật cạnh tranh.
Theo đó, Điều 112 Luật Cạnh tranh 2018 ghi nhận đối với các trường hợp doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện, điều tra và xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm thì được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng. Việc xem xét miễn hoặc giảm mức xử phạt trên cơ sở đánh giá khả năng đáp ứng đủ các điều kiện sau:
(i) Đã hoặc đang tham gia với vai trò là một bên của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại Điều 11 của Luật Cạnh tranh; (ii) Tự nguyện khai báo hành vi vi phạm trước khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định điều tra; (iii) Khai báo trung thực và cung cấp toàn bộ các thông tin, chứng cứ có được về hành vi vi phạm, có giá trị đáng kể cho việc phát hiện, điều tra và xử lý hành vi vi phạm; (iv) Hợp tác đầy đủ với cơ quan có thẩm quyền trong suốt quá trình điều tra và xử lý hành vi vi phạm.
Thứ ba, Luật Cạnh tranh 2018 bổ sung thêm tiêu chí xác định doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường.
Cụ thể, để phản ánh đúng thực lực cạnh tranh khi xác định doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, bên cạnh tiêu chí thị phần, Luật Cạnh tranh 2018 đã bổ sung thêm tiêu chí sức mạnh thị trường đáng kể. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Cạnh tranh 2018, sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp được xác định căn cứ vào một số yếu tố sau đây:
(i) Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan; (ii) Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp; (iii) Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác; (iv) Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ; (v) Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật; (vi) Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng; (vii) Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; (viii) Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác; (ix) Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.
Thứ tư, Luật Cạnh tranh 2018 đã thay đổi cách tiếp cận trong kiểm soát tập trung kinh tế.
Theo đó, Luật Cạnh tranh 2018 chỉ cấm tập trung kinh tế khi hành vi này gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam. Điều này khác với trước đây, khi Luật Cạnh tranh 2004 ghi nhận việc cấm tập trung kinh tế chỉ trên cơ sở mức thị phần kết hợp. Thay đổi này là phù hợp với các quy định liên quan được ghi nhận tại Hiến pháp 2013, Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014,.. khi xác định tập trung kinh tế là quyền của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh và Nhà nước chỉ kiểm soát hoạt động này chỉ khi có nguy cơ gây tổn hại cho môi trường cạnh tranh quốc gia.
Thứ năm, Luật Cạnh tranh 2018 đã sáp nhập cơ quan quản lý cạnh tranh hiện nay là Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng với Hội đồng cạnh tranh và Văn phòng Hội đồng cạnh tranh thành cơ quan duy nhất là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Ngoài ra, Luật Cạnh tranh 2018 cũng đã có nhiều quy định mới liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Quy định thủ tục trong tố tụng cạnh tranh theo hướng đơn giản, rút ngắn thời gian hơn,..
Kể từ ngày 01/7/2019, Luật Cạnh tranh 2018 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành.
Vietthink News!