Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Quan điểm về hành vi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với “dụng ý xấu” qua vụ án tranh chấp quyền đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf” tại Việt Nam.

Bài viết liên quan đến Bản án số 80/2019/KDTM-PT, ngày 24/12/2019 về việc tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ và yêu cầu hủy Quyết định cá biệt của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành Phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Bản án số 80/2019/KDTM-PT). Thông qua việc phân tích nội dung bản án, bài viết làm rõ về việc xác định hành vi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với “dụng ý xấu” từ góc nhìn pháp lý và thực tiễn xét xử. Ở thời điểm xảy ra vụ tranh chấp, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam chưa có khái niệm “dụng ý xấu”, cho nên bản án này là xét xử về hành vi nộp đơn “không trung thực” – một biểu hiện của “dụng ý xấu”.

1. Tóm tắt và bối cảnh vụ tranh chấp:

Vụ án phát sinh từ việc Công ty Herdgraph Pty Ltd (Úc) nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “” tại Việt Nam vào ngày 26/08/2003 theo đơn số 4-2003-07360, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên từ ngày 26/02/2003 theo Công ước Paris (theo đơn đầu tiên nộp tại Úc). Đơn đăng ký này bao gồm các sản phẩm thuộc Nhóm 7 (máy sử dụng trong công nghiệp xây dựng và công nghiệp khai thác đá; bao gồm máy xử lý vật liệu, máy nâng, thanh căng dùng cho xích treo, cần nâng, khung vận chuyển, máy cưa tại hiện trường, mấy cưa gạch, máy trộn xi măng và máy đánh bóng) và Nhóm 12 (xe đẩy tay và xe goòng).

Tuy nhiên, trước đó, cụ thể là trước ngày ưu tiên hai ngày, ngày 24/02/2003, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Cơ khí Xây dựng S đã nộp đơn số 4-2003-01139 để đăng ký nhãn hiệu “” tại Việt Nam cho các sản phẩm thuộc Nhóm 7 như máy cưa, máy cắt gạch, máy đánh bóng gạch, máy gắp đá.

Sau nhiều năm phản đối, khiếu nại và xử lý hành chính tại Cục Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu “” theo đơn đăng ký số 4-2003-01139 đã được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 293941, ngày cấp là ngày 29/12/2017 dưới tên Công ty TNHH MTV Cơ khí Xây dựng S.

Nguyên đơn trong vụ án là Công ty TNHH MTV K, đơn vị đã nhận chuyển nhượng quyền đối với đơn đăng ký số 4-2003-07360 từ Herdgraph. Bị đơn là Công ty TNHH MTV Cơ khí Xây dựng S. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Cục Sở hữu trí tuệ. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu:

a. Buộc bị đơn rút đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-2003-01139.

b. Hủy Quyết định số 93658/QĐ-SHTT đã cấp văn bằng bảo hộ cho bị đơn.

với lý do Bị đơn đã nộp đơn nhãn hiệu trên cơ sở không trung thực.

Bị đơn - Công ty TNHH MTV Cơ khí Xây dựng S và Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - Cục Sở hữu trí tuệ đều bác bỏ yêu cầu này của Nguyên đơn với các lập luận như dưới đây:

a. Bị đơn nộp đơn trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu của nguyên đơn và đơn của bị đơn là hợp lệ theo các quy định có hiệu lực vào thời điểm nộp đơn và xử lý đơn đăng ký;

b. Không có hành vi có hành vi không trung thực và đơn đáp ứng các điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ ở thời điểm nộp đơn và xử lý đơn đăng ký;

c. Việc điều chỉnh đơn đăng ký và việc cấp, thu hồi và tái cấp GCN đều đúng quy định pháp luật ở thời điểm từng thời điểm xử lý đơn đăng ký.

Tòa sơ thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Tòa phúc thẩm bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm vì:

a. Nguyên đơn không chứng minh được bị đơn có hành vi không trung thực khi đăng ký;

b. Không có bằng chứng chứng minh việc sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam trước thời điểm nộp đơn của bị đơn.

2. Góc nhìn thực tiễn xét xử:

Nguyên đơn thừa nhận có ngày nộp đơn (ngày ưu tiên) sau ngày nộp đơn của bị đơn nhưng lập luận ba lý do để chứng minh bị đơn có hành vi không trung thực khi tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “” là:

(Lý do 1) Ông James Edmund Corbett đã đăng ký tên kinh doanh “Aardwolf" tại Úc vào ngày 28/01/2003 là trước thời điểm bị đơn đăng ký nhãn hiệu “” tại Việt Nam;

(Lý do 2) Nhãn hiệu “” của nguyên đơn đã được đăng ký bảo hộ tại Mỹ, Cộng đồng chung Châu Âu, Canada; và

(Lý do 3) Bị đơn không sử dụng nhãn hiệu “” trong kinh doanh.

Đối với từng lý do của nguyên đơn, quan điểm của Hội đồng xét xử đều cho rằng ba lý do này là không có cơ sở, cụ thể như sau:

(Đối với Lý do 1) Bác bỏ lý do này vì:

- Công ước Paris thì tên kinh doanh “Aardwolf” do cá nhân ông James đăng ký tại Úc không phải là đối tượng được hưởng quyền ưu tiên để đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam.

- Công ước Paris quy định chỉ có đơn đăng ký nhãn hiệu mới được hưởng quyền ưu tiên khi đăng ký nhãn hiệu tại một quốc gia thành viên khác và đơn nộp sau đó được coi như nộp cùng ngày với đơn đầu tiên với điều kiện chủ đơn đăng ký nhãn hiệu phải nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đó tại Việt Nam trong thời hạn 06 tháng. Công ty Hergraph đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “” số 4-2003-07360 tại Việt Nam vào ngày 26/08/2003 và đơn này đã được hưởng ngày ưu tiên 26/02/2003 do Hergraph nộp trước đó tại Úc nhưng vẫn sau ngày nộp đơn của bị đơn.

- Quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn không xuất trình được chứng cứ chứng minh đã sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam trước thời điểm bị đơn đăng ký nhãn hiệu”,

- Quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn cũng như không xuất trình được chứng cứ chứng minh bị đơn biết việc ông James Edmund Corbett đã đăng ký tên kinh doanh tại Úc nên thực hiện việc nộp đơn trước tại Việt Nam để cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm quy định tại Điều10bis Công ước Paris.

- Theo hồ sơ vụ án thể hiện Công ty Hergraph chuyển giao đơn đăng ký nhãn hiệu “” số 4-2003-07360 tại Việt Nam cho nguyên đơn vào năm 2013 và được Cục SHTT ghi nhận việc chuyển giao đơn này theo Thông báo số 8409/SHTT-NH2 ngày 01/10/2013. Tuy nhiên, trong nội dung hợp đồng chuyển giao giữa Công ty Hergraph và nguyên đơn chỉ thể hiện việc chuyển giao đơn số 4-2003-0736, nên lời trình bày của người đại diện Cục SHTT tại tòa xác định nguyên đơn chỉ là người kế thừa các quyền và nghĩa vụ của chủ đơn đối với đơn nhãn hiệu số 4-2003-07360, không phải là người kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Công ty Hergraph hoặc của ông James Edmund Corbett là có cơ sở, do đó Hội đồng xét xử xét thấy nguyên đơn không thể căn cứ vào mối quan hệ của cá nhân ông James Edmund Corbett và ông Nguyễn Nhơn H (chủ sở hữu của bị đơn) để cho rằng Công ty S có hành vi “không trung thực” khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu là có căn cứ.

(Đối với Lý do 2) Tại phiên tòa chính ông James Edmund Corbett (là người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn) đã thừa nhận các đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf” của Nguyên đơn tại Hoa Kỳ, Cộng đồng chung Châu Âu và Canada đều có ngày nộp đơn sau ngày bị đơn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu” số 4-2003-01139 tại Việt Nam, do đó việc nguyên đơn đã được cấp đăng ký bảo hộ tại các nước nêu trên không có giá trị chứng minh nguyên đơn đã sử dụng nhãn hiệu “” trước tại Việt Nam.

(Đối với Lý do 3) Mặt khác, Điểm a Khoản 2 Điều 14 Nghị định 63/CP cho phép chủ thể đăng ký nhãn hiệu có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu mà mình lựa chọn để hưởng ngày ưu tiên trước khi tiến hành sản xuất kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu xin đăng ký, do đó cho dù bị đơn chưa sử dụng nhãn hiệu “” nhưng đã nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu trước khi sử dụng vẫn phù hợp qui định pháp luật.

Chính vì thế, Hội đồng xét xử khẳng định lại rằng không có cơ sở để cho rằng bị đơn có hành vi không trung thực khi tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “”.

3. Góc nhìn pháp lý:

Khái niệm “dụng ý xấu” là một khái niệm mới lần đầu tiên được đưa vào luật sở hữu trí tuệ Việt Nam ở Luật số 07/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023. Do vậy, có thể khẳng định lại rằng ở Việt Nam chưa có khái niệm pháp lý rõ ràng về “dụng ý xấu” tại thời điểm vụ việc xảy ra vụ tranh chấp (năm 2003). Trong Bản án số 80/2019/KDTM-PT, Tòa án đã áp dụng khái niệm “hành vi không trung thực” – đây có thể là một biểu hiện điển hình của “dụng ý xấu” (khái niệm đã có và có hiệu lực thi hành ở thời điểm hiện này) – để làm căn cứ đánh giá tính hợp pháp của hành vi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu.

Hiện nay, “dụng ý xấu” đã được chính thức đề cập đến tại điểm a khoản 1 Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022, theo đó Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sẽ bị hủy bỏ toàn bộ nếu có căn cứ xác định người nộp đơn thực hiện việc đăng ký với dụng ý xấu. Để hướng dẫn áp dụng, Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN đã nêu rõ một số tiêu chí xác định “dụng ý xấu” tại khoản 2 Điều 34, cụ thể bao gồm các tiêu chí được liệt kê dưới đây:

- Có căn cứ cho rằng, tại thời điểm nộp đơn, người nộp đơn biết hoặc có cơ sở để biết nhãn hiệu mình đăng ký trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với một nhãn hiệu đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam hoặc nhãn hiệu nổi tiếng tại các nước khác cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự;

- Việc đăng ký này nhằm lợi dụng danh tiếng, uy tín của nhãn hiệu đó để thu lợi; HOẶC

- Việc đăng ký này chủ yếu nhằm mục tiêu bán lại, cấp phép hoặc chuyển giao quyền đăng ký cho người có các nhãn hiệu đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam hoặc nhãn hiệu nổi tiếng tại các nước khác cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự; HOẶC

- Việc đăng ký này nhằm mục tiêu ngăn chặn khả năng gia nhập thị trường của người có các nhãn hiệu đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam hoặc nhãn hiệu nổi tiếng tại các nước khác cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự; HOẶC

- Các hành vi trái với tập quán thương mại lành mạnh khác.

Dù chưa có quy định cụ thể tại thời điểm tranh chấp, thì Việt Nam đã là thành viên Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp (Paris Convention for the Protection of Industrial Property) (Sau đây gọi là “Công ước Paris”) từ năm 1949. Công ước Paris, khái niệm “bad faith” (dụng ý xấu) không được nêu một cách trực tiếp bằng từ ngữ đó, nhưng được bao hàm về mặt nội dung trong một số điều khoản, đặc biệt là trong quy định về cạnh tranh không lành mạnh tại Điều 10bis.

Điều 10bis Công ước Paris nghiêm cấm mọi hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm cả việc cố ý đăng ký nhãn hiệu nhằm chiếm đoạt quyền hoặc gây nhầm lẫn với người tiêu dùng về nguồn gốc thương mại. Cụ thể Điều 10bis Công ước Paris quy định như sau:

Điều 10bis Công ước Paris. Cạnh tranh không lành mạnh

(1) Các nước thành viên của Liên minh có trách nhiệm bảo đảm cho công dân của các nước thành viên đó sự bảo hộ có hiệu quả chống lại hành động cạnh tranh không lành mạnh.

(2) Bất cứ hành động nào trái với tập quán trung thực trong công nghiệp và thương mại đều bị coi là hành động cạnh tranh không lành mạnh.

(3) Cụ thể, những hành động sau đây phải bị ngăn cấm:

1. tất cả những hành động có khả năng gây nhầm lẫn dưới bất cứ hình thức nào đối với cơ sở, hàng hoá, hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh của người cạnh tranh;

2. những khẳng định sai lệch trong hoạt động thương mại có khả năng gây mất uy tín đối với cơ sở, hàng hoá, hoạt động công nghiệp hoặc thương mại của người cạnh tranh;

3. những chỉ dẫn hoặc khẳng định mà việc sử dụng chúng trong hoạt động thương mại có thể gây nhầm lẫn cho công chúng về bản chất, quá trình sản xuất, tính chất, tính thích hợp để sử dụng hoặc số lượng của hàng hoá.”

Trường hợp người đại diện/đại lý ‘qua mặt’ chủ thể sở hữu là điển hình của hành vi đăng ký với dụng ý xấu, đã được Công ước Paris ghi nhận cụ thể tại Điều 6septies và được nội luật hóa tại khoản7 Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành.

Điều 6septies Công ước Paris. Nhãn hiệu: Đăng ký nhãn hiệu dưới tên của người đại diện hoặc đại lý mà không được chủ nhãn hiệu cho phép

(1) Nếu đại lý hoặc người đại diện của người là chủ nhãn hiệu tại một trong số các nước thành viên của Liên minh vẫn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho chính mình tại một hoặc nhiều nước thành viên của Liên minh, mà không được sự cho phép của người chủ đó thì chủ nhãn hiệu có quyền phản đối việc đăng ký hoặc đề nghị huỷ bỏ việc đăng ký đó, hoặc, nếu luật quốc gia cho phép, chuyển việc đăng ký đó cho mình, trừ trường hợp đại lý hoặc người đại diện biện hộ được cho hành động của mình.

(2) Người chủ nhãn hiệu, theo các quy định tại khoản (1) nêu trên, có quyền phản đối việc đại lý hoặc người đại diện sử dụng nhãn hiệu của mình nếu không cho phép việc sử dụng đó.

(3) Luật quốc gia có thể quy định một thời hạn hợp lý mà theo đó chủ nhãn hiệu có thể thực hiện quyền đã được quy định tại Điều này.

Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Quyền đăng ký nhãn hiệu

7. Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.”

4. Nhận định và kiến nghị:

4.1. Nhận định:

Tuy vụ án tranh chấp nhãn hiệu “Aardwolf” như trong Bản án số 80/2019/KDTM-PT là trước khi có quy định hủy Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do đăng ký với “dụng ý xấu” như quy định tại điểm a khoản 1 Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 và như được hướng dẫn thế nào là dụng ý xấu tại khoản 2 Điều 34 Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN và Tòa án chỉ áp dụng quy định tại Điều 10bis Công ước Paris để xem thế nào là “không trung thực” hay có “hành vi cạnh tranh không lành mạnh”. Tuy nhiên, có thể thấy rằng quan điểm của Tòa án rất tiến bộ và cũng tiệm cận với quy định của pháp luật thực đính và có thể là một thực tiễn để đánh giá có hay không có “dụng ý xấu” để các bên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi đăng ký nhãn hiệu.

Cụ thể, từ Bản án số 80/2019/KDTM-PT, để có thể xem là “không trung thực”/“cạnh tranh không lành mạnh”/“dụng ý xấu”; bên đưa ra yêu cầu phải có chứng cứ để chứng minh ít nhất là một trong nhưng không giới hạn ở các vần để được liệt kê dưới đây:

Bên đưa ra yêu cầu đã sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam trước thời điểm đơn đăng ký nhãn hiệu có dụng ý xấu nộp tại Việt Nam;

Chủ đơn của đơn đăng ký nhãn hiệu có dụng ý xấu nộp tại Việt Nam biết việc bên đưa ra yêu cầu có sử dụng nhãn hiệu để cạnh tranh không lành mạnh;

Bên đưa ra yêu cầu có mối quan hệ kinh doanh với chủ đơn của đơn đăng ký nhãn hiệu có dụng ý xấu nộp tại Việt Nam;

Bên đưa ra yêu cầu có các đơn đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia khác trước thời điểm đơn đăng ký nhãn hiệu có dụng ý xấu nộp tại Việt Nam;

Tóm lại, việc chứng minh “dụng ý xấu” trong đăng ký nhãn hiệu đòi hỏi chứng cứ xác thực, chi tiết và rõ ràng, chứ không thể chỉ dựa vào suy đoán, danh nghĩa sở hữu ở nước ngoài hay sự tương tự về dấu hiệu.

4.2. So sánh với một số vụ án quốc tế điển hình về “dụng ý xấu”:

Trong việc xác định hành vi “dụng ý xấu” (“bad faith”) khi đăng ký nhãn hiệu, nhiều quốc gia đã có hệ thống pháp luật và thực tiễn xét xử phát triển hơn, qua đó củng cố cách tiếp cận hiện đại và cân bằng lợi ích giữa các bên. Một số vụ việc tiêu biểu có thể đối chiếu như sau:

Vụ “Hotel Cipriani” (Anh, 2008): Một nhà hàng tại London đã đăng ký và sử dụng nhãn hiệu “Cipriani” – trùng với thương hiệu khách sạn nổi tiếng tại Venice – mà không có sự cho phép. Tòa án Anh kết luận rằng đây là hành vi “bad faith” vì bên đăng ký không thể không biết đến thương hiệu gốc. Nhãn hiệu bị hủy.

Vụ “Michael Jordan” (Trung Quốc, 2020): Công ty Qiaodan Sports đã đăng ký nhãn hiệu “Qiaodan” (phiên âm của Jordan) kèm biểu tượng, màu sắc tương tự, dù không được Michael Jordan cho phép. Tòa Tối cao Trung Quốc xác định có hành vi dụng ý xấu và yêu cầu thu hồi quyền đăng ký.

Vụ “Manolo Blahnik” (Trung Quốc, 2022): Một cá nhân Trung Quốc đã đăng ký nhãn hiệu “Manolo Blahnik” từ năm 1999,dù không sử dụng trong thương mại. Sau hơn 20 năm kiện tụng, Tòa án Nhân dân Tối cao tuyên hủy văn bằng vì xác định đăng ký chỉ nhằm chiếm đoạt tên tuổi của nhà thiết kế thời trang nổi tiếng.

Các vụ việc trên cho thấy: để xác định dụng ý xấu, các yếu tố được Tòa án cân nhắc bao gồm:

- Sự nổi tiếng của nhãn hiệu tại thời điểm đăng ký;

- Mối quan hệ thực tế giữa các bên;

- Bằng chứng về hành vi lợi dụng, chiếm đoạt hoặc đăng ký nhằm cản trở đối thủ.

4.3. Kiến nghị:

Do vậy, từ phía cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thực hiện các hoạt động kinh doanh thương mại cần phải lưu ý các vấn đề sau để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình tránh bị các bên có dụng ý xấu xâm phạm quyền đăng ký nhãn hiệu của mình, cụ thể như sau:

- Các chủ thể có hoạt động xuất khẩu, phân phối hoặc nhượng quyền cần chủ động đăng ký nhãn hiệu tại các thị trường mục tiêu (trong đó có Việt Nam);

- Trong hợp đồng hợp tác cần quy định rõ nghĩa vụ không đăng ký nhãn hiệu trùng/tương tự đến mức gây nhầm lẫn của đối tác/đại lý, và cơ chế xử lý vi phạm/bồi thường thiệt hại khi có hành vi này;

- Theo dõi chặt thông tin đăng ký nhãn hiệu tại quốc gia khác thông qua công cụ tra cứu WIPO, IP Viet Nam… để sớm phản ứng trước các hành vi chiếm đoạt, cụ thể phản đối cấp khi còn trong thời hạn phản đối cấp, nêu ý kiến của người thứ ba về việc không cấp văn bằng bảo hộ; yêu cầu hủy hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

LS. Huỳnh Đặng Hoàng Mai - Công ty Luật TNHH Vietthink

Tài liệu tham khảo:

- Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng11 năm 2005 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi: Luật số 36/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01tháng 01 năm 2010; Luật số 42/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2019; Luật số 07/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01năm 2023.

- Thông tư quy định chi tiết một số điều của luật sở hữu trí tuệ và biện pháp thi hành nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp số 23/2023/TT-BKHCN ngày 30 tháng 11 năm 2023, có hiệu lực kể từ ngày 30 tháng 11 năm 2023.

- Công ước paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp (Thông qua ngày 20/3/1883, được sửa đổi tại Brussels ngày 14/12/1900, tại Washington ngày 2/6/1911, tại LaHay ngày 6/11/1925, tại London ngày 2/6/1934, tại Lisbon ngày 31/10/1958 và tại Stockholm ngày 14/7/1967, và được tổng sửa đổi ngày 28/9/1979).

https://congbobanan.toaan.gov.vn/5ta475684t1cvn/CONG_TY_KY_NGHE_SOI___STC.pdf

-Thông tin đơn nhãn hiệu số 4-2003-07360; https://wipopublish.ipvietnam.gov.vn/wopublish-search/public/trademarks;jsessionid=0EEF055A0EF2D0BA906E5A88B15C309B?0&query=*:*#.

-Thông tin đơn nhãn hiệu số 4-2003-01139; https://wipopublish.ipvietnam.gov.vn/wopublish-search/public/trademarks?2&query=*:*#.

- Đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu - Quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng; https://danchuphapluat.vn/dang-ky-nhan-hieu-voi-dung-y-xau-quy-dinh-phap-luat-va-thuc-tien-ap-dung?utm_source=chatgpt.com.

- United Kingdom GB031-j Hotel Cipriani v Cipriani [2010] EWCA Civ 110; https://www.wipo.int/wipolex/en/text/585793.

- Michael Jordan Comes Out Victorious In Trademark Case In China's Supreme Court; https://www.si.com/nba/2020/04/14/michael-jordan-copyright-lawsuit-case-china.

- Luxury shoemaker Manolo Blahnik wins 22-year trademark battle in China; https://www.reuters.com/business/retail-consumer/luxury-shoemaker-manolo-blahnik-wins-22-year-trademark-battle-china-2022-07-19/.

#sohuutritue #nhanhieuu #IP #trademark #Vietthink

Cập nhật: 09/07/2025
Lượt xem:241