Tin Liên Quan
Quay lại Bản in
Cỡ chữ

Quy định mới về quản lý, sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chững lại do sự ảnh hưởng của dịch Covid 19 thì tại Việt Nam, nền kinh tế đang bước đầu vận hành và đi dần vào giai đoạn ổn định. Để sẵn sàng đón nhận và sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ từ các chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế, ngày 25/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (“Nghị định 56/2020/NĐ-CP”). Nghị định mới được xây dựng nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và phù hợp với các quy định pháp luật về quản lý đầu tư công, quản lý nợ công, ngân sách Nhà nước,...Nghị định 56/2020/NĐ-CP có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, quy định các dự án, chương trình được ưu tiên sử dụng các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, cụ thể:
  • Vốn ODA không hoàn lại được ưu tiên sử dụng để thực hiện chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tăng cường năng lực; hỗ trợ xây dựng chính sách, thể chế và cải cách; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; an sinh xã hội; chuẩn bị các dự án đầu tư hoặc đồng tài trợ cho dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của khoản vay.
  • Vốn vay ODA được ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng kinh tế thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.
  • Vốn vay ưu đãi được ưu tiên sử dụng cho chương trình, dự án vay về để cho vay lại theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước trong lĩnh vực phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
 
Nguồn ảnh: Internet

Thứ hai
, vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài chỉ được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Theo đó, không sử dụng vốn vay nước ngoài để nộp thuế, trả các loại phí, lãi suất tiền vay, mua sắm ô tô (trừ ô tô chuyên dụng được cấp có thẩm quyền quyết định), vật tư, thiết bị dự phòng cho quá trình vận hành sau khi dự án hoàn thành; chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí hoạt động của Ban quản lý chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay đã “tốt nghiệp” IDA (tức dừng vay từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế), nguồn vốn ODA, vốn ưu đãi nước ngoài ngày càng hạn hẹp thì việc quy định chặt chẽ việc sử dụng nguồn vốn trên là một điều hiển nhiên, phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Điều này sẽ làm tăng cường trách nhiệm quản lý của các cơ quan chủ quản, người ra quyết định đầu tư dự án, người sử dụng vốn khi cần phải tính toán xem xét kỹ trước khi sử dụng các nguồn vốn trên.

Thứ ba, bổ sung thêm các nguyên tắc cơ bản trong quản lý nhà nước về vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Trong đó, các thông tin về chính sách hợp tác, lĩnh vực ưu tiên của các nhà tài trợ nước ngoài sẽ được công bố công khai trên Hệ thống Cổng thông tin điện tử của Chính phủ (chinhphu.vn; mpi.gov.vn; mof.gov.vn; mofa.gov.vn). Đây được cho là một quy định mới có ích cho chủ dự án, người sử dụng vốn. Việc công bố thông tin sẽ giúp cho chủ dự án, người sử dụng vốn, chủ động kế hoạch cũng như nắm bắt thông tin nhanh chóng, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình quản lý các nguồn vốn. Ngoài ra phương thức xác định khoản mục chi đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước cũng được áp dụng thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật có liên quan.

Thứ tư, bổ sung quy định về quản lý tài chính vốn ODA không hoàn lại. Nguồn vốn ODA không hoàn lại ở Việt Nam nói chung vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là ở khía cạnh quản lý sử dụng và hệ quả đương nhiên là sự lãng phí nguồn vốn này. Do vậy Nghị định số 56/2020/NĐ-CP đã dành riêng một chương 7 về quản lý tài chính vốn ODA không hoàn lại. Chương này bao gồm những nội dung cơ bản sau: nguyên tắc quản lí tài chính đối với vốn ODA không hoàn lại, mở tài khoản thanh toán cho chương trình, dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại, lập kế hoạch tài chính vốn ODA không hoàn lại, kiểm soát chi, giải ngân, hạch toán và ghi thu ghi chi vốn ODA không hoàn lại bằng tiền, tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại bằng hàng hóa và dịch vụ.

Nghị định 56/2020/NĐ-CP ban hành được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc, bất hợp lý trong thực tiễn triển khai các Nghị định đã ban hành trước đây về quản lý và sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi. Đồng thời, nâng cao hiệu quả của việc quản lý, sử dụng vốn, tránh lãng phí các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi này.

Nghị định 56/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 25/5/2020.

Vietthink News.




Cập nhật: 09/07/2020
Lượt xem:17654