Ngày 01/09/2017, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 102/2017/NĐ-CP về đăng ký biện pháp bảo đảm, trong đó quy định các vấn đề về thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản, quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Theo đó Nghị định quy định có 04 biện pháp bảo đảm phải đăng ký bao gồm: Thế chấp quyền sử dụng đất; Thế chấp tài sản gắn liền với đất trong trường hợp tài sản đó đã được chứng nhận quyền sở hữu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, (đối với hai biện pháp bảo đảm này này thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký là Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường); Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay (Cơ quan có thẩm quyền đăng ký là Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải); Thế chấp tàu biển (Cơ quan có thẩm quyền đăng ký là Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Chi cục hàng hải, Cảng vụ hàng hải theo phân cấp của Cục Hàng hải Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về các biện pháp bảo đảm được đăng ký khi có yêu cầu đó là thế chấp tài sản là động sản khác; thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; mua bán tàu bay, tàu biển; mua bán tài sản là động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm trong các trường hợp này là Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp.
Khi thực hiện thủ tục đăng ký bảo đảm thì, tổ chức, cá nhân có thể nộp bằng một trong các hình thức: Qua hệ thống đăng ký trực tuyến; Nộp trực tiếp; Qua đường bưu điện; Qua thư điện tử trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm. Về thời hạn giải quyết hồ sơ, cơ quan đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm có trách nhiệm giải quyết hồ sơ đăng ký, cung cấp thông tin trong ngày nhận hồ sơ hợp lệ; nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ, thì hoàn thành việc đăng ký, cung cấp thông tin ngay trong ngày làm việc tiếp theo; trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, thì cũng không quá 03 ngày làm việc. Nghị định cũng có quy định riêng về trình tự, thủ tục, điều kiện và thành phần hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm đối với mỗi loại tài sản và biện pháp bảo đảm.
Một điểm đáng chú ý của Nghị định đó là quy định về việc công bố thông tin về biện pháp bảo đảm bằng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình. Theo đó, Điều 64 Nghị định quy định chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ thời điểm đăng ký biện pháp bảo đảm bằng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng công trình, Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm gửi thông tin cho Sở Tài nguyên và Môi trường để công bố trên Trang thông tin điện tử của Sở này. Thông tin được công bố gồm: Tên dự án, địa chỉ của dự án, bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, tài sản bảo đảm, thời điểm đăng ký. Đây là quy định mới nhằm làm minh bạch hóa tình hình tài chính của các dự án đầu tư xây dựng nói chung, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng nhà ở nói riêng, giúp cho người có nhu cầu mua nhà có thêm thông tin về Dự án trước khi đưa ra quyết định mua nhà, qua đó, phần nào giảm thiểu rủi ro cho Khách mua nhà.
Nhìn chung, từ sau khi Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2017), một loạt các quy định hướng dẫn Bộ luật Dân sự 2005 trước đây sẽ dần được thay thế bằng các văn bản pháp quy mới. Trong đó, Nghị định này thay thế cho Nghị định 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm và bãi bỏ Điều 1 Nghị định số 05/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2017
Vietthink News