Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Phần 2: Chủ sở hữu khi bị sử dụng trái phép ảnh bán hàng trên mạng xã hội cần phải làm gì?

Tiếp theo chủ đề đã nêu lên tại Phần 1 của cụm bài viết về quyền tác giả đối với các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội dùng để bán hàng, rõ ràng có thể thấy một hình ảnh do chính tác giả sáng tạo ra bằng công sức của mình, kể cả trong trường hợp tác giả đồng thời hoặc không đồng thời là chủ sở hữu, bất kể đã đăng ký quyền tác giả với Cục bản quyền hay chưa thì chủ sở hữu/tác giả luôn có quyền tác giả (bao gồm quyền khai thác tài sản) đối với tác phẩm của mình. Nếu hình ảnh do các bạn sáng tạo hoặc đầu tư để sáng tạo mà đứng tên chủ sở hữu đăng lên mạng xã hội để bán hàng hoặc để phục vụ bất kì mục đích nào khác bị một bên thứ ba nào khác sử dụng để bán hàng trên mạng xã hội (sử dụng với mục đích kinh doanh hoặc tạo ra lợi ích) mà chưa được sự cho phép của bạn, chắc chắn là bên thứ ba đó đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả của bạn đối với tác phẩm mà họ đang sử dụng. Trong trường hợp này, bạn cần phải xử lý tình huống như thế nào để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình? Các biện pháp bảo vệ quyền tác giả là gì xin được đề cập như dưới đây:




5/ Các biện pháp để bảo vệ quyền tác giả?
5.1. Chứng minh được tư cách tác giả và chủ sở hữu tác phẩm


(Nguồn ảnh: https://www.shutterstock.com)

Dù rằng chủ thể bị xâm phạm quyền dùng bất cứ cách thức nào để bảo vệ quyền tác giả của mình thì chủ thể bắt buộc phải cung cấp chứng cứ để chứng minh hai vấn đề sau đây: 
  • Vấn đề thứ nhất: Để chứng minh được quyền chủ sở hữu, tác giả và chủ sở hữu tác phẩm có thể dùng một và/hoặc hai biện pháp sau:
Biện pháp 1: Đăng ký quyền tác giả với Cục bản quyền tác giả. Sau khi đăng ký, Cục bản quyền sẽ ghi nhận các thông tin về tác phẩm, tác giả, chủ sở hữu và các thông tin liên quan đến tác phẩm và cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả;


Biện pháp 2: Lưu trữ tất cả các chứng cứ cần thiết để chứng minh căn cứ phát sinh quyền tác giả trong trường hợp không đăng ký quyền tác giả với Cục bản quyền tác giả.
Theo quy định và phân tích ở trên, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Do đó, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả được ghi nhận và cấp bởi Cục bản quyền tác giả không phải là căn cứ duy nhất chứng minh phát sinh quyền tác giả mà chỉ là một chứng cứ để chứng minh mà thôi. Do vậy trong trường hợp không có Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả để chứng minh thì chủ sở hữu phải cung cấp các chứng cứ khác để chứng minh mình là chủ thể của quyền tác giả (chủ sở hữu, tác giả) chẳng hạn như tài liệu chứng minh mình là người trực tiếp tạo nên tác phẩm; văn bản giao việc cho tác giả thuộc công ty tổ chức của mình tạo nên tác phẩm và văn bản bàn giao tác phẩm đã hoàn thành; hợp đồng thuê tác giả tạo ra tác phẩm; hay tài liệu chứng minh được hưởng quyền thừa kế hoặc các tài liệu tạo ra tác phẩm ghi nhận trên cơ sở dữ liệu máy tính…
  • Vấn đề thứ hai: Chủ thể cho rằng quyền tác giả của mình bị xâm phạm phải cung cấp chứng minh về hành vi xâm phạm quyền tác giả của mình, cụ thể là phải chứng minh có một, một số hoặc toàn bộ các hành vi xâm phạm quyền tác giả sau đây: 
i. Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học;
ii. Mạo danh tác giả; 
iii. Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả; 
iv. Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó; 
v. Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả;
vi. Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành;
vii. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành;
viii. Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành;
ix. Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả;
x. Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả;
xi. Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả;
xii. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình;
xiii. Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm;
xiv. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình;
xv. Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo; 
xvi. Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Khi xác định được hành vi xâm phạm, chủ sở hữu nếu cho rằng khả năng xâm phạm là có xảy ra dựa trên các tiêu chí đề cập ở trên, chủ sở hữu cần phải ghi lại các hành vi xâm phạm này bằng một cách nào đó để lấy bằng chứng chứng minh các hành vi xâm phạm quyền, lập vi bằng hành vi xâm phạm là một gợi ý trong trường hợp này để có cơ sở đảm bảo cho các cáo buộc xâm phạm sau này từ chủ sở hữu quyền tác giả cũng như có thể sử dụng trong trường hợp bên xâm phạm không hợp tác buộc hai bên phải nhờ đến các cơ quan chức năng xử lý vụ việc.

5.2. Biện pháp bảo vệ quyền tác giả
Biện pháp đầu tiên khi người dùng các trang mạng xã hội có thể dùng để bảo vệ quyền lợi của mình đó là biện pháp tự bảo vệ19. Tự bảo vệ có thể được thực hiện bằng cách sử dụng công cụ “Báo cáo hành vi vi phạm hoặc xâm phạm quyền của bạn” hiển thị trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên trong trường hợp người dùng đã báo cáo nhưng các mạng xã hội này không xử lý, chậm xử lý hoặc kết quả xử lý không như mong muốn hoặc yêu cầu của người báo cáo có thể áp dụng tiếp theo một trong các biện pháp sau đây để tự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chính mình: 

(i) Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ : là việc các chủ thể quyền đưa các thông tin quản lý quyền gắn với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; đưa thông tin quản lý quyền xuất hiện cùng với việc truyền đạt tác phẩm tới công chúng nhằm xác định tác phẩm, tác giả của tác phẩm, chủ sở hữu quyền, thông tin về thời hạn, điều kiện sử dụng tác phẩm và mọi số liệu hoặc mã, ký hiệu thể hiện thông tin đó để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan. Đồng thời các chủ thể quyền có thể áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ các thông tin quản lý quyền, ngăn chặn các hành vi tiếp cận tác phẩm, khai thác bất hợp pháp quyền sở hữu của mình theo quy định của pháp luật20;

(ii) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

(iii) Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan; 

(iv) Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình21.    


(Nguồn ảnh: https://www.relevance.com)

Như vậy, theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ thì về cơ bản có hai nhóm biện pháp chính để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:
  • Biện pháp dân sự: bao gồm các biện pháp như: (i) yêu cầu tổ chức cá nhân có hành vi dân sự phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại; (ii) khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài; và
  • Biện pháp phi dân sự: bao gồm các biện pháp hành chính và các biện pháp hình sự.  Biện pháp hành chính là biện pháp yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành chính các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Biện pháp hình sự là biện pháp xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định là tội phạm trong Bộ luật hình sự theo thủ tục tố tụng hình sự 2015.
Tại Việt Nam hiện nay, trong thực tế để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, các chủ thể thường sử dụng các biện pháp dân sự và các biện pháp hành chính. 

Tóm lại, ngày nay việc sử dụng mạng xã hội cho nhiều mục đích trong đó có mục đích kinh doanh là ngày càng phổ biến. Do vậy khi sử dụng mạng xã hội mọi người nên nắm các kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ, trong đó có kiến thức về quyền tác giả (bản quyền) để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và tránh việc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác./. 

Huỳnh Đặng Hoàng Mai - Luật sư tư vấn Sở hữu trí tuệ - Công ty Luật Vietthink

------------------------------------------------------
Nội dung chú thích trong bài viết:
19 Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ hiện hành.
20 Khoản 1 Điều 43 Nghị định 100/2006/NĐ-CP.
21 Khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.







Cập nhật: 08/04/2021
Lượt xem:6082