Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Những điểm mới nổi bật của Nghị định 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh

Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh là động lực thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế. Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tập trung kinh tế gây tác động đến thị trường diễn ra ngày càng đa dạng và phức tạp, đòi hỏi sự thay đổi tương ứng của pháp luật trong lĩnh vực này để Nhà nước có thể quản lý, điều chỉnh một cách tốt nhất. Gần 2 năm sau sự ra đời của Luật Cạnh tranh 2018, ngày 24/3/2020 vừa qua, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết  một số điều của Luật Cạnh tranh 2018 (“Nghị định 35/2020/NĐ-CP”) để đưa ra những hướng dẫn pháp lý cụ thể, chi tiết, rõ ràng hơn trong quá trình thực thi và áp dụng Luật Cạnh tranh 2018. Nghị định 35/2020/NĐ-CP có một số điểm mới nổi bật như sau:

Thứ nhất, Nghị định 35/2020/NĐ-CP đã đưa ra khái niệm cụ thể về kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp khác là khi thuộc một trong các trường hợp sau:
  • Doanh nghiệp mua lại giành được quyền sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp bị mua lại;
  • Doanh nghiệp mua lại giành được quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng trên 50% tài sản của doanh nghiệp bị mua lại trong toàn bộ hoặc một ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp bị mua lại đó;
  • Doanh nghiệp mua lại có quyền quản lý, điều hành đối với doanh nghiệp bị mua lại, cụ thể là một trong các quyền sau:
+ Trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp bị mua lại;
+ Quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ của doanh nghiệp bị mua lại;
+ Quyết định các vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị mua lại bao gồm việc lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; lựa chọn điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh; lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Thuật ngữ “kiểm soát và chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp khác” không phải là thuật ngữ mới so với các quy định trước đây, tuy nhiên, thuật ngữ này đã được giải thích đầy đủ hơn trong Nghị định 35/2020/NĐ-CP và đã phản ánh được hầu hết tất cả các mối quan hệ có liên quan và/hoặc dẫn đến việc kiểm soát và chi phối một doanh nghiệp và/hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp.

 
Nguồn ảnh: Internet

Thứ hai, thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan, theo đó, Nghị định 35/2020/NĐ-CP đã đưa ra tiêu chí cụ thể hơn để xác định thị trường sản phẩm liên quan cụ thể:
  • Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về đặc tính nếu hàng hóa, dịch vụ đó có sự giống nhau hoặc tương tự nhau về một hoặc một số yếu tố như sau: Đặc điểm, thành phần, tính chất, tính năng kỹ thuật, tác dụng phụ đối với người sử dụng, khả năng hấp thụ, tính chất riêng biệt của hàng hóa, dịch vụ
  • Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về mục đích sử dụng nếu hàng hóa, dịch vụ đó có mục đích sử dụng chủ yếu giống nhau
  • Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về giá cả khi giá của hàng hóa, dịch vụ chênh lệch nhau không quá 5% trong điều kiện giao dịch tương tự.
Việc xác định thị trường liên quan giúp cơ quan cạnh tranh có cơ sở để tính toán thị phần, đây là yếu tố quan trọng giúp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xác định vị trí thống lĩnh, nghĩa vụ thông báo tập trung kinh tế,… Bên cạnh các yếu tố được quy định trước đây, Nghị định 35/2020/NĐ-CP đã đưa ra các phương pháp đánh giá toàn diện, xem xét một loạt những yếu tố phù hợp hơn với sự phát triển kinh tế thị trường và thực tế để định nghĩa thị trường liên quan.

Thứ ba, về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế, Luật Cạnh tranh 2018 đã đưa ra các ngưỡng để xác định trường hợp tập trung kinh tế cần phải thực hiện việc thông báo với cơ quan quản lý cạnh tranh, theo đó, trừ các doanh nghiệp là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán dự định tham gia tập trung kinh tế theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Cạnh tranh thì Nghị định 35/2020/NĐ-CP đã đưa ra những quy định cụ thể, chi tiết hơn về các ngưỡng bắt buộc phải tiến hành thông báo tập trung kinh tế đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi thực hiện tập trung kinh tế nếu thuộc một trong những trường hợp như sau:
  • Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
  • Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
  • Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế từ 1.000 tỷ đồng trở lên;
  • Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
Nhiều chuyên gia nhận định rằng thời điểm Nghị định 35/2020/NĐ-CP có hiệu lực sẽ có sự thay đổi và tác động không nhỏ đến việc điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong lĩnh vực cạnh tranh. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần cập nhật những hướng dẫn, quy định mới của Nghị định 35/2020/NĐ-CP để áp dụng kịp thời và hợp lý trong quá trình hoạt động doanh nghiệp mình.

Nghị định 35/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 15/05/2020.

Vietthink News




Cập nhật: 04/05/2020
Lượt xem:5941