Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Quy định mới của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics

Ngày 30/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics (“Nghị định 163/2017/NĐ-CP”) thay thế Nghị định số 140/2007/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc (“Nghị định140/2007/NĐ-CP”). Những điểm mới của Nghị định được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi hơn để các doanh nghiệp dễ dàng trong việc tiếp cận thị trường logistics; phát huy lợi thế địa - chính trị trong phát triển cơ sở hạ tầng logistics để hoàn thành mục tiêu giúp Việt Nam sẽ trở thành trung tâm trung chuyển hàng lớn của Đông Nam Á và châu Á.

 

Về mặt kỹ thuật lập pháp, để phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay, thuật ngữ “lô-gi-stíc” trong Nghị định 140/2007/NĐ-CP trước đó đã đã được đổi thành “logistics”.

Về cách phân loại dịch vụ logistics, thay vì phân loại theo từng nhóm gồm: Các dịch vụ lô-gi-stíc chủ yếu, các dịch vụ lô-gi-stíc liên quan đến vận tải, các dịch vụ lô-gi-stíc liên quan khác theo Nghị định 140/2007/NĐ-CP thì hiện nay tại Điều 3 Nghị định 163/2017/NĐ-CP đã phân loại thành 17 loại dịch vụ logistics cụ thể.

Đối với điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, Nghị định 163/2017/NĐ-CP cũng ghi nhận thương nhân kinh doanh các dịch vụ cụ thể thuộc dịch vụ logistics ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh đối với dịch vụ cụ thể, thì đối với thương nhân tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác, còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử.

Đặc biệt, đối đối với nhà đầu tư nước ngoài khi kinh doanh dịch vụ logistics, bên cạnh việc phải đáp ứng các điều kiện như nhà đầu tư trong nước, Nghị định 163/2017/NĐ-CP cũng ghi nhận thêm một số điều kiện khác. Chẳng hạn, khi kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển (trừ vận tải nội địa), nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập các công ty vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%. Tổng số thuyền viên nước ngoài làm việc trên các tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam (hoặc được đăng ký ở Việt Nam) thuộc sở hữu của các công ty này tại Việt Nam không quá 1/3 định biên của tàu. Thuyền trưởng hoặc thuyền phó thứ nhất phải là công dân Việt Nam ... 

Mặc dù vậy, để phù hợp với những cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Nghị định 163/2017/NĐ-CP cũng ghi nhận trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế có quy định khác nhau về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics, nhà đầu tư được quyền lựa chọn áp dụng điều kiện đầu tư quy định tại một trong các điều ước đó.

Bên cạnh đó, Nghị định 163/2017/NĐ-CP cũng đã quy định về giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics.

Kể từ ngày 20/2/2018, Nghị định 163/2017/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực thi hành!

Vietthink News





Cập nhật: 17/01/2018
Lượt xem:6368